Hợp tác Hàng không - Du lịch: Tháo gỡ các “điểm nghẽn’’, đưa ra giải pháp căn cơ lâu dài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng nay, 25-4, Báo Văn Hóa, Tổng Cục Du lịch và Sở Du lịch Khánh Hòa đã tổ chức Hội thảo “Hợp tác Hàng không - Du lịch: Giải pháp thu hút khách du lịch” . Đây là dịp để các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp trao đổi, thảo luận để có định hướng, giải pháp nhanh chóng khôi phục thị trường.

Kết nối đường bay quốc tế, bắt nhịp phục hồi thị trường

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt: Giai đoạn 2015 - 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành du lịch Việt Nam đạt 22,7%/năm, đóng góp trên 9,2% vào GDP. Thời điểm đó, du lịch đã khẳng định được vị thế và vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu khai mạc hội thảo

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu khai mạc hội thảo

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành đều sụt giảm nghiêm trọng. Các hoạt động du lịch quốc tế phải dừng lại từ tháng 4/2020 đến tháng 11/2021. Qua 4 lần bùng phát dịch, hoạt động du lịch trong nước liên tục gián đoạn, dẫn đến ngành du lịch Việt Nam bị thiệt hại ở mức độ chưa từng có trong lịch sử và để lại những hậu quả và hệ lụy hết sức nghiêm trọng.

Cũng theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, đây là hội thảo kết nối ngành Du lịch với Hàng không đầu tiên và có ý nghĩa quan trọng, là một trong những hoạt động triển khai cụ thể chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL mong rằng, với sự vào cuộc của các chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch sẽ chung tay tháo gỡ các “điểm nghẽn’’, đưa ra các giải pháp lâu dài, căn cơ để phát triển ngành du lịch ổn định, bền vững trong tương lai.

Hợp tác,đôi bên cùng có lợi

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không luôn chiếm tỉ lệ cao nhất (hơn 80%, năm 2019) so với đường bộ, đường biển. Vì thế, Hàng không luôn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, giá vé máy bay tăng cao, nhất là vào dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng giá tour của doanh nghiệp lữ hành

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, giá vé máy bay tăng cao, nhất là vào dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng giá tour của doanh nghiệp lữ hành

Sau hơn 1 năm mở lại đường bay quốc tế (từ ngày 15/2/2022) và mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới (từ ngày 15/3/2022), hàng không thật sự đã góp phần hiệu quả thúc đẩy vận tải, giao thương, kết nối, hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Vietjet Air, Bamboo Airways mở thêm nhiều đường bay mới. Vietnam Airlines đã mở lại tất cả các đường bay quốc tế so với thời điểm trước dịch trừ Moscow (Nga), Rangoon (Myanmar), mở thêm đường bay đi San Fransisco và Ấn Độ. Các đường bay nội địa tới một số địa bàn du lịch trọng điểm như: Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang...đều tăng tần suất.

Các đại biểu tham dự hội thảo tại Nha Trang, Khánh Hòa

Các đại biểu tham dự hội thảo tại Nha Trang, Khánh Hòa

Tuy nhiên, theo ông Hà Văn Siêu, bên cạnh sự trở lại “ngoạn mục” sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, ngành Du lịch vẫn gặp một số khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng.

Du lịch thế giới tiếp tục có sự phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019; du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Các thị trường gửi khách chủ yếu của Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn.

Giá vé máy bay tăng cao, nhất là vào dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng giá tour của doanh nghiệp lữ hành. Vì thế, để đạt mục tiêu ngành Du lịch đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỉ đồng trong năm 2023, vai trò của hàng không là rất lớn.

Tại hội thảo, Tổng cục Du lịch đề xuất một số giải pháp như sau: Thúc đẩy khai thác mở rộng đường bay quốc tế đến Việt Nam; Phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển hàng không - du lịch; Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và hàng không; Tăng cường phối hợp tuyên truyền quảng bá giữa ngành Hàng không và Du lịch.

Ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng vận tải hàng không- Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Trong giai đoạn hè 2023, thị trường hàng không quốc tế sẽ tiếp tục hồi phục. Với việc Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia mở tour du lịch từ 15/3/2023, dự báo tốc độ hồi phục của thị trường sẽ nhanh hơn so quý I/2023. Hiện có 52 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 143 đường bay kết nối 29 quốc gia vùng lãnh thổ.

Về cơ bản, ngoại trừ thị trường Nga thì các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã khôi phục lại toàn bộ các đường bay đến các điểm đến như giai đoạn trước dịch. Hơn nữa, các hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways) cũng mở thêm các đường bay mới đến các điểm ở Ấn Độ, Úc, Kazakstan và đáng chú ý là các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc khai thác các đường bay từ Cam Ranh, Đà Nẵng, Đà Lạt đến hơn 40 thành phố ở Trung Quốc theo hình thức thuê chuyến và thuê chuyến du lịch để phục vụ khách du lịch.

Hoạt động khai thác quốc tế đến Việt Nam không bó hẹp ở các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất mà đã được khôi phục và mở rộng ở các cảng hàng không quốc tế khác như Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt.

Dự kiến, thị trường hàng không quốc tế trong các tháng hè sẽ đạt mức từ 2,5 triệu khách đến 3 triệu khách/tháng với tỷ lệ hồi phục tăng dần từ 78% đến 80% so các tháng ứng cùng kỳ 2019. Thị trường hàng không quốc tế sẽ hoàn toàn hồi phục như giai đoạn trước dịch Covid-19 vào các tháng cuối năm 2023. Tính cho cả năm 2023, dự báo thị trường hàng không quốc tế Việt Nam đạt khoảng 34 triệu khách, bằng xấp xỉ 84% so năm 2019.

Ông Bùi Minh Đăng nhấn mạnh, với chính sách “Mở cửa bầu trời”, có thể nói gần như không có rào cản cho hoạt động khai thác quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam cũng như các hãng hàng không nước ngoài khai thác đến Việt Nam.

Cục Hàng không Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho hoạt động khai thác quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài để kết nối nhiều đường bay từ các điểm quốc tế đến Việt Nam, khuyến khích các hãng hàng không khai thác các đường bay quốc tế đến các cảng hàng không quốc tế khác ngoài Nội Bài và Tân Sơn Nhất như Đà Nẵng, Cam Ranh, Huế, Phú Quốc, Vân Đồn, Cát Bi và cả các cảng hàng không nội địa có thể khai thác quốc tế tại như Liên Khương (Đà Lạt), Phù Cát (Bình Định). Bên cạnh đó, Cục HKVN cũng sẽ tăng cường công tác phối hợp với Tổng Cục du lịch trong việc phát động các thị trường khách nguồn, hợp tác hàng không-du lịch và đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn… sau đại dịch để kích cầu du lịch quốc tế.

Nhìn lại cách thức tiếp cận và thu hút khách quốc tế

Bà Nhữ Thị Ngần – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội (Hanoi tourism JSC) chia sẻ, sau đại dịch đã có rất nhiều thay đổi từ thị trường quốc tế khiến chúng ta phải thật sự nhìn nhận lại cách thức tiếp cận và thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Khánh Hòa tổ chức đón du khách, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam sau dịch (ảnh BVH)

Khánh Hòa tổ chức đón du khách, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam sau dịch (ảnh BVH)

Bên cạnh những nỗ lực của từng doanh nghiệp trong việc hoàn thiện sản phẩm, cơ sở vật chất đón tiếp du khách, đào tạo lại nhân sự đáp ứng yêu cầu mới của thị trường hậu Covid, xúc tiến quảng bá tìm kiếm các thị trường khách quốc tế… thì doanh nghiệp rất cần sự vào cuộc đồng bộ và có quy mô của các bên liên quan.

Bà Nhữ Thị Ngần nêu 5 vấn đề “cần làm ngay” để có thể phục hồi du lịch một cách nhanh nhất:

Làm mới và khác biệt hóa sản phẩm du lịch, trong đó, quan trọng là bài toán làm thế nào để giữ chân du khách ở lại Việt Nam lưu trú dài ngày hơn, tiêu dùng nhiều hơn và trải nghiệm nhiều vùng miền của chúng ta hơn? Đây mới chính là yếu tố để phát triển du lịch bền vững và kiến tạo hình ảnh du lịch Việt Nam có chiều sâu, là điểm đến hấp dẫn cho du khách quay lại nhiều lần.

Cải thiện chất lượng dịch vụ , sẵn sàng đón tiếp du khách quốc tế- Yếu tố quan trọng nhất để du khách quay lại nhiều lần và tạo sức lan tỏa truyền thông điểm đến – chính là chất lượng dịch vụ có đáp ứng đúng kì vọng nhu cầu của du khách hay không.

Liên kết hợp tác và hỗ trợ tích cực từ các hãng hàng không- Trong du lịch đặc biệt là du lịch quốc tế, các hãng hàng không có vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối và chất xúc tác để kết nối du khách với điểm đến. Do đó, doanh nghiệp du lịch rất cần sự đồng hành hợp tác chặt chẽ từ phía các hãng hàng không. Sau đai dịch, khả năng chi trả của du khách bị ảnh hưởng khá lớn, nên việc kích cầu bằng các chính sách khuyến mãi của hàng không là yếu tố đặc biệt quan trọng. Với bối cảnh hiện nay, vé máy bay tăng giá ở cả các tuyến trong nước và quốc tế, là một bất lợi lớn trong việc cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực. Để khắc phục điều này, doanh nghiệp lữ hành mong muốn có được sự quan tâm hỗ trợ của các hãng hàng không, nhằm tăng cường liên kết các bên cùng có có lợi.

Sở Du lịch Khánh Hòa tổ chức đón đoàn khách quốc tế đến Cam Ranh (ảnh BVH)

Sở Du lịch Khánh Hòa tổ chức đón đoàn khách quốc tế đến Cam Ranh (ảnh BVH)

Quan trọng tiếp theo là thủ tục xuất nhập cảnh thuận lợi, thân thiện. Không chỉ riêng Việt Nam, mà tất cả các quốc gia trên thế giới muốn phát triển du lịch đều chịu ảnh hưởng của chính sách, điều kiện xuất – nhập cảnh quốc tế. Doanh nghiệp du lịch và du khách đều kì vọng vào một chính sách visa thân thiện, cởi mở hơn, nhanh gọn hơn , thuận tiện hơn… để du khách có thể coi Việt Nam là một điểm đến lý tưởng, không còn những rào cản về thời gian hay thủ tục rườm rà.

Xúc tiến hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam tại các thị trường mục tiêu và ứng dụng công nghệ số: Đối với du lịch quốc tế Inbound, yếu tố quan trọng hàng đầu chính là công tác xúc tiến quảng bá đến thị trường mục tiêu. Tuy mỗi doanh nghiệp đều phải xác định tự lực thông qua hoạt động marketing của doanh nghiệp mình, nhưng nhất thiết phải có sự cộng hưởng từ chương trình quảng bá quốc gia. Hiệu ứng quảng bá từ doanh nghệp chỉ tạo ra các dòng thị phần khách nhỏ lẻ và thiếu sự đồng bộ, rất dễ dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa kì vọng của du khách so với thực tế.

Khi nhà nước có các chương trình truyền thông quốc gia, các hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế có tầm cỡ, thì sẽ tạo ra sự đồng bộ thống nhất trong truyền thông. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng được thừa hưởng hiệu ứng này để tiếp tục củng cố cho hoạt động xúc tiến quảng bá cụ thể hơn vào sản phẩm của doanh nghiệp mình.