Phát triển du lịch văn hóa, tạo điểm nhấn khác biệt trên bản đồ du lịch thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là quốc gia tiềm năng để phát triển “du lịch văn hóa” với nguồn tài nguyên du lịch văn hóa phong phú, đặc sắc. Dựa trên các giá trị nổi bật đó, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đã được xây dựng, khai thác phục vụ khách du lịch.

Tour “lạ” ở Hà Nội

Công ty Du lịch bền vững (S.T.I.D) phối hợp với Bảo tàng Văn học Việt Nam đã cho ra mắt tour du lịch văn học với chủ đề “Chữ Tâm, chữ Tài” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam. Đây là sản phẩm du lịch văn hóa về đêm tại bảo tàng đầu tiên được tổ chức. Sản phẩm du lịch mới này khai thác những tinh hoa văn học của Việt Nam, không chỉ tạo không gian văn hóa cho người dân Hà Nội mà còn kỳ vọng sẽ tạo được điểm du lịch hấp dẫn cho những người yêu văn chương, du khách trong và ngoài nước.

Tour đêm Hoàng thành Thăng Long đem đến cho du khách cảm nhận mới mẻ, lắng đọng và tự hào

Tour đêm Hoàng thành Thăng Long đem đến cho du khách cảm nhận mới mẻ, lắng đọng và tự hào

Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam Nguyễn Thị Thu Huệ cho biết, sản phẩm du lịch văn học khai thác tối đa di sản văn học của các danh nhân, nhà văn Việt Nam. Tour du lịch sẽ có những cách kể, cách tiếp cận văn chương khác biệt để những di sản văn chương đến gần với công chúng, sống trong đời sống đương đại. Tham gia tour du lịch văn học, du khách sẽ được khám phá nhiều không gian văn học hấp dẫn. Đầu tiên là điểm check-in khu vườn tượng 20 danh nhân văn học Việt Nam. Tại đây, du khách sẽ được tham gia hoạt động “gánh chữ”, là những chiếc đèn lồng được thắp sáng với 2 chữ “Tâm” và “Tài”.

Với những nỗ lực thúc đẩy phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, Việt Nam đã đạt được một số giải thưởng du lịch tiêu biểu của Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) như: Điểm đến di sản hàng đầu thế giới (trong 3 năm 2019, 2020, 2022); Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á (2019); Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á (2019) - Hội An; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á (2019); Điểm đến vui chơi, giải trí hàng đầu thế giới - Đảo ký ức Hội An; Điểm du lịch văn hoá hàng đầu thế giới - Sun World Fansipan Legend (2022).

Bước vào “Ngôi đền văn chương”, du khách sẽ được khám phá không gian văn học Việt Nam thời kỳ cổ - trung đại, tìm hiểu chữ Hán, Nôm, những bức thư tịch cổ còn lưu giữ hay những “Bản tuyên ngôn độc lập” như “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, “Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. Du khách cũng được khám phá không gian văn học của Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều, nghe đọc thơ, tìm hiểu sâu hơn về Nguyễn Du; tham quan không gian thơ ca của Chủ tịch Hồ Chí Minh; khám phá không gian của những nhà văn lỗi lạc của Việt Nam với một số tác phẩm tiêu biểu như “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, các tác phẩm của nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ… Một hoạt cảnh “Chí Phèo” tái hiện tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nam Cao cũng là điểm trải nghiệm vô cùng hấp dẫn trong tour văn chương có một không hai này.

Hoạt cảnh Chí Phèo dựa theo tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao

Hoạt cảnh Chí Phèo dựa theo tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao

Sau khi kết thúc tour, du khách được tham gia một số hoạt động trải nghiệm trên tầng 3 của bảo tàng như: Giải đố ô chữ, viết thư pháp, trà đạo… Hoạt động trải nghiệm giúp du khách hồi tưởng lại hành trình khám phá văn học tại bảo tàng. Đây cũng là lúc cảm xúc lắng đọng lại sau khi tour kết thúc. Hiện tại, tour được mở vào những ngày cuối tuần. Nhiều du khách, sau khi trải nghiệm thường có cái nhìn mới mẻ hơn về văn học, quan trọng hơn cả, di sản văn học có sức sống mới, đồng thời Hà Nội có thêm một sản phẩm du lịch độc đáo.

Trước tour văn học, có 2 tour mới mang tính độc và lạ là tour đêm Hỏa Lò và đêm Hoàng thành Thăng Long. Đây đang được xem là sản phẩm du lịch tốt của Hà Nội, không chỉ có ý nghĩa giáo dục, khơi dậy niềm tự hào dân tộc thông qua tư liệu, hoạt cảnh tái hiện lại lịch sử mà còn cho thấy cách thức xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng và hiệu quả. Hiện tại, sản phẩm tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò có 2 phiên bản là “Đêm thiêng liêng sáng ngời tinh thần Việt” và “Sống như những đóa hoa”. Các đơn vị tổ chức, thực hiện tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò vẫn đang nâng cấp, điều chỉnh sản phẩm này để phù hợp với thị hiếu của nhiều đối tượng du khách, trang bị hệ thống thuyết minh hiện đại hơn để phục vụ được nhiều du khách.

Việt Nam hiện có 5 di sản văn hóa vật thể, 1 di sản hỗn hợp, 14 di sản văn hóa phi vật thể, 7 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh (gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 4 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương); hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 128 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, trên 400 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; bề dày lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước; 54 dân tộc anh em cùng chung sống tạo nên những đặc trưng văn hóa riêng biệt.

Với tên gọi đầy đủ, tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” sau gần 1 năm hoạt động nhận được sự quan tâm đặc biệt của du khách. Đến với tour đêm, du khách có thể hình dung một phần lịch sử của Hoàng thành trải dài từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIX, xuyên suốt các triều đại Đại La, Lý, Trần, Mạc, Lê, Nguyễn. Khác với những chuyến du lịch thông thường, tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” là chương trình du lịch trải nghiệm đặc biệt. Trong không gian linh thiêng lưu dấu lịch sử ngàn năm của Hoàng thành Thăng Long, âm nhạc hàn lâm sẽ đem đến cho du khách những cảm nhận thật mới mẻ, lắng đọng và tự hào. Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới, có bề dày lịch sử hơn 1.300 năm với những di tích, di vật độc đáo, minh chứng cho lịch sử hào hùng của Thăng Long - Hà Nội và của dân tộc Việt Nam.

Những tác phẩm văn học cổ tại Bảo tàng Văn học Việt Nam

Những tác phẩm văn học cổ tại Bảo tàng Văn học Việt Nam

Các tour đêm ra đời là hướng tìm tòi sáng tạo để xây dựng những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn hơn, dựa trên những di tích, di vật tưởng chừng như đã rất quen thuộc với du khách. Tham quan Hoàng thành, Hỏa Lò hay Bảo tàng Văn học vào ban ngày có lẽ nhiều du khách đã từng đến. Nhưng, trải nghiệm vào ban đêm lại là một cảm giác rất khác lạ và mới mẻ. Với mong muốn tạo một sản phẩm mới, độc đáo cho du lịch Thủ đô, tour đêm hướng đến những giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt của di sản văn hóa, làm nổi bật những di tích, di vật độc đáo quý giá của di sản.

Phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch nhận định, du lịch muốn phát triển cần phải dựa trên các giá trị văn hóa, ngược lại nhờ có du lịch mà nhiều giá trị văn hóa được gìn giữ, bảo tồn, khôi phục và phát huy. Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đã trở thành thương hiệu đặc trưng, tạo nên sự khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch của Việt Nam. Nhiều điểm đến có di sản văn hóa thế giới đã trở thành điểm nhấn quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam và là “điểm phải đến” của khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế.

Ví dụ như quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), quần thể di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế), khu di tích Mỹ Sơn và phố cổ Hội An (Quảng Nam)… Nhiều chương trình du lịch văn hóa được xây dựng và thực hiện thành công, tạo thương hiệu cho du lịch Việt Nam như “Con đường di sản miền Trung”, “Các cố đô Việt Nam”, “Con đường xanh Tây Nguyên”...

Du khách được tìm hiểu về hành trình văn học Việt

Du khách được tìm hiểu về hành trình văn học Việt

Phát triển sản phẩm du lịch văn hóa đã góp phần mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung (tổng thu từ khách du lịch tăng trên 5 lần, từ 96.000 tỷ đồng năm 2010 lên 720.000 tỷ đồng năm 2019, trung bình tăng 26,9%, đóng góp trên 7 - 8% GDP và tác động lan tỏa trên 13,9% GDP; tạo ra trên 1,2 triệu việc làm trực tiếp và 3,6 triệu việc làm gián tiếp).

Từ du lịch và thông qua du lịch, nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử đã được quy hoạch, tu bổ, bảo quản, khôi phục bằng nhiều biện pháp khác nhau; nhiều làng nghề truyền thống được chấn hưng và phục hồi; công tác tuyên truyền quảng bá các giá trị cũng như ý thức giữ gìn tới cộng đồng cũng rất được chú trọng.

Vai trò chủ đạo của kinh tế địa phương

Lấy ví dụ từ trường hợp của tỉnh nhà, Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên - Huế cho biết, Thừa Thiên Huế luôn ý thức sâu sắc giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế là nền tảng cho việc xây dựng chiến lược phát triển ngành kinh tế mũi nhọn để từ đó góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội, để Cố đô Huế phát triển nhanh và bền vững dựa trên đúng thế mạnh và đặc trưng riêng của mình.

Di sản Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước hồi sinh diện mạo ban đầu của một cố đô lịch sử. Công cuộc bảo tồn di tích Huế chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đến nay, Huế được các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước, đặc biệt là UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu của Việt Nam về bảo tồn di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tour du lịch văn học được nhiều du khách quan tâm tìm hiểu

Tour du lịch văn học được nhiều du khách quan tâm tìm hiểu

Trải qua 20 năm với 10 kỳ Festival Huế và 7 kỳ Festival nghề truyền thống Huế, nay có thêm Festival bốn mùa, đã khẳng định mô hình Festival được định hình, trở thành một Festival được chú ý trong hệ thống Festival trên thế giới. Các kỳ Festival tổ chức thành công đã góp phần khẳng định vị trí về chính trị, văn hóa và du lịch, mở rộng quan hệ ngoại giao và hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế. Đồng thời, Huế cũng sở hữu nhiều danh hiệu như “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”...

Khai thác du lịch, dịch vụ từ di sản văn hóa đã đóng vai trò chủ đạo của kinh tế địa phương, doanh thu toàn xã hội từ du lịch dịch vụ dựa trên nền tảng phát huy giá trị văn hóa truyền thống chiếm tỷ trọng cao. Số liệu thống kê từ năm 1990 đến năm 2019, du lịch liên tục tăng trưởng trên tất cả mọi chỉ tiêu. Số lượt khách đến Thừa Thiên - Huế từ 81.500 lượt (1990) đã đạt 4,817 triệu lượt (2019); doanh thu từ 154 tỷ (1990) đã tăng lên 12,000 tỷ (2019); đóng góp từ mức 7% trong GDP của tỉnh (1995) đã tăng lên trên 12% (2019). Trong đó, điểm đáng lưu ý là 85% du lịch Huế là du lịch văn hóa di sản.

Điều này cho thấy, di sản văn hóa Huế có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể là đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Nhờ vậy, Cố đô Huế đã bảo tồn khá nguyên vẹn những giá trị di sản văn hóa của tổ tiên, di sản văn hóa Cố đô Huế đã trở thành nền tảng, động lực, hành trang để Thừa Thiên - Huế vững bước đi lên xây dựng phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Nhiều năm liền, Thừa Thiên - Huế luôn được bình chọn là điểm đến an toàn thân thiện của du lịch Việt Nam. Trong tháng 3-2023, báo The Travel của Canada vừa bình chọn Huế là một trong 10 thành phố đẹp nhất Việt Nam mà du khách cần đến khám phá và trải nghiệm.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải khẳng định, hoàn toàn có thể khai thác khía cạnh kinh tế du lịch của di sản văn hóa truyền thống để tạo động lực cho phát triển và giá trị văn hóa truyền thống cần được nhìn nhận một cách xác đáng như một bộ phận hữu cơ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cũng không nên quá đề cao mục tiêu kinh tế du lịch, lợi nhuận mà không quan tâm đến các mục tiêu văn hóa, giữ gìn, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống. Không nên hy sinh di sản văn hóa truyền thống vì các mục tiêu phát triển kinh tế du lịch.

Bên cạnh đó, cần bảo đảm sự cân đối hài hòa giữa hai quá trình bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng không nên quá thận trọng, chỉ chăm lo vào mục đích bảo vệ, bảo tồn mà không biết khai thác giá trị văn hóa truyền thống độc đáo phục vụ phát triển du lịch. Như vậy, vô hình trung lại rơi vào tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên văn hóa phong phú và đa dạng để phát triển các loại hình du du lịch, dịch vụ, đồng thời tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

TS. Nguyễn Xuân Phi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa truyền thống Việt Nam: Đầu tư phát triển bảo tàng tư nhân

Để đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, ngoài việc tăng cường quảng bá, giới thiệu rộng rãi tới du khách và những người có đam mê, yêu thích lịch sử, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa…về giá trị của các hiện vật lịch sử, chủ sở hữu các hiện vật lịch sử và các bộ sưu tập tư nhân cần tăng cường nghiên cứu, sưu tập, tư liệu hóa, số hóa các hiện vật; xây dựng cơ sở dữ liệu theo từng chủ đề, với nhiều cách tiếp cận và cách thức khác nhau; từng bước đưa các hiện vật lịch sử hoặc giới thiệu những giá trị của bộ sưu tập tới đông đảo công chúng và du khách thông qua các cuộc trưng bày chuyên đề hoặc qua các loại ấn phẩm, sản phẩm truyền thông; chủ động phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch, ngành Giáo dục liên kết và mở rộng phạm vi các điểm đến du lịch; tổ chức giao lưu, tọa đàm chuyên đề về các hiện vật lịch sử gắn với du lịch văn hóa, thu hút học sinh ở các bậc học phổ thông, đại học tới tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa dân tộc, để mọi người cảm nhận và yêu thích môn lịch sử.

Ngoài ra, cũng rất cần có sự vào cuộc của các địa phương trong việc hỗ trợ về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nhà văn hóa, nhà sưu tập cổ vật, các bảo tàng tư nhân phát triển, giúp các bảo tàng tư nhân quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng hay trang web của địa phương, đóng vai trò là “cầu nối” liên kết xúc tiến với các doanh nghiệp lữ hành, du lịch để xây dựng sản phẩm và đưa khách đến tham quan; tạo điều kiện công nhận các bảo tàng tư nhân, các tác phẩm nghệ thuật về văn hóa dễ dàng hơn. Tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, vật chất để việc tham quan, quảng bá dễ dàng thuận lợi hơn.

Yên Vân (Ghi)