Hoàng Ngọc Hiến và học hàm “dân phong”

ANTĐ - Hơn 30 tác phẩm, công trình nghiên cứu của Hoàng Ngọc Hiến là một thống kê về số lượng, còn những gì mà ông để lại thực sự khó mà đo đếm. Chưa từng được phong hàm giáo sư nhưng với bạn bè, đồng nghiệp học trò, ông luôn là vị giáo sư tài năng và đức độ.

Hoàng Ngọc Hiến  - người được coi là “vị giáo sư của nhân dân”


Tiếng thơm để đời

Ai đó đã nói, giá trị của một con người sẽ thể hiện rõ nhất khi người ấy không còn nữa. Những gì người ta nói về Hoàng Ngọc Hiến sau một năm ngày ông ra đi (24-1-2011) đã cho thấy phần nào sự kính trọng mà người đời dành cho ông. “Bậc trí giả lương thiện”, “Tầm nhìn văn hóa rộng lớn”, “Người khơi mở nguồn minh triết Việt”, “Một trong những trí thức lớn của thế kỷ 20”… là những cụm từ người ta dành để nói về Hoàng Ngọc Hiến.

 Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng, những nghiên cứu, những bài viết của Hoàng Ngọc Hiến đã có tác động sâu sắc đến đời sống văn học Việt Nam cuối thế kỷ 20, tạo nên sức bật mạnh mẽ trong đội ngũ sáng tác. Chẳng hạn như từ định nghĩa “Văn học phải đạo” đã làm thay đổi tư duy trong sáng tác rất lớn, tạo nên nhiều thế hệ nhà văn nổi tiếng sau này. Hoàng Ngọc Hiến là người có công giới thiệu các nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh... Một năm sau ngày ông mất, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã tưởng nhớ ông bằng bài phú có đoạn: “Nhớ thay, Hoàng Ngọc Hiến! / Tiếc thay, Hoàng Ngọc Hiến! / Bậc trí giả lương thiện / Một người xưa nay hiếm!”. 

Có lẽ ý kiến của PGS.TS Phạm Vĩnh Cư về “học hàm dân phong” của Hoàng Ngọc Hiến tại buổi tọa đàm về ông rất xác đáng. Khi được nhà văn Đà Linh, người dẫn chương trình giới thiệu là giáo sư, Phạm Vĩnh Cư đã nói ngay: “Trước tiên tôi phải cải chính, tôi không phải là giáo sư. Có lẽ tôi được thơm lây từ anh Hoàng Ngọc Hiến, anh Hoàng Ngọc Hiến quả thực xứng đáng được nhân dân, công chúng, độc giả, các thức giả trong và ngoài nước tôn vinh là giáo sư, còn tôi chưa thấy xứng đáng...”. PGS.TS Phạm Vĩnh Cư là một người đồng nghiệp lớp sau của Hoàng Ngọc Hiến, cũng là người kế nhiệm chức vụ Hiệu trưởng trường Viết văn Nguyễn Du khi Hoàng Ngọc Hiến nghỉ hưu. Ông cũng dành những lời lẽ tốt đẹp cho người tiền nhiệm đáng kính có công khai mở ngôi trường là cái nôi của những tên tuổi lớn trong nền văn học Việt Nam, trong đó ông tỏ ra khâm phục Hoàng Ngọc Hiến ở thái độ rõ ràng trong tranh luận khoa học.  

Trong mắt học trò

Không hiểu từ ai và bao giờ hai từ “Giáo sư” được gắn với Hoàng Ngọc Hiến dù ông chưa từng được phong học hàm này. Và cụm từ “Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến” tồn tại như một sự hiển nhiên. Thế mới biết vẻ đẹp trí tuệ và sự tỏa sáng của nhân cách có sức lan tỏa lớn đến mức nào. Có lẽ Hoàng Ngọc Hiến đã được phong cấp hàm trang trọng ấy bởi một “hội đồng nhân dân” gồm những người yêu mến, kính trọng ông.

Nhắc đến những cái tên như Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trọng Tạo, Văn Chinh, Bảo Ninh, Nguyễn Thụy Kha, Trung Trung Đỉnh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà… chắc hẳn nhiều người đều biết, nhưng ít ai biết rằng họ đều là những người học trò của thầy Hoàng Ngọc Hiến. Trong đội ngũ những học viên trường Viết văn Nguyễn Du may mắn được học thầy Hoàng Ngọc Hiến thì có lẽ các học viên khóa I là gần gũi và hiểu thầy hơn cả. Và cái danh từ “thầy Hiến” người ta gọi ông đầy trân trọng ấy không phải được đo đếm bằng những giờ đứng trên bục giảng. Bởi nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, trong suốt ba năm học của các học viên khóa I, thầy Hiến chỉ giảng đúng… một tiết học với thời gian 45 phút. “Thầy rất trân trọng và quý giá những gì làm nên một người thầy”, Hữu Thỉnh xúc động nhớ lại.

Nhà văn Tạ Duy Anh có một kỷ niệm với thầy Hoàng Ngọc Hiến, kỷ niệm ấy đã theo anh suốt đời văn. Khi Tạ Duy Anh còn là học viên của trường Viết văn Nguyễn Du, viết xong tiểu thuyết “Lão Khổ” anh đã rất kỳ vọng và nhờ thầy đọc góp ý. Thầy Hiến đã có những nhận xét thẳng thắn, xác đáng, dù biết sẽ làm cho người trò buồn. Nhưng chính nhờ thái độ chân tình của người thầy lớn, Tạ Duy Anh đã hủy bỏ bản thảo để viết lại cuốn tiểu thuyết đầu tay. Sau đó tiểu thuyết “Lão Khổ” được anh nộp làm tác phẩm tốt nghiệp. Trong buổi lễ bảo vệ, thầy Hoàng Ngọc Hiến đã có những nhận xét tốt ghi nhận sự dũng cảm cũng như những cố gắng phi thường của Tạ Duy Anh. 

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng từng có một bài thơ viết tặng Hoàng Ngọc Hiến từ nhiều năm trước, bài thơ “Viết trên máy chữ”. “Tức là chỉ viết một lần, đánh máy trực tiếp, không sửa chữa được, Hoàng Ngọc Hiến cũng vậy, chỉ sống một lần, không sửa chữa, tôi tin rằng, dù sống một lần nữa thì anh cũng vẫn sống như thế”, Nguyễn Trọng Tạo giải thích. Trong bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo có đoạn: “Tôi mở cửa úa vàng tàu lá chuối / Tàu lá chuối bị đâm, tàu lá chuối úa vàng như nói to lên / Đừng đâm vào màu xanh của nó / Nhưng có điều này thật khó / Dẫu bị đâm tàu lá chuối vẫn xanh…”.

Nói về danh xưng giáo sư mà người đời dành cho thầy Hoàng Ngọc Hiến, nhà văn Văn Chinh, một người học trò của ông đã nói, thầy Hiến đã định nghĩa thế nào là giáo sư: Giáo sư, đấy là người học trò chuyên nghiệp, người học trò cả đời. Theo Văn Chinh, “Hoàng Ngọc Hiến đã học cả đời, và đến tám mươi tuổi thì ngộ đạo”, bởi ông ra đi khi vừa qua tuổi tám mươi. Trong phút lâm chung ấy, có người học trò xuất sắc, nhà thơ Hữu Thỉnh, người mà với Hoàng Ngọc Hiến vượt xa hơn nhiều những quan hệ thầy - trò thông thường, ở bên cạnh. Nhớ về phút giây vĩnh biệt cõi đời của người thầy đáng kính, nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ: “Tôi thấy thầy Hiến hiện lên đầy đủ chân dung của một con người vô cùng thanh thản biết mình là thế nào, đời là thế nào. Có lẽ thầy Hiến không bao giờ phải băn khoăn về câu hỏi mình là ai, đời là gì…”. Nói như Văn Chinh, ấy là gương mặt của một người ngộ đạo.