Họa sĩ Lê Thiết Cương: "Mặt" của những chiều đa nghĩa

ANTD.VN - Gần ba chục năm miệt mài bên giá vẽ, Lê Thiết Cương thật biết cách gây bất ngờ cho bạn bè và người xem khi lần đầu tiên ra mắt một triển lãm không mấy liên quan đến hội họa: Triển lãm điêu khắc “Mặt” vừa diễn ra tại 39 phố Lý Quốc Sư, Hà Nội.

Phật gỗ

Với khoảng 20 tác phẩm trưng bày, đây là tâm huyết 20 năm ấp ủ của anh, xuyên suốt một tinh thần tối giản nhưng đã có thêm màu sắc mới. Đó là cách anh nhìn những hiện thân của con người, sự vật, tôn giáo… ở những mặt cắt và gây ấn tượng tạo hình thông qua những mặt cắt đó.

Những chân dung đúc, hạt gạo đúc, tượng Phật, thậm chí hình thể của Linga, Yoni cũng được ghép nhờ những mặt cắt. Các đường xẻ ngang dọc, xiên chéo đã tạo nhịp điệu cho tác phẩm điêu khắc bằng cách tách - nối các tiết diện. Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, “Mặt phẳng, phẳng cũng là khối”, một phần của khối. 

Bức Phật gương

Bốn chủ đề chính được đưa vào triển lãm bao gồm: Hạt gạo, âm dương, chân dung và Phật. Tất cả được sắp xếp xen kẽ, với độ cao thấp, mau thưa khác nhau. Có tác phẩm được treo (chùm hạt gạo), để trên bàn (hạt cốm, hạt gạo đơn, tượng Phật), song cũng có tác phẩm được đặt thẳng dưới nền như biểu tượng dương (Linga) hay biểu tượng âm (Yoni).

Phật kính

Có thể đây chính là cách anh chiêm ngưỡng, đắm chìm trong cuộc sống, mà ở đó, mỗi sự vật ứng với mỗi vị trí, nhưng cùng uyển chuyển, hòa điệu trong một sự vận hành chung có tên gọi Sự sống; và mỗi sự sống đều có đời sống của nó.

Họa sĩ Lê Thiết Cương

Không ngẫu nhiên khi Lê Thiết Cương chọn chất liệu đồng, đá để tạo hình điêu khắc hạt gạo; chất liệu sắt cho biểu tượng Yoni; composite và sơn mài cho chân dung trong khi điêu khắc tượng Phật anh lại dùng các chất liệu gương, kính, gỗ.

Hạt gạo bằng chất liệu đồng hay đá là thể hiện sức nặng, sự tôn quý đối với nguồn thực phẩm nuôi sống con người ở khu vực đã gắn bó bền vững với nền văn minh lúa nước. Đối với tượng Phật, hình thức “tam thân” được làm từ ba chất liệu dễ cháy, dễ vỡ là gương, kính, gỗ thể hiện sự tôn kính trước một thực thể để người ta soi vào, nhưng cũng dễ vỡ đổ, tăm tối nếu người “soi” không biết cách.

Triển lãm “Mặt” còn đặc biệt ở việc đưa một phần tín ngưỡng phồn thực vào trong tác phẩm điêu khắc. Qua cái nhìn và tạo hình của người họa sĩ, Linga hay Yoni được phép đứng độc lập cạnh nhau, được “sai” về kích thước và sai khác về màu sắc nhưng không mất đi chất vi diệu, lộng lẫy của chúng. Bởi vì nhờ sự vi diệu, lộng lẫy này mà cuộc sống được tiếp tục mang theo ước vọng phồn sinh ngàn đời của con người… 

Như vậy, tối giản trong điêu khắc của Lê Thiết Cương có thể ví với sự “hàm súc” của ngôn từ. Nó chỉ còn là cái vỏ của hình thức tỷ lệ nghịch với nội dung, ý nghĩa bên trong. Người xem không khó cảm nhận sự quang đãng, thanh tân trong không gian trưng bày, cũng không khó nhận ra nét hiện đại dựa trên tinh thần truyền thống của từng tác phẩm điêu khắc, nhưng chắc hẳn cần thời gian để “đọc” được những chiều đa nghĩa của chúng. 

Khi được hỏi về “Mặt” của Lê Thiết Cương, với tư cách là một người đã thành danh với điêu khắc, họa sĩ Lê Đình Nguyên bảo chỉ có thể dùng hai từ “đẳng cấp”. Đó là một tinh thần tối giản đầy triết lý.

Khi tạo ra bức tượng Phật, Lê Thiết Cương không đi theo lối mòn làm hình khối đặc như bấy lâu nay các họa sĩ vẫn làm rồi dát vàng dát bạc lên. Cương dùng kính với 5 lớp đan xen, đó là câu chuyện của ngũ hành với kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Đó cũng còn là cõi nhân sinh sắc sắc không không vô thường.