Ngày 5-9 khai giảng năm học mới

Hãy đồng hành cùng thế hệ trẻ

ANTĐ - Thu đã trải nắng óng vàng trên các hè phố, làm vàng thêm trái sấu chín thơm trong lá. Mùa hanh hao nắng thu cũng đánh thức nỗi nhớ trường nhớ lớp trong mỗi tâm hồn. Tại TP Hà Nội, 1,6 triệu học sinh các cấp cùng hơn nửa triệu sinh viên các trường đại học, cao đẳng cũng đang náo nức chờ ngày 5-9 khai trường.

Đến nay, các trường học đã căn bản hoàn tất các bước chuẩn bị đón học sinh. Các trường học đã được sửa chữa, nâng cấp, chương trình giáo dục đã được rà soát, thay đổi phù hợp hơn với học sinh các lứa tuổi. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có thư gủi các thầy cô giáo và học sinh, động viên tinh thần và nhắc nhở trách nhiệm của mỗi người vì tương lai đất nước. Tất cả đang chờ đợi tiếng trống đầu tiên của năm học.

Năm học mới, Hà Nội xây dựng mới 15 trường học, với tổng kinh phí hơn 480 tỷ đồng, thành lập thêm 25 trường học mới. Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, thành phố Hà Nội tiếp tục ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo, ngân sách chi cho các cấp học tăng từ 2,5 đến 3 lần so với định mức cũ. Hàng năm, kinh phí dành cho giáo dục chiếm tới 20% tổng chi ngân sách thành phố, chủ yếu là đầu tư cho lĩnh vực xây dựng cơ bản. Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở  GD-ĐT Hà Nội tại cuộc họp báo chuẩn bị năm học mới cho biết: “Hiện nay, toàn thành phố đã xây dựng được 768 trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần tạo nên diện mạo cho các nhà trường tốt hơn. Với các trường cận chuẩn, chúng tôi cũng đang cố gắng đầu tư tiếp để các trường từng bước chuẩn hóa. Các chương trình mục tiêu của thành phố đã dồn vào nâng cao cơ sở vật chất cũng như các điều kiện khác như các đề án về chất lượng cao, đề án thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, rồi đề án nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên”. 

Cũng dành những ưu tiên cao nhất cho thế hệ trẻ, ngay từ đầu năm học mới, Chính phủ đã có những chính sách mới hỗ trợ các thầy cô và học sinh yên tâm dạy và học. 

Từ ngày 1-9-2013, Quyết định số 36/CP của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ 15 kg gạo/học sinh/tháng cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn bắt đầu có hiệu lực. Cũng từ ngày 1-9-2013, theo Thông tư số 27/2013/TTLT-BGDĐT-BTC của Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính nhằm Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 12/2013/QĐ-TTG của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ học sinh THPT ở vùng có điều kiện kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh sẽ được hỗ trợ chi phí ăn, ở bằng 40% lương tối thiểu. Như vậy, tất cả học sinh THPT vùng đặc biệt khó khăn cũng sẽ được hỗ trợ chi phí ăn, ở trong quá trình học tập. 

Một chính sách khác được Bộ GD-ĐT triển khai trong năm nay là bổ sung chính sách đối với nhà giáo đang công tác tại vùng đặc biệt khó khăn. Theo đó, nếu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn có gia đình chuyển đi theo được trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu chung cho một hộ (thay cho mức trợ cấp là 6,5 triệu đồng như quy định hiện hành).

Điểm mới ở chính sách này là quy định giáo viên hết thời hạn công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn mà chưa thực hiện được việc luân chuyển, giáo viên vẫn được hưởng phụ cấp thu hút. Bắt đầu từ năm học 2013-2014, Chính phủ sẽ cấp bù trực tiếp học phí cho các Sở Giáo dục, do đó đối tượng được miễn giảm học phí ở bậc đại học sẽ được miễn giảm trực tiếp tại trường, thay vì nộp học phí như bình thường và về địa phương để nhận lại khoản hỗ trợ này. Từ ngày 15-9, mức học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí hệ giáo dục chính quy đối với trường công lập và tối thiểu bằng 2% nguồn thu học phí hệ giáo dục chính quy đối với trường ngoài công lập. Đối với các trường Sư phạm và các ngành nghề đào tạo không thu học phí thì quỹ học bổng được trích tối thiểu bằng 8% nguồn ngân sách Nhà nước cấp bù học phí. 

Tuy nhiên, giáo dục cũng như nhiều ngành khác cũng còn những vấn đề nghiêm trọng cần giải quyết. Trước hết, triết lý giáo dục, mục tiêu của hệ thống giáo dục chưa phù hợp với thực tiễn. Sự không rõ ràng này đã đẩy toàn bộ hệ thống giáo dục vào những sai lầm, ảnh hưởng đến sản phẩm của ngành Giáo dục là chất lượng lao động sụt giảm, sự suy thoái về mặt đạo đức của một bộ phận giới trẻ cũng như tiêu cực tràn lan trong ngành Giáo dục. Với sự quan tâm rất lớn của Nhà nước và nhân dân, mỗi năm ngân sách dành cho giáo dục lên đến trên 1% GDP, tương đương hàng chục tỷ USD và nhân dân cũng đổ vào giáo dục hàng chục tỷ USD nữa, nhưng hiệu quả ngành Giáo dục rất thấp. Chương trình giáo dục phổ thông dẫu cải cách nhiều nhưng chưa hợp lý, dẫn đến kiến thức cần cung cấp thì coi nhẹ, nhưng những kiến thức không cần thiết thì cọi trọng, ép học sinh thao tác thay cho hiểu biết. Quá coi trọng các kỳ thi, dùng tấm bằng thay cho kiến thức đẩy xã hội vào tình thế trọng bằng cấp thay cho năng lực. Giáo dục đại học méo mó, làm các cử nhân ra trường không đủ khả năng lao động. Tách giáo dục dạy nghề ra khỏi hệ thống giáo dục chuyển về ngành lao động xã hội đã làm hệ thống giáo dục đơn tuyến, mất linh hoạt. Tất cả những vấn đề nghiêm trọng này cần được nghiên cứu cẩn trọng đề có thể cải cách giáo dục, cải thiện chất lượng con người Việt Nam tương lai.

Song với những cố gắng và những kết quả, thành tựu ngành GD-ĐT đạt được trong những năm vừa qua nói chung, năm học 2012 - 2013 nói riêng là điều kiện nền tảng giúp ngành cũng như xã hội triển khai một cách mạnh mẽ, đồng bộ việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trên cơ sở của Nghị quyết Trung ương. Trên cơ sở những thành công, bài học kinh nghiệm của năm học vừa qua, Bộ GD&ĐT đề ra 4 nhóm phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2013-2014. Đó là: Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý GD; Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động GD; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD; Tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính GD.

Với sự nỗ lực cao của ngành, sự quan tâm của toàn xã hội và sự cố gắng của thầy trò, năm học mới này, thành phố Hà Nội quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ đề ra như: giữ vững kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở, thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục bậc trung học với số đối tượng trong độ tuổi đạt trên 85%. Phấn đấu 85% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày… Kết thúc mùa hè, cũng là lúc học sinh rộn ràng chuẩn bị bước vào năm học mới. Mỗi một bậc học với đặc thù riêng của mình đều cố gắng hoàn thành tốt công tác chuẩn bị đầu năm học cho ngày khai trường. Cho đến thời điểm này, các nhà trường, cha mẹ họ sinhvà bản thân các em đang hào hứng với những dự định của chặng đường phía trước. Để mỗi học sinh, sinh viên bước vào năm học mới tự tin có nhiều năng lượng, đáp ứng nhu cầu học tập đạt kết quả cao, không chỉ nhà trường, thầy cô có trách nhiệm mà tất cả các bậc phụ huynh cần phải biết động viên, khích lệ giúp các em có kế hoạch chuẩn bị cho việc học tập của mình. Đó là hành động thiết thực vì thế hệ tương lai của đất nước.