Hành trình 125 năm hồi sinh Văn Miếu - Quốc Tử Giám

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cũng giống như thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của nước ta được khởi dựng vào năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông đã trải qua biết bao thăng trầm lịch sử. Khoảng 125 năm trước, nơi đây từng bị bỏ hoang, là địa điểm mà người Pháp hẹn nhau ra để “giải quyết những chuyện mâu thuẫn cá nhân” mà nôm na gọi là… đấu súng. Nơi đây từng là trại lính, trường dạy kèn, thậm chí còn để cách ly người bị dịch tả… Nhưng may mắn hơn rất nhiều các di tích giờ đây chỉ còn cái tên trong cổ sử, đến năm 1898 người Pháp ở Hà Nội đã nhận được ra giá trị của di tích này và cùng người Việt trùng tu, xếp hạng Văn Miếu từ rất sớm.

Tại Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang diễn ra một cuộc triển lãm đặc biệt với chủ đề “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898 - 1954”, những bức ảnh từ hơn 100 năm trước được Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) chụp và lưu giữ, cùng những bản đồ và tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã được trưng bày, kể lại quá khứ vàng son lẫn biến cố của Văn Miếu trong khoảng thời gian người Pháp đặt nền cai trị ở Đông Dương. Rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến với triển lãm đều bày tỏ sự bất ngờ thú vị về di tích quan trọng bậc nhất của Hà Nội. Sự hồi sinh của khu di tích là một câu chuyện rất thú vị được thể hiện thông qua cuộc triển lãm.

Sự hồi sinh

Văn Miếu khi ấy từng được gọi là Chùa Quạ vì mức độ hoang phế. Năm 1902, EFEO đến Hà Nội và lập tức nhận ra giá trị di sản văn hóa lịch sử của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Từ đó cho tới khi rời đi vào năm 1957, EFEO luôn đồng hành cùng hành trình nhiều thăng trầm của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đó là bị xuống cấp trầm trọng (giai đoạn 1917 - 1920), bị phá hủy một phần (cuối năm 1946) và xen kẽ nhiều lần trùng tu để trở nên uy nghi hơn.

Do đặc thù của công trình được xây dựng bằng gỗ và ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt, công việc trùng tu Văn Miếu phải được thực hiện thường xuyên dù là trước đây hay bây giờ. Việc trùng tu các di tích kiến trúc gỗ luôn cần đến bàn tay tài hoa của những người thợ thủ công Việt Nam. Chỉ những người thợ mộc, thợ sơn mài, thợ điêu khắc… nắm giữ các bí quyết, kỹ thuật truyền thống mới có thể thực hiện được công việc này. Vai trò của EFEO lúc bấy giờ là lựa chọn những người thợ thủ công tài hoa, xác định các công trình cần ưu tiên sửa chữa và tìm nguồn kinh phí cho công việc tu sửa.

Vào cuối thế kỷ 19, trên các bản đồ, vị trí Văn Miếu nằm ở rìa kinh thành, giữa một khu vực nông thôn dân cư thưa thớt. Cách xa trung tâm, trực thuộc khu vực hành chính của tỉnh Hà Đông nên di tích ít được quan tâm. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng của Hà Nội thời điểm đó diễn ra ngay sau khi thành lũy được dỡ bỏ và việc xuất hiện nhiều tuyến phố mới đã khiến Văn Miếu nằm giữa một trung tâm đô thị đang phát triển. Trước bối cảnh đó, để bảo vệ di tích, người Pháp cho xây lại tường bao để toàn bộ khu Văn Miếu có hình tứ giác đều. Công trình xây tường hoàn thành vào năm 1900.

Toàn cảnh Văn Miếu, ảnh chụp năm 1950

Toàn cảnh Văn Miếu, ảnh chụp năm 1950

Bên cạnh đó, sơ tán người dân đang sống trong các căn nhà sát với tường bao của di tích, dỡ bỏ các căn nhà này đồng thời trả lại Vườn Giám và Hồ Văn cho Văn Miếu. Công tác xếp hạng được quan tâm ngay sau đó. EFEO tiến hành xếp hạng các di tích ở Việt Nam từ năm 1900. Năm 1906, danh sách 7 di tích đầu tiên ở Hà Nội được xếp hạng đăng trên báo chính thống gồm: Văn Miếu, Ô Quan Chưởng (còn gọi là cổng Jean Dupuis), chùa Trấn Vũ, đền Ngọc Sơn, đền Hai Bà Trưng, đền Bạch Mã và chùa Một Cột. Năm 1924, Luật Bảo vệ di tích lịch sử (được thực hiện từ năm 1913) của Pháp được mở rộng sang Đông Dương. Danh mục các di tích lịch sử ở Bắc Kỳ bao gồm 89 di tích thì Văn Miếu ở số thứ tự thứ 39.

Ở lần trùng tu đầu tiên, chức năng thờ tự và giá trị di sản của Văn Miếu được công nhận, người Pháp không còn xâm phạm không gian di tích. Rất nhiều các hạng mục được trùng tu trong dịp này gồm Khuê Văn Các, Tả Vu, tòa đình bia bên phải, đồng thời sửa chữa cổng Văn Miếu, tường bao và giếng Thiên Quang. Năm 1905, công việc tu sửa tiếp tục được tiến hành. Mái ngói trên điện Khải Thánh và một số công trình khác được lợp lại. Đặc biệt, nội thất bên trong được tu sửa, sơn son lại toàn bộ nội thất, các cột, hoành phi, trần và sàn nhà. Từ năm 1917 - 1920, Văn Miếu bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1917, một đợt tu sửa lớn được diễn ra dưới sự giám sát của kỹ sư Henri Parmentier. Đợt trùng tu này kéo dài trong 4 năm do chính quyền tỉnh Hà Đông thực hiện dưới sự hỗ trợ của EFEO bao gồm lát sân, thay thế khung bị hỏng, lan can và một số mái ngói, sơn son thếp vàng lại toàn bộ kết cấu công trình. Cuối cùng là dỡ bỏ chiếc cổng sắt kiểu châu Âu ở mặt tiền lạc lõng với kiến trúc di tích.

Bức ảnh ghép một phần giếng Thiên Quang, nhà bia và bia tiến sĩ Văn Miếu

Bức ảnh ghép một phần giếng Thiên Quang, nhà bia và bia tiến sĩ Văn Miếu

Trong những năm 1930, các chuyến khảo sát chùa và đình được thực hiện một cách bài bản và có hệ thống. Các nhà nghiên cứu đã cho thu thập tư liệu, văn bằng, sắc phong được lưu giữ tại đình chùa, nhờ đó biết được thông tin lịch sử của từng di tích. Để phục vụ công tác bảo tồn, EFEO đã tiến hành dập bia khắp miền Bắc Việt Nam. 50.000 bản dập hiện được lưu giữ ở Viện Hán Nôm (Hà Nội). Năm 1933, Sở Công chính Hà Đông tiến hành sửa chữa tổng thể bằng khoản trợ cấp 4.494 đồng bạc Đông Dương dưới sự giám sát của EFEO. Năm 1953, việc xây dựng lại 2 dãy Tả Vu và Hữu Vu nằm 2 bên sân Bái đường được thực hiện và hoàn thành vào tháng 8-1954. Cũng trong những khoảng thời gian này, các nhà nghiên cứu EFEO cùng các trợ lý người Việt thực hiện nhiêu cuộc khảo sát các tòa nhà, lên sơ đồ mặt bằng, mặt cắt, mặt tiền… chủ yếu thể hiện qua các bản vẽ.

Giếng Thiên Quang chụp trong khoảng những năm 1920-1929

Giếng Thiên Quang chụp trong khoảng những năm 1920-1929

Những người từng gắn bó với Văn Miếu

Theo tư liệu của EFEO, có 3 người Việt từng góp công lớn trong việc bảo tồn di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám khi đó là Trần Hàm Tấn, Trần Văn Giáp và đặc biệt là Hoàng Trọng Phu.

Hoàng Trọng Phu (1872-1946) khi đó là Tổng đốc Hà Đông từ năm 1907 đến 1938 (thời điểm đó Văn Miếu thuộc tổng Hà Đông chứ chưa thuộc Hà Nội như bây giờ). Hoàng Trọng Phu có nhiều đóng góp cho công việc tu sửa Văn Miếu giai đoạn 1917-1920. Ông cũng là người ủng hộ việc sử dụng các kỹ thuật của nghề thủ công truyền thống để tu bổ di tích. Ông đã hợp tác với EFEO trong việc phục hồi các di tích lớn ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Trầm (Chương Mỹ, Hà Nội) hay chùa Bảo Đài (Tuyết Sơn - nay thuộc Di tích thắng cảnh Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Bản tin của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp năm 1920 viết: “Công lao chính thuộc về ngài Hoàng Trọng Phu - Tổng đốc Hà Đông, bởi đã cho triển khai các công việc... có quyết định sáng suốt và là người có uy tín đối với người dân… đã chọn lựa và sử dụng những người thợ bậc thầy trong nghề thủ công truyền thống”.

Khuê Văn Các

Khuê Văn Các

Cùng với Tổng đốc Hoàng Trọng Phu còn có Trần Hàm Tấn (1887-1957), ông vừa là nhà sư phạm, nhà văn, chuyên gia về Đông y, gia nhập EFEO năm 1920 với vị trí học giả. Tên ông gắn liền với các nghiên cứu uyên bác về Văn Miếu, trong đó giới thiệu kỹ nội dung các tấm bia tiến sĩ. Một người Việt nữa gắn bó với các hoạt động nghiên cứu, trùng tu Văn Miếu là Trần Văn Giáp (1898-1973). Sau khi tốt nghiệp một số trường đại học ở Pháp, ông đã trở về Việt Nam và làm việc cho EFEO với vai trò học giả, phụ trách bộ phận nghiên cứu Hán Nôm. Ông đã có một hội thảo với tựa đề “Về các tấm bia Văn Miếu ở Hà Nội”.

Trực tiếp tham gia công cuộc bảo tồn, gìn giữ và trùng tu Văn Miếu còn có một số tên tuổi người Pháp, ví dụ như kiến trúc sư Charles Batteur (1880-1932). Ông là Thanh tra xây dựng dân dụng được biệt phái đến EFEO vào năm 1919 với tư cách Thanh tra của bộ phận Khảo cổ học. Tại Hà Nội, Charles Batteur tham gia tu sửa nhiều chùa chiền, di tích, trong đó đặc biệt là Văn Miếu và chùa Một Cột. Từ năm 1930, ông được giao nhiệm vụ chỉ đạo công việc bảo tồn và trùng tu các di tích lịch sử ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ. Ông cũng là tác giả thiết kế Bảo tàng Viễn Đông Bác cổ Pháp (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam).

Kiến trúc sư Henri Parmentier (1871-1949) đến Đông Dương năm 1900 với tư cách kiến trúc sư thường trú của EFEO ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Năm 1904, ông được bổ nhiệm làm trưởng bộ phận Khảo cổ học của EFEO với nhiệm vụ giám sát công việc trùng tu các di tích và đền thờ ở Đông Dương. Nhà nghiên cứu Leonard Aurousseau (1888-1929) là Giám đốc của EFEO, chuyên gia nghiên cứu Hán Nôm, đồng thời là giáo viên của vua Duy Tân. Những nghiên cứu của Leonard Aurousseau rất rộng, từ phong tục, tôn giáo đến lịch sử, văn học.

Bài viết nghiên cứu đầu tiên của ông về Văn Miếu được đăng trên Đông Dương Tạp chí, xuất bản năm 1913. Nhà nghiên cứu Gustave Dumoutier (1850-1904) cũng là người có đóng góp về việc nghiên cứu giá trị của Văn Miếu nói riêng cũng như lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung. Vào khoảng cuối thế kỷ 19 không có nhiều người Pháp quan tâm và tìm hiểu Việt Nam. Với nhiều bài báo miêu tả tính độc đáo trong các thực hành và di sản Việt Nam, Gustave Dumoutier đã có những bài viết về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Bài báo của ông về Văn Miếu được xuất bản năm 1889 trong Tạp chí Dân tộc học. Có thể nói, sự hồi sinh cho Văn Miếu đã trải qua một hành trình dài nhờ những con người này và di sản có thể hồi sinh mạnh mẽ hơn, uy nghi hơn.

Công tác bảo tồn Văn Miếu hiện tại

Ngày nay, các kiến trúc sư đã sử dụng công nghệ hiện đại để khảo sát di tích. Chẳng hạn, khảo sát bằng máy đo laser hoặc chụp ảnh cho phép tái hiện mô hình 3 chiều của các công trình và cả những chi tiết trang trí trong đó. Tất cả các yếu tố của không gian kiến trúc và cảnh quan được dập theo tọa độ 3 chiều. Nhờ độ chính xác của phương pháp này, hiện trạng di tích được số hóa, cung cấp các dữ liệu chuẩn xác giúp công việc nghiên cứu trở nên dễ dàng hơn. Để trùng tu di tích, các phương pháp này cho phép theo dõi sự thay đổi cấu trúc của công trình mà mắt thường không nhìn thấy được.

Hiện tại, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di tích đầu tiên của Hà Nội áp dụng khá bài bản công nghệ 3D hỗ trợ việc bảo vệ di sản, đặc biệt là di sản kiến trúc gỗ được đánh giá là “dễ bị tổn thương”. Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang tiến hành khảo sát với máy quét laser 3D cho kết quả một sản phẩm đồ họa lưu giữ toàn bộ dữ liệu kiến trúc công trình trước khi nó xuống cấp. Từ phần còn lại của di sản, công nghệ 3D giúp theo dõi sự thay đổi của nó qua thời gian, cho phép hình dung vị trí của các tòa nhà đã mất và đưa ra hình ảnh dự kiến trong tương lai, sau trùng tu.

Người Việt đã có nghệ thuật thủ công mỹ nghệ riêng biệt mang tính đỉnh cao

Cùng với Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chúng tôi mong muốn muốn giới thiệu về một giai đoạn lịch sử của Văn Miếu trong suốt chiều dài 1.000 năm tồn tại, tái hiện các giai đoạn trùng tu và quy hoạch. Đọc lại các văn bản của Văn Miếu thấy có nhiều bất ngờ thú vị. Ví dụ như Văn Miếu đã được dùng làm nơi cách ly người bị bệnh dịch tả vào năm 1903 và nếu xem lại, thời gian đó nông dân đã đến đây trồng ngô và khoai tây. Có một số thông tin mà ít ai biết, đó là người Pháp thường chọn đây là nơi gặp gỡ để giải quyết các mâu thuẫn cá nhân liên quan đến danh dự thông qua tỷ thí trực tiếp.

Điểm đặc biệt, tòa nhà còn là trại lính, trường đào tạo kèn đồng. Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp khi đó đã đứng ra bảo vệ không gian linh thiêng của Văn Miếu, đứng ra vận động để Văn Miếu được xếp hạng vào di tích năm 1906. Đây là câu chuyện đáng nhớ vì nó nhắc lại một trào lưu rộng lớn hơn, đó là việc người Pháp nghiên cứu, tìm hiểu, ghi nhận sự độc đáo trong kiến trúc của Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu đền, chùa, đình. Các chuyên gia của Pháp đã nhận ra tính thống nhất giữa các công trình, họ đã chứng minh được rằng, nếu như di sản của Việt Nam chịu ảnh hưởng chung từ Trung Hoa và Nhật thì người Việt đã có nghệ thuật thủ công mỹ nghệ riêng biệt mang tính đỉnh cao.

Ông Philippe Le Failler - Trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội

Sự hồi sinh của khu di tích là một câu chuyện rất thú vị

Triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954” là kết quả của sự hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp chính thức ra mắt công chúng như một minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước trong giai đoạn hiện nay. Trong giai đoạn 1898-1954, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp có mối liên hệ chặt chẽ trong việc bảo vệ, tu bổ thường xuyên khu di tích, phục hồi chức năng thờ tự và luôn duy trì được vai trò quan trọng của địa điểm này đối với cảnh quan của Hà Nội.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những di sản đầu tiên của Hà Nội được xếp hạng. Sự hồi sinh của khu di tích là một câu chuyện rất thú vị được thể hiện thông qua cuộc triển lãm. Thông qua bộ sưu tập ảnh Việt Nam của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, triển lãm kể lại hành trình gìn giữ di sản, nêu bật ý chí của những người Việt Nam cùng công việc của các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã dành thời gian, trí tuệ để bảo tồn di sản này. Nhờ những con người luôn có niềm đam mê với di sản như vậy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng giống như chim phượng hoàng, đã có thể hồi sinh mạnh mẽ hơn, uy nghi hơn, như những gì mà chúng ta đã và đang chứng kiến.

Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội