Hạ nhiệt căn bệnh "đám đông lên đồng" cách nào?

ANTD.VN - Trình độ nhận thức của người Việt đang được nâng cao từng ngày. Theo quy luật phát triển, khi nhận thức cá nhân được nâng cao thì tâm lý bầy đàn giảm xuống.

Mạng xã hội nếu sử dụng tốt sẽ là nơi ươm mầm cho những hành động đẹp của xã hội

Trong hai bài viết đăng các số gần đây “Ai cũng là nạn nhân dự bị của mạng xã hội” và Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Cuốn vào sự hưng phấn của đám đông là đầu độc bản thân, chúng tôi đã đưa đến cho bạn đọc những góc nhìn cùng những sự nguy hiểm của hội chứng đám đông khi mạng xã hội ngày một phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Hôm nay, Báo ANTĐ tiếp tục trích đăng quan điểm của nhà văn Đỗ Tiến Thụy và nhà thơ Trương Xuân Thiên bàn luận về vấn đề làm thế nào để đẩy lùi tình trạng này.

Nhà thơ Trương Xuân Thiên: Cổ vũ những điều tốt đẹp, cái ác sẽ bị đẩy lùi

Tôi cho rằng, hội chứng đám đông là một dạng lây lan tâm lý bầy đàn một cách vô thức, chủ yếu là a dua, hành động thiếu kiểm soát mà không cần tìm hiểu nguyên nhân. Hội chứng đám đông nếu không được hạ nhiệt, kiểm soát kịp thời có thể để lại những hậu quả, tổn thất tai hại, thậm chí trở thành nguyên nhân gây hoang mang, bất ổn trong xã hội. 

Tất nhiên, hội chứng đám đông chỉ phát triển khi con người thiếu đi những chuẩn mực đạo đức xã hội và bị kích động tiêu cực. Hơn nữa, khi trong đám đông mỗi cá thể hành động theo nguyên tắc bầy đàn, họ cho rằng hành động của mình là tự do, không bị ràng buộc trách nhiệm pháp lý. Hậu quả nếu có của những hành vi đó do cộng đồng chịu trách nhiệm, hoặc chỉ có thể xử lý theo kiểu “hoà cả làng”.

Những vụ việc đáng tiếc mà báo chí đưa trong thời gian qua đều bắt nguồn từ những nguyên nhân khác nhau tồn tại từ lâu trong xã hội. Vụ án mới nhất về cái chết thương tâm của bé Nghĩa ở Ba Đồn - Quảng Trị càng dấy lên tinh thần căm phẫn và cảnh giác trong cộng đồng.

Hơn nữa, lợi dụng vụ án, một số blogger đưa tin thiếu trách nhiệm càng làm cho tình hình trở nên phức tạp. Nếu chúng ta không gỡ những nút thắt dư luận, những câu chuyện đau lòng trên có nguy cơ lây lan cao trong xã hội. Bây giờ, bất kỳ ai đi bán hàng rong, khất thực, thăm bạn bè, người nhà... đều có thể trở thành nạn nhân của đám đông u mê, mù quáng và vô thức.

Quan điểm “chúng ta đang bị ác hóa” thật sự có phần hơi quá nhưng có nhiều nhóm người, nhất là những nhóm thanh niên đang rất manh động. Xã hội phát triển kéo theo nhiều hệ luỵ khó lường. Mạng xã hội nếu sử dụng nó thiếu kiểm soát sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ để bạo lực và tâm lý bầy đàn phát triển. Tất nhiên, xã hội vẫn còn rất nhiều mảng sáng, mạng xã hội cũng là nơi ươm mầm cho những hành động tốt đẹp cho xã hội. Tâm lý đám đông không hoàn toàn là xấu khi mỗi cá nhân tham gia mạng xã hội đều ý thức được hành vi của mình. 

Những câu chuyện như đánh hội đồng người bán tăm bông hay đốt xe doanh nhân đi buôn gỗ sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh đám đông mê muội. Khi mà mọi người được cung cấp đủ thông tin, những hành vi tội ác bị nghiêm trị, những hành động tốt của từng cá nhân được cổ vũ thì cái ác sẽ bị đẩy lùi. 

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy: Hội chứng đám đông “phát rồ” về bạo lực sẽ dần ít đi 

Hội chứng đám đông hiện diện ở mọi nơi trên thế giới chứ không riêng ở Việt Nam. Có điều văn hóa làng xã cùng lịch sử phong kiến hàng ngàn năm đã hình thành trong người Việt một thói quen tin tưởng những người đứng đầu gia đình, cộng đồng (gia trưởng, tộc trưởng, già làng, trưởng bản...), gây ra hệ quả là cá nhân thì lười suy nghĩ, sống hời hợt, không có khả năng độc lập phân tích, dẫn đến hậu quả là ở trong nhà, trong làng thì mỗi thành viên chỉ thụ động chấp hành, ra xã hội thì a dua, nói leo, làm theo, không cần biết đúng sai. Đáng buồn là nó đã để lại di chứng đến tận hôm nay.

Sự việc hai người phụ nữ nghèo khổ bị vu cho là bắt cóc trẻ em và người đàn ông đi mua gỗ bị vu cho đánh thuốc mê, bắt cóc trẻ em rồi bị đốt xe ô tô vừa qua, gây bàng hoàng cho cả xã hội là chứng minh rõ nhất căn tính của người Việt. 

Có nhiều câu hỏi đặt ra, đáng chú ý nhất là có phải người Việt đang bị “ác hóa”?. Tôi không nghĩ thế. Người Việt vẫn là người Việt như xưa. Chuyện đánh nhau, chửi nhau đã có từ ngàn đời. Không tin bạn cứ đọc trong kho tàng văn học dân gian sẽ thấy những cảnh đánh chửi nhau được phản ánh rất sinh động.

Thế nhưng ngày xưa người Việt mình ít sách, lại chưa có điện thoại thông minh, chưa có mạng xã hội Zalo, Facebook... nên những cảnh đánh chửi nhau không được phát tán rộng rãi mà thôi. Còn thời nay, những cảnh bạo lực học đường, mâu thuẫn ở khu dân cư, công sở... chỉ loáng một cái đã được tung lên internet, trở thành “mồi ngon” cho cư dân mạng đa phần mới chỉ đọc lướt xem qua đã vội vàng ấn like hoặc hạ những lời bình luận đầy cảm tính. 

Người Việt đang ở giai đoạn bắt đầu hội nhập với thế giới nên trình độ cư dân mạng mới ở dạng sơ khai, những facebookers “chưa trưởng thành” (theo cách đánh giá của một facebooker người Nhật) thường quan tâm nhiều đến những chủ đề bạo lực, ái tình theo bản năng. Nhưng theo quan sát của tôi, người Việt đang thích nghi rất nhanh với xã hội văn minh. Trình độ nhận thức của người Việt đang được nâng cao từng ngày.

Theo quy luật phát triển, khi nhận thức cá nhân được nâng cao thì tính bầy đàn giảm xuống. Hội chứng đám đông “phát rồ” về những chuyện bạo lực như hiện nay sẽ dần ít đi; thay vào đó các cư dân Việt cả trên mạng ảo và ngoài đời sẽ quan tâm nhiều hơn đến các chủ đề phát minh khoa học kĩ thuật, kinh tế, tài chính, kinh doanh... sẽ hứng thú chia sẻ nhiều hơn về nghệ thuật, văn chương... Tôi tin thế!