Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Cuốn vào sự hưng phấn của đám đông là "đầu độc" bản thân

ANTD.VN - Trong số ra hôm qua 27-7, Báo ANTĐ có bài bình luận về “hội chứng đám đông” và hệ lụy từ sự thiếu kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội. Để rộng đường dư luận, Báo ANTĐ tiếp tục đăng tải cuộc trò chuyện về vấn đề này với Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang - tác giả của cuốn sách “Thiện, ác và smartphone” và “Bức xúc không làm ta vô can” từng được nhiều độc giả đón nhận và khen ngợi.

Giải phóng năng lượng bạo lực và độc địa 

- PV: Thưa Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, ông đã bao giờ bị rơi hoặc suýt rơi vào trường hợp là “nạn nhân” của thế giới “ảo” chưa?

- Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Tôi bị vài lần rồi.

- Ông có thể chia sẻ thêm về những lần đó không?

- Nói chung là khá tệ. Ví dụ như phát ngôn bày tỏ quan điểm của tôi về chuyện làm từ thiện, về việc vì sao sống ở Việt Nam thích hơn sống ở phương Tây chẳng hạn. Đấy là quan điểm của cá nhân tôi, vậy mà nhiều người lập tức “ném đá” theo cách hạ nhục chứ không phải trao đổi hay tranh luận. Điều này thực sự kinh khủng.

Hay như gần đây, một đoạn văn nói về sự thấu cảm mà tôi viết được lấy ra làm đề thi Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều người không thích chữ “thấu cảm” nên quay ra lăng nhục tác giả đoạn văn này bằng những ngôn ngữ thậm tệ, thậm chí dọa đánh, dọa xâm phạm đến gia đình tôi. Tất nhiên, bố mẹ, vợ con tôi sẽ đọc được tất cả những lời đấy.

Tôi nghĩ đó là hiện tượng lăng nhục cộng đồng, nhưng không phải lăng nhục trong phòng kín mà ngoài không gian công cộng, giống như mình đang đi ngoài đường xong bị đám đông chạy đến chửi rủa dưới sự chứng kiến của tất cả mọi người.

- Cảm giác của ông thế nào sau những lần như thế?

- Rất may tôi có nhiều đồng nghiệp, bạn bè hỗ trợ và động viên về mặt tinh thần. Nhưng còn những người khác, họ chỉ đơn độc và tôi nghĩ việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của họ.

- Ông có nghĩ tâm lý a dua của đám đông và sự “ném đá” hội đồng cũng là một dạng “bệnh” xã hội có tính lây lan không?

- Gọi là “bệnh” không biết có chính xác không nhưng rõ ràng có vấn đề. Đấy là sự méo mó của xã hội mà tôi nghĩ chẳng gì có thể biện hộ cho sự méo mó đó cả. Người ta bị cuốn vào sự hưng phấn của đám đông và không kiểm soát được sự cuốn ấy. Trong khi sự hưng phấn của đám đông lại “mở lồng” giải phóng năng lượng bạo lực và độc địa bên trong con người ra ngoài. 

- Theo ông thì điều gì khiến người ta dễ dàng bị cuốn vào sự hưng phấn của đám đông đến vậy?

- Là do người ta không có các cơ chế đạo đức khác để kiểm soát năng lượng của mình. Họ không tự đặt ra câu hỏi cho mình rằng liệu có chứng cứ gì không khi buộc tội những người kia, liệu những người kia có đáng bị đánh thế không? Khi nhiều người trong xã hội thiếu đi cơ chế tự vấn cá nhân thì sẽ dễ bị cuốn vào hiện tượng đám đông.

Ở trẻ nhỏ và thanh niên thì còn có thể hiểu được khi bọn trẻ a dua theo một cái gì đấy, nhưng ở người lớn mà thiếu đi cơ chế tự vấn, thiếu đi những câu hỏi về đạo đức thì quả thực sẽ tạo nên một xã hội rất nguy hiểm. Hôm nay thì là hai người bán tăm, ngay mai biết đâu lại là một người “xe ôm”, rồi ngày kia có thể sẽ đến lượt mình hoặc con cháu, họ hàng mình.

- Ông nghĩ sao trước ý kiến cho rằng đám đông càng ngày càng… ngây thơ và cả tin?

- Có thể nói vậy. Nói cách khác là họ thiếu kỹ năng để phân tích những thông tin mà họ tiếp nhận. Những thông tin đồn đại thì trước đây trong xã hội vẫn có nhưng trước kia thì tin đồn chỉ quanh quẩn ngoài quán nước đầu ngõ hoặc trong làng, còn hiện giờ thì nó lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội.

Điều đáng nói là người ta thường “share” và “like” những thứ xấu nhiều hơn những tin tốt. Tất cả những điều ấy dẫn đến một xã hội phi lý trí, ai cũng có thể sôi sùng sục lên bởi tất cả những tin đồn như vậy, rồi luôn sống trong trạng thái lo sợ về tất cả những thứ diễn ra xung quanh mình, mà như thế khác nào tự “đầu độc” bản thân.

Người dùng mạng xã hội dễ bị cuốn vào những đám đông hưng phấn và thiếu lý trí

Không vội “like” hay “share”

- Quãng thời gian ở nước ngoài, ông có gặp “hiện tượng có vấn đề” này không?

- Ở nước ngoài hiện nay cũng có rất nhiều người “nghiện” mạng xã hội, họ xem những tin tức trên mạng là nguồn cung cấp thông tin chính của mình. Thế nên vẫn có những hiện tượng kiểu như  bản thân người ta cũng không đánh giá được đâu là thông tin thật, đâu là tin đồn nhảm.

Rõ ràng điểm yếu của con người ở phương Tây hay ở Việt Nam cũng như nhau khi dễ dàng tin vào nguồn tin không đáng tin cậy. Tuy nhiên, ở nước ngoài thì hiện tượng tin quá đà dẫn đến “bạo lực” ngoài đường ít hơn, còn chuyện phao tin đồn hay “cơn bão” lăng nhục thì cũng nhiều. 

- Hỏi thật, ông đã bao giờ đứng trong “đám đông” ngây thơ và cả tin đó chưa?

- Rồi, khá phổ biến vì thói quen sử dụng mạng xã hội của tôi, đọc tin lướt qua, thậm chí chỉ đọc tiêu đề, không để ý xem người đưa tin đấy đầu tiên là ai. Nhiều khi, đọc tin do bạn bè mình “share” (mà bạn là người mình tin cậy) nên “share” theo, kiểu như thấy bạn đăng người này có hành vi ấu dâm thì mình cũng “share” và bảo đó là tội phạm ấu dâm cần phải bị trừng trị.

Việc chia sẻ thông tin là hành vi khá bản năng của con người. Gần đây, tôi ý thức được tác hại của những cái đó nên cẩn thận hơn nhiều. Tôi tự nhắc mình phải chậm lại, đọc những thông tin lạ thì không vội “like” hay “share”. 

- Ông có nghĩ nếu đám đông bớt cả tin và ngây thơ thì không cẩn thận sẽ dẫn đến vô cảm không?

- Không, tôi lại nghĩ chính vì cả tin và ngây thơ mới dẫn đến cảnh giác một cách không cần thiết và dẫn đến những hành động hồ đồ và vô cảm. Nếu hiểu biết thì sẽ không sợ một cách vô lý và nỗi sợ vô lý này dẫn tới việc họ tin vào những gì xấu xí đang lan truyền trên mạng. Tất nhiên, mỗi người đều phải tự ý thức trách nhiệm đầu tiên là phải tìm hiểu kỹ thông tin. Nếu đó đúng là cái xấu thì phải lên tiếng, còn nếu như lên tiếng và hành động với những cái không xấu thì… ai cũng có thể bị lôi ra đánh.

- Theo ông, cần phải làm gì để những người sử dụng mạng xã hội bớt cả tin dẫn đến những hành động hồ đồ?

- Tôi nghĩ về phía cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có chế tài xử phạt rất nghiêm đối với những tin đồn trên mạng, dù là vô ý hay cố ý nhưng gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế cũng như danh dự, nhân phẩm của người khác. Thậm chí với nhiều hành động còn phải xử lý cả hành chính lẫn hình sự thì may ra mới ngăn chặn được hội chứng này.

Còn về phía cộng đồng thì rõ ràng mỗi người cần tự trang bị cho mình kỹ năng giao tiếp, tìm hiểu và tiếp nhận thông tin một cách cơ bản, không vội tin vào lời đồn. Nếu tin đồn nguy hiểm nào cũng lan nhanh như lửa thì không gì có thể cứu được cả. Cần xác định mạng xã hội cũng như cái ao tù, có thể lấy nước ở đó để uống nhưng không cẩn thận nguồn nước đó sẽ đầu độc mình.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!