Giới thiệu ba tác phẩm của Tim Marshall lý giải về quyền lực của địa lý.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nằm trong danh sách bán chạy của The New York Times, được dịch ra nhiều ngôn ngữ, 3 cuốn sách của Tim Marshall “ Những tù nhân của địa lý ,“ Chia rẽ”, “ Quyền lực của địa lý” đã được Nhã Nam ấn hành.

Buổi giới thiệu 3 cuốn sách với sự tham gia của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ; Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành; BTV Đặng Ly, Trưởng phòng sách Kinh tế Nhã Nam sẽ được tổ chức vào ngày 18/3 tại Hà Nội.

Vị trí địa lý vẫn luôn định hình đời sống của con người, từ các cuộc chiến tranh, cán cân quyền lực đến sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Nhưng vai trò của nó thường bị bỏ qua trong các kiến giải về lịch sử. Rõ ràng, địa lý và sự hình thành lịch sử của các quốc gia trong thực tế địa lý vẫn rất quan trọng đối với hiểu biết của con người về thế giới.

Nhận thấy tầm quan trọng của yếu tố địa lý, tác giả Tim Marshall đã bắt đầu quan tâm đến chủ đề này từ những năm 1990, khi ông tham gia tường thuật các cuộc chiến ở Balkan.

Cuốn sách “Những tù nhân của địa lý” của ông được xuất bản lần đầu vào năm 2016, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả và lọt vào danh sách bán chạy của The New York Times. Trong đó, ông đặt ra vấn đề: địa lý có thể tác động đến nền văn minh trên nhiều khía cạnh, từ chiến lược chính trị và quân sự đến sự phát triển xã hội con người, bao gồm cả ngôn ngữ, thương mại và tôn giáo.

“Những tù nhân của địa lý” bàn về tầm quan trọng của các yếu tố địa lý như núi non, sông ngòi, biển cả, khí hậu, nhân khẩu, các vùng văn hóa và nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như khả năng tiếp cận chúng trong việc định hình nền văn minh và sự phát triển của đời sống con người.

Trong đó, tác giả đưa ra mười quốc gia/vùng địa lý lớn trên toàn cầu như: Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Tây Âu, châu Phi, Trung Đông, Ấn Độ và Pakistan, Triều Tiên và Nhật Bản, châu Mỹ Latin và Bắc Cực.

Nga là đất nước lớn nhất thế giới, với diện tích gấp đôi Hoa Kỳ, gấp năm lần Ấn Độ, và gấp hai mươi lăm lần Vương quốc Anh, nhưng vẫn dễ bị tổn thương ở những đất bằng phẳng nằm ở phía tây – vùng bình nguyên mênh mông nay là Bắc Âu vốn rất thuận lợi cho các cuộc tấn công vào đất Nga.

Hoa Kỳ đang là một cường quốc, và có lẽ vẫn là quốc gia duy nhất có khả năng triển khai sức mạnh hải quân thực sự cùng lúc ở hai đại dương (Đại Tây Dương và Thái Bình Dương), nhưng vẫn đang phải cân nhắc các đối sách với một Trung Quốc đang lên...

Tác giả cũng đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy vai trò then chốt của các yếu tố địa lý trong bối cảnh chính trị hiện đại. Nhân loại đang trên đường hiện thực hóa giấc mơ vươn vào không gian, nhưng Tim Marshall vẫn xác quyết rằng: “Các nhân tố địa lý vốn đã góp phần xác định lịch sử đa phần sẽ tiếp tục xác định tương lai của chúng ta”, và “Địa lý vẫn luôn luôn là một loại nhà tù định nghĩa một quốc gia là gì, hoặc có thể là gì, và là một nhà tù mà các nhà lãnh đạo thế giới thường phải nỗ lực để thoát ra”.

Cuốn sách “Chia rẽ” lý giải thực tại là chúng ta đang sống trong thời đại của những bức tường. Trong thế kỷ 21, hàng nghìn dặm tường và hàng rào đã được dựng lên dọc theo đường biên giới của ít nhất 65 quốc gia; thậm chí trong vài năm qua, chỉ riêng ở châu Âu người ta đã dựng lên số bức tường, hàng rào và rào chắn còn nhiều hơn thời đỉnh điểm Chiến tranh Lạnh.

Người ta chia tách Hy Lạp và Macedonia, Macedonia và Serbia, Serbia và Hungary, và những nước khác vẫn đang nối bước trong việc xây dựng những hàng rào, như giữa Slovenia với Croatia, Áo với Slovenia, đồng thời Estonia, Latvia và Lithuania đều đã bắt đầu các công sự phòng ngự ở biên giới của họ với Nga. Không chỉ ở châu Âu, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống nhất đã dựng một hàng rào dọc theo biên giới với Oman, Kuwait làm tương tự với Iraq, giữa Iraq với Iran vẫn có sự chia cắt hữu hình, tương tự là Iran và Pakistan...

Khi kỷ nguyên toàn cầu hóa bắt đầu, chúng ta những tưởng nó sẽ đưa con người lại gần nhau hơn; thương mại quốc tế gia tăng khiến chúng ta có thể ngồi nhà mà vẫn mua được những món đồ ở bên kia thế giới. Tuy nhiên, ý niệm về “thế giới phẳng” không đồng nghĩa với sự đoàn kết của con người mà lại khiến chúng ta ngày càng bám chặt vào nhóm của mình. Con người cảm thấy bất an hơn trước những mối đe dọa tăng thêm từ chủ nghĩa khủng bố, khoảng cách ngày càng lớn thêm giữa người giàu và người nghèo, người tị nạn và nhập cư.

Theo tác giả Tim Marshall, “thời đại mới của sự chia rẽ mà chúng ta đang sống được phản ánh qua và trầm trọng hơn bởi những tiến bộ của thế giới số”, “Tất cả rốt cuộc là ý niệm ‘chúng ta và bọn họ’” và “những bức tường mà chúng ta xây lên trong tâm trí”.

“Quyền lực của địa lý” tiếp tục bàn về địa chính trị qua khảo sát mười khu vực địa lý đang gia tăng ảnh hưởng đến nền chính trị toàn cầu, hay chính là mười tấm bản đồ hé lộ tương lai của thế giới.

Không phải là các cường quốc hay các vùng đất lớn, nhưng các quốc gia/vùng đất này có vai trò lớn trong khu vực và sẽ gây ảnh hưởng đến nền chính trị toàn cầu, như nước Úc – từ một nơi xa xôi biệt lập đang nổi lên và đứng ở vũ đài trung tâm, hay Hy Lạp – vốn là cái nôi của ngành địa chính trị – đế chế khi xưa nay nằm ở đầu ngọn sóng của cuộc khủng hoảng di cư châu Âu và sẽ trở thành điểm trung chuyển quan trọng của hệ thống đường ống dẫn khí đốt bắt nguồn từ đông Địa Trung Hải, hoặc Ethiopia với nguồn nước ngọt dồi dào – còn được coi là “vựa nước của châu Phi” mà dựa vào đó nó có thể thay đổi vận mệnh của chính mình và toàn khu vực.

Theo đó, chúng ta sẽ thấy ở Trung Đông, Iran và Ả Rập Saudi vẫn đối đầu nhau qua Vịnh Ba Tư; ở Nam Thái Bình Dương, Úc vẫn mắc kẹt giữa hai cường quốc hùng mạnh là Hoa Kỳ và Trung Quốc; ở Địa Trung Hải, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục cuộc đua tranh bắt nguồn từ thời cổ đại và có thể bùng phát thành bạo lực bất cứ khi nào.

Cùng lúc đó, nông dân Ai Cập vẫn phải phụ thuộc vào Ethiopia để có nước; những dãy núi ở phía bắc Athens vẫn cản trở hoạt động giao thương của nó với châu Âu; và Vương quốc Anh, một quần đảo lạnh giá nằm ở phía tây của đồng bằng Bắc Âu vẫn đang tìm kiếm vai trò cho mình. Đặc biệt, tác giả còn chỉ ra cuộc đua kỳ thú nhất thời đại trong khi tranh giành quyền lực địa chính trị của con người, đó là cuộc đua vào không gian, ai sẽ sở hữu chúng?

Tim Marshall là ký giả người Anh có hơn 25 năm kinh nghiệm về tin tức đối ngoại. Ngoài vai trò ký giả và biên tập viên, Marshall còn là nhà bình luận khách mời về các sự kiện thế giới cho BBC, Sky News.