Gian nan "dẹp" linh vật ngoại lai

ANTĐ - Sau hơn 1 năm Bộ VH-TT&DL triển khai chiến dịch bài trừ linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, nhiều di tích tín ngưỡng… đã đưa những linh vật này ra khỏi nơi thờ tự. Song hiện tại vẫn còn nhiều di tích, cơ quan, công sở… chần chừ “dẹp loạn” linh vật ngoại lai vì nhiều lý do.

Gian nan "dẹp" linh vật ngoại lai ảnh 1Nghê Việt (trái) với dáng vóc hiền hòa, uyển chuyển khác với linh vật Trung Quốc 
ghê gớm, dữ tợn

Sử dụng tùy tiện vì hiểu biết sơ sài

Sau “chiến dịch”, hàng trăm sư tử đá đã được đưa ra khỏi các đền, chùa. Nhiều địa phương đã kiên quyết nói không với việc nhận cung tiến không rõ nguồn gốc xuất xứ. Rõ ràng, trong một khoảng thời gian ngắn, nhờ truyền thông rộng khắp, Công văn 2662 của Bộ VH-TT&DL đã phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai, chiến dịch này đang có vẻ chùng xuống, và việc phân biệt linh vật Việt và linh vật ngoại lai vẫn còn khá mù mờ. 

Mới đây, trong một nỗ lực truyền thông về linh vật Việt, GS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng dân gian đã chia sẻ: “Bấy lâu nay người Việt quen gọi các loại sư tử, sấu, nghê… là lân. Tuy nhiên, khác nhau như thế nào thì… chịu. Theo GS Trần Lâm Biền, cần phải phân định rõ sự khác biệt của 2 loại này, bởi lân của Trung Quốc  thường đứng trước cửa công sở, công quyền, mang dáng uy quyền nên dữ tợn. Còn lân Việt Nam gắn với sự uyển chuyển, trữ tình, ít sự đe dọa. Hơn nữa, người Việt coi lân là vật linh thiêng, thường đứng ở “tầng trên” như cổng, mái di tích. Bởi vậy, việc coi lân là vật canh cổng hay đặt sư tử đá án ngữ trước đình, chùa là đi ngược với tín ngưỡng của người Việt.

Gian nan "dẹp" linh vật ngoại lai ảnh 2

Tì hưu cũng là một linh vật ngoại lai không có trong tín ngưỡng người Việt  

 Rõ ràng, hiểu biết sơ sài dẫn đến sử dụng tùy tiện linh vật không rõ nguồn gốc sẽ là tiếp tay cho sự “xâm lăng” văn hóa bản địa. Nếu như sự hiện diện của sư tử đá kiểu Trung Quốc tại các nơi thờ tự bị coi là phản cảm thì việc dùng tràn lan linh vật trấn yểm hay vật phẩm phong thủy ngoại nhập cũng đang là vấn đề đáng bàn. Không nói đâu xa, tì hưu là một ví dụ điển hình. Theo TS Đinh Hồng Hải, Viện nghiên cứu Văn hóa, việc sử dụng các vật phẩm trang trí để trưng bày là một nét văn hóa khá phổ biến và đã tồn tại lâu đời trong các nền văn hóa phương Đông như Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam…

Tuy nhiên, không chỉ là trang trí, tì hưu lại là mặt hàng xa xỉ được các “đại gia” đổ xô săn tìm với mục đích cầu may. Trong khi đó, giá trị thực sự của linh vật này chưa có cơ quan nào thẩm định. Nếu không có sự quản lý kịp thời, từ một thú chơi đơn thuần, nó đang có nguy cơ biến tướng trở thành một sản phẩm đội lốt tín ngưỡng, một “bệnh dịch” tràn lan, không khác gì sư tử đá mà ngành văn hóa đã quyết tâm dẹp bỏ. 

Vẫn là câu chuyện ứng xử

Theo ông Nguyễn Đức Bình, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm thì việc bài trừ linh vật ngoại lai rõ ràng không chỉ là câu chuyện nói không với sư tử đá. Tháng 3-2015, đình Hồi Quan, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh, không chỉ đưa cặp sư tử đá ra khỏi di tích, người dân đã di dời cả những “hiện vật lạ” như hương án đá, đèn đá, lư, hương… ra khỏi đình. Tất cả những tượng, đồ lễ…  cung tiến không có nguồn gốc rõ ràng, hay được đặt, sử dụng sai mục đích, không đúng với thuần phong, mỹ tục của người Việt đều được đưa ra ngoài.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Bình, không phải nơi nào cũng làm triệt để như đình Hồi Quan. Cụ thể nhiều di tích sau khi di dời sư tử đá, một vài tháng sau lại thấy xuất hiện thêm nhiều hiện vật khác không rõ nguồn gốc mà phần lớn là do cung tiến. Không chỉ di tích, nhiều linh vật ngoại với hình dáng dữ tợn vẫn đứng hiên ngang trong nhiều cơ quan, công sở… nhưng không thấy ai nhắc nhở đến việc đưa ra ngoài. 

Một số nhà nghiên cứu có chung nhận định rằng, việc thực hiện chưa dứt khoát là do tâm lý cả nể, lo ngại việc “ứng xử” không phải phép với sản phẩm biếu tặng. Thậm chí, một đơn vị địa phương phía Nam đã phải nhờ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm giám định một đôi sư tử đá, chứng nhận đây đúng là hàng nhập ngoại mới… dám di dời.

Được biết, trong một cuộc hội thảo, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL đã vạch ra lộ trình đến tháng 7-2015 sẽ xử phạt các di tích làm trái với quy định của Công văn 2662. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có trường hợp bị xử phạt theo lộ trình mà ngành văn hóa đặt ra. Thế nên, linh vật ngoại lai, những con quái thú… vẫn đứng sừng sững trong các đình, chùa, còn những sản phẩm ngoại nhập biến tướng, “núp bóng” tâm linh như một vài ví dụ kể trên thì vẫn len lỏi trong đời sống của người dân. Và điều này cho thấy chiến dịch “trả lại vẻ đẹp thuần Việt” vẫn còn gian nan.