17 tuổi sở hữu bảo tàng 3D online lưu trữ cổ vật

ANTĐ - Mới 17 tuổi nhưng Nguyễn Trí Quang là người đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ quét 3D giúp mô phỏng mọi vật chân thực hơn trên trình duyệt web. Quang là người đầu tiên xây dựng mô hình bảo tàng lưu trữ cổ vật 3D online trên thế giới.
17 tuổi sở hữu bảo tàng 3D online lưu trữ cổ vật ảnh 1

Một quyết định táo bạo

Nguyễn Trí Quang là con thứ hai trong một gia đình có 4 anh chị em. Gia đình Quang có một xưởng sản xuất tượng thủ công mỹ nghệ, chính vì vậy ngay từ nhỏ  chàng trai này đã có một tình yêu đặc biệt đối với các bức tượng thủ công mỹ nghệ, các mẫu vật. Quang chia sẻ người đầu tiên đưa em đến với niềm đam mê về công nghệ quét 3D chính là bố. Trong những lần đi thu thập mẫu các di tích, cổ vật, bố đều đưa Quang đi cùng, nhờ có sự chỉ bảo từ bố, Quang đã chuyển các hình ảnh 3D đã được quét thành các file 3D. 

Vốn yêu thích và có hiểu biết về công nghệ thông tin nên ngay từ khi bắt đầu tiếp xúc với máy tính, Quang đã tự mày mò để có thể tạo lập hoặc sử dụng các phần mềm, ứng dụng. Cuối cấp II, Quang đã tự lập một trang web gia đình với mục đích ban đầu chỉ là giúp đỡ cho công việc của bố mẹ. Sau khi dành thời gian nghiên cứu, Quang nhận thấy công nghệ 3D này có tiềm năng lớn. Cậu học sinh lớp 9 khi đó đã đưa ra một quyết định hết sức liều mạng.

Quang đã giành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu, phát triển công nghệ này. Đây là một quyết định táo bạo của một học sinh cấp II và Quang cũng đã phải chứng minh khả năng của mình, phải ra được kết quả cụ thể thì gia đình mới đồng ý, ủng hộ. 

May mắn được gia đình ủng hộ, giúp đỡ nhưng Trí Quang vẫn không tránh khỏi những khó khăn khi bắt tay triển khai dự án. Do tại Việt Nam chưa phát triển công nghệ 3D trên trình duyệt web nên để có tài liệu tham khảo học hỏi, Quang đã phải tự mày mò và tham khảo các tài liệu nước ngoài. Do còn ít tuổi, lại tự nghiên cứu nên thời gian ban đầu Quang chưa tìm được các địa chỉ tin cậy để trao đổi, học hỏi như các diễn đàn, trang web. Hơn nữa khi đó, khả năng về công nghệ kỹ thuật của em cũng chưa đủ độ “chín”. Thời gian đi thực tế cũng là một khó khăn với Quang.

Mỗi lần đi tìm và thu thập các mẫu Quang đều phải mang theo máy quét 3D khá cồng kềnh. Quang chia sẻ: “Để máy quét được một vật bình thường ít chi tiết thì mất khoảng 1 tiếng, còn vật, mẫu nào nhiều chi tiết chạm khắc kỳ công thì phải mất nửa ngày đến một ngày. Đến bây giờ vẫn thế nhưng em đã quen việc hơn nhiều rồi”. Khó khăn ban đầu là động lực giúp chàng trai này thêm quyết tâm nâng cao tinh thần tự học.

17 tuổi sở hữu bảo tàng 3D online lưu trữ cổ vật ảnh 2

Đưa mọi vật vào thực tế ảo

Cuối năm 2014, Trí Quang đã lập trang web mô hình bảo tàng cổ vật 3D (vr3d.vn) với thông điệp “Đưa mọi vật vào thực tế ảo” để chính thức bắt đầu cho sự nghiệp của mình. Trang web là tập hợp các hình ảnh 3D của các mẫu vật, cổ vật, linh vật...; tại đây người xem có thể tương tác, xoay lật vật để quan sát ngay trên trình duyệt thông qua các dụng cụ công nghệ như máy tính, điện thoại thông minh (Smartphones), Tivi thông minh (smartTVs) mà không cần cài đặt thêm bất cứ phần mềm nào. 

Mới đây, Nguyễn Trí Quang lại tiếp tục ra mắt Bảo tàng lưu trữ cổ vật 3D online. Quang cho biết bảo tàng này chứa khoảng 100 mẫu 3D, trong đó có khoảng 30 cổ vật đặc sắc của Việt Nam. Khi tham quan bảo tàng đặc biệt này, khách tham quan có thể thu nhỏ để xem toàn cảnh hoặc phóng to để xem chi tiết từng đường nét, hoa văn và thông tin lịch sử của các hiện vật. Tại đây, người xem được chiêm ngưỡng nhiều hiện vật quý như: Tượng Ngọc Hoàng (chùa Sùng Ân, Hải Dương), cửa Rồng (chùa Keo, Thái Bình), tượng Ông Phỗng (đền Bảo Hà, Lào Cai)… hay các linh vật Việt như: Nghê đá (lăng Họ Ngọ), nghê đá chùa Độc Bộ (Ý Yên, Nam Định), đầu rồng đá (khu di tích Lam Kinh), Phù điêu sấu chầu (lăng Vũ Hồng Lượng)… 

Theo Trí Quang, đây là dạng bảo tàng ảo 3D đầu tiên với công nghệ ở trên tầm ảnh 3600, nó khác với trước đây, các bảo tàng khác chỉ sử dụng ảnh panoramas 3600, không phải 3D thật sự. So với những mẫu vật trước đây đã được quét 3D, Quang cho rằng: “Phòng bảo tàng này về mặt kỹ thuật là ở một mức độ cao hơn rất nhiều so với việc trưng bày các sản phẩm đơn lẻ. Xét về tóc độ tải, dù số lượng mẫu gấp vài chục lần nhưng tốc độ tải vẫn rất nhanh”.

Khi đánh giá về bảo tàng 3D của Quang, một website chuyên về 3D có uy tín trên thế giới (3Ders.org) đã đưa ra nhận xét: “Đây là một mô hình không gian triển lãm chuyên nghiệp. Bảo tàng 3D kỹ thuật số cho phép người dung di chuyển tự do xung quanh như thể đang ở trong bảo tàng thực chỉ bằng cách click và kéo con trỏ chuột, giúp bạn bè trên khắp thể giới có thể chiêm ngưỡng, tiếp cận với di sản văn hóa Việt Nam một cách dễ dàng hơn”. 

Nói về ý nghĩa thực tế của phòng bảo tàng 3D online, Quang cho biết: “Đối với ngành bảo tàng, công nghệ này sẽ giúp giới thiệu, quảng bá các cổ vật, bộ sưu tập đẹp và thú vị hơn, thu hút người tham quan đến với bảo tàng. Ngoài ra còn có ý nghĩa bảo tồn di sản văn hóa trong không gian số, không bị hư hỏng theo thời gian. Các nhà nghiên cứu, giáo viên, học sinh có thể sử dụng phiên bản số của mẫu vật, không phải đến tận nơi tiếp xúc với mẫu thật, và đây cũng là nguồn đáng tin cậy khi muốn khôi phục, dựng lại cổ vật”.

Theo Quang, với khả năng ứng dụng của mình, bảo tàng 3D còn có thể trưng bày những hiện vật lớn, không phù hợp với không gian thực hoặc quá nhiều hiện vật không đủ chỗ trưng bày hoặc những vật bị mất mát, hư hỏng nhưng đã được số hóa lại trước đó.

Mong muốn của Quang là có thể áp dụng công nghệ này vào giáo dục, giúp giáo viên, học sinh có thể tương tác trực tuyến, bài học trở nên thú vị và cuốn hút hơn; hoặc có thể áp dụng vào một số lĩnh vực như y tế (luyện tập thực hành các ca phẫu thuật, tìm hiểu về cơ thể người), áp dụng vào an ninh quốc phòng, hay cung cấp dịch vụ cho các trung tâm, công ty, bảo tàng… để thực hiện quảng cáo.

Không những thế, chàng trai trẻ đam mê công nghệ số này còn có muốn thực hiện công nghệ 3D này trên con người: “Quét 3D trên cơ thể người khó hơn rất nhiều so với vật. Vật thì luôn tĩnh còn người thì luôn động. Cho dù có đứng im thì cơ thể con người vẫn có một độ rung nhất định làm sai lệch đi số liệu được máy 3D quét lại”. Dự tính trong tương lai gần nhất, Nguyễn Trí Quang sẽ thành lập công ty để chính thức bắt tay với các cơ quan, bảo tàng và các công ty phần mềm 3D của Mỹ.