“Đường đua trong bóng tối”

ANTĐ - Không khí lạnh giá của Hà Nội những ngày vừa qua không ngăn được bước chân khán giả đến với Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ để thưởng thức vở kịch chính luận sâu sắc và giàu tính nghệ thuật “Đường đua trong bóng tối”. Chính kịch bản chặt chẽ đã giúp NSND Lê Hùng thỏa sức “tung hứng”  một đề tài thời sự nhức nhối: chạy chức, chạy quyền. Vở diễn do các nghệ sỹ của Đoàn kịch nói CAND biểu diễn, vừa ra mắt khán giả ngày 12-12. 

Một cảnh trong vở  “Đường đua trong bóng tối”

“Mượn xưa nói nay”

Sự thành công của vở diễn được bắt nguồn từ việc dám nhìn thẳng vào hiện thực đang nảy sinh trong xã hội hiện nay. Không né tránh và vòng vo, vở kịch bắt đầu bằng hình ảnh quan tham thời xưa dùng tiền để chạy chức, chạy quyền và đi thẳng vào cảnh 2 của vở diễn với lớp người hiện đại đang tranh giành vị trí bằng tiền. Những mảng miếng “mượn xưa nói nay” của đạo diễn Lê Hùng đã trở nên quen thuộc với khán giả một lần nữa lại phát huy hiệu quả trong một vở kịch dùng khá nhiều đến sự liên hệ và so sánh giữa quá khứ với hiện tại. Từ đó, người xem cảm nhận hơi thở của cuộc sống đương đại trong từng chi tiết được đưa vào trong tác phẩm. 

Để đạt được tham vọng, các nhân vật trong kịch đã dùng tới tiền, tới tình và sẵn sàng giẫm đạp lên các giá trị đạo đức. Đó là việc anh cục trưởng dâng hiến cô vợ trẻ cho quan trên như một kế sách thượng hạng loại bỏ đối thủ cho dù anh rất yêu vợ và anh cũng ghen lắm khi nghe thấy những lời đồn đại. Nhân vật chạy chức chạy quyền của vở diễn được lột tả với sự sắc lạnh, tham lam. Đạo diễn Lê Hùng đã rất tinh tế khi chọn diễn viên đóng vai chính với thân hình gầy quắt queo, cặp kính mạ vàng sáng loáng với dáng đi khệnh khạng và quan cách. Anh ta là đại diện cho mẫu quan tham của thời hiện đại và có vị trí đặc biệt quan trọng trong cuộc đua quyền lực và được núp sau ông bố là một lão thành cách mạng. 

Chiến thắng không thuộc về kẻ mạnh

Vở diễn đã sử dụng đến tính ước lệ của sân khấu để diễn những cảnh phòng the, vốn lâu nay luôn là đề tài gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là trên sân khấu. Với sự kết hợp của âm nhạc và phông nền, cảnh phòng the giữa gã quan tham và vợ cục trưởng đã được diễn tả rất nghệ thuật, sự đau đớn và tủi hổ của người phụ nữ bị chồng đẩy vào tình cảnh ngoại tình ngoài ý muốn. Những dải băng trắng cuốn quanh người phụ nữ được trải dài từ trên bục cao đến phía dưới gợi người xem đến nỗi đau của cô như kéo dài mãi và cũng để che đi thân hình gợi cảm lẩn khuất sau tấm vải. Không những thế, để diễn tả uy quyền của vị quan tham, đạo diễn đã đặc tả bàn tay quắt queo hiện lên sau tấm ghế sô pha cùng giọng nói đầy uy lực. Khán giả chỉ nhìn thấy hai vợ chồng cục trưởng nói chuyện với bàn tay mà một câu dạ, hai câu dạ để đủ thấy vị trí quan trọng của anh ta trong cuộc đua này. 

Chiến thắng của cuộc đua tưởng chừng như sẽ thuộc về kẻ mạnh nhất nhưng vở kịch đã không đi theo cấu trúc này mà đổi hướng. Chiến thắng đã thuộc về người ít mưu đồ nhất, không chạy chọt nhưng là người tài có tầm và có tâm với đất nước, nhân dân. Vị quan tham tưởng như bất khả chiến bại trong mọi cuộc đua đã ngã ngửa khi biết người thọc gậy bánh xe anh ta chính là ông bố. Trách nhiệm của một lão thành cách mạng buộc ông phải làm cái việc ít người dám làm nhưng lương tâm ông đã thanh thản khi loại đi những “con sâu”. Trong thời bình, màu đỏ của lá cờ Tổ quốc đã được nhuộm thắm bằng máu với sự hy sinh của những con người tận tâm với đất nước giống như sự hy sinh của ông bố trong vở kịch. Đó là sự hy sinh cần thiết để giữ vững lòng tin trong nhân dân và giữ cho đất nước những vị quan đủ đức đủ tài.