Di sản của một đô thị đã già tuổi...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Có lẽ cũng chỉ chừng chưa tới hai chục năm lại đây, khá nhiều những đô thị lớn ở ta, bỗng hào hứng quy hoạch lại những tuyến phố dành riêng cho người đi bộ. Hà Nội hình như là đầu tiên, rồi đến TP. HCM, rồi Đà Nẵng…

Đấy đều là mấy con phố trung tâm, nơi có nhiều căn nhà tuổi đời đã hơn cả thế kỷ, nằm xen lẫn với vài ngôi chùa ngôi đền mái ngói rêu phong thơm nâu, khuôn viên xum xuê vẫn còn dăm ba gốc cổ thụ. Tất nhiên thỉnh thoảng viền quanh đấy vẫn lô nhô vài cao ốc không quá ồn tạp, chỉ cho thuê văn phòng hay cửa hàng bán đồ “xịn”, may mắn thay là chưa có cái thứ hợm hĩnh gọi là chung cư cao cấp.

Có phải thế chăng mà cư dân sống ở phố đi bộ, luôn phảng phất phong khí vừa cũ vừa kỹ. Cái cách họ ăn, cái kiểu họ mặc, hiếm khi thấy nét thô, cho dù là người nhiều chữ hay người ít chữ. Ở mọi khía cạnh, bọn họ là những thị dân “yêu tinh”, nếu hiểu theo nghĩa tích cực nhất của uyển ngữ “yêu mến sự tinh hoa”. Đương nhiên, nhựa thông muốn thành hổ phách thì phải chờ cả ngàn năm che chở, có điều không phải cây thông nào cũng mang kỳ duyên để tạo nên hổ phách. Bởi một chỗ hay một vật muốn để thời gian thiêng liêng lắng đọng, thường nó phải “tinh”, vỉa hè quen xuồng xã gọi là “elite”. Mà khi đã “tinh” rồi, người ta mới có thể thành sang và đẹp.

Hà Nội ở vào cái hồi nhân tình còn trong veo, ví như thời bao cấp chẳng hạn, phố xá tuy còn tần tảo vất vả nhưng thấp thoáng chỗ nào cũng thấy có người đẹp và người sang. Người đẹp đương nhiên nhiều hơn, còn người sang hiển nhiên hiếm hơn. Xuất xứ của các mỹ nhân thường đa dạng và linh tinh. Hoặc là ái nữ của một gia đình cán bộ công nhân viên chức, hoặc có bố mẹ tiểu thương biết buôn biết bán, mà mấy hoa hậu thời kỳ đầu tiên là vậy. Hoặc nữa là con nhà nòi văn nghệ sĩ hát hay diễn giỏi, kiểu như “chị Nhung” Ái Vân, nữ diễn viên “mậu dịch” lừng danh mà tấm ảnh chân dung truyền thần tô màu lem nhem luôn được đám lính trẻ trân trọng kẹp ở ví. Nói chung, bọn họ đoan trang đều đẹp người đẹp nết, phong độ phảng phất một sự kiêu sang.

Khác với các giai nhân thường có xuất xứ tạp, những người từng được phố phường coi là sang hầu hết đều có hoàn cảnh quá khứ hao hao giống nhau. Bọn họ thường ở loanh quanh mấy phố đi bộ của quận Hoàn Kiếm. Ông bà bố mẹ của họ, trước khi cùng cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến thần thánh trường kỳ chống Pháp rồi chống Mỹ, đa phần là những nhà tư sản. Vài người trong số đó từng được sống trong những tòa biệt thự tuyệt vời đẹp. Và nếu may mắn tới hôm nay còn giữ được nguyên, xứng đáng là những di sản kiến trúc của một Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà

Nhà văn Nguyễn Việt Hà

Đương nhiên, những người đã từng ở các căn vila đó không hẳn đều là sang nhưng phần lớn ở bọn họ luôn có một phong khí mảnh mai tinh tế rất quý phái. Bọn họ có thể là một hào hoa thanh niên, một lãng tử trung niên, thậm chí có thể là một lão ông tinh quái ngoài thất thập. Bọn họ thẩm thực sành mồm, hầu hết nói tiếng Pháp như gió và tất tật đều đọc thiên kinh vạn quyển. Có điều lúc nào trông họ cũng buồn buồn, ánh nhìn thường rười rượi màu hoàng hôn ở những buổi chiều đông phố lạnh.

Trong tiếng Việt, để chỉ sự dư dật về kinh tế, đôi khi có cả sự sâu lắng về tinh thần thì người ta hay sử dụng cặp từ “giàu - sang”. “Giàu” nôm na là đủ ăn đủ mặc, nhưng trong sâu xa nội hàm, phần vật chất vẫn là chủ yếu. “Sang” tinh tế hơn, cũng vẫn là thao tác ăn - mặc đấy thôi, nhưng nó đã tới cái tầm “ngon và đẹp”, phảng phất long lanh những nét văn hóa. Người thật sự tử tế giàu, đương nhiên phải là người sang. Hà Nội sau thời kỳ Đổi mới, may mắn thay đã có quá nhiều người giàu. Vậy mà hơn hai chục năm rồi, số kẻ sang vẫn vô cùng hiếm. Điều này không quá ngạc nhiên, bởi cái công án “trưởng giả học làm sang” muôn đời vẫn là bi hài kịch cho mọi đô thị đang phát triển ở cả Đông và Tây.

Ở Hà Nội của một thời chưa xa, khi ấy chỉ thấp thoáng bóng xe máy và đặc biệt hiếm hoi ô tô, thì hầu như mọi con phố cổ đều là phố đi bộ

Ở Hà Nội của một thời chưa xa, khi ấy chỉ thấp thoáng bóng xe máy và đặc biệt hiếm hoi ô tô, thì hầu như mọi con phố cổ đều là phố đi bộ

Trong các tác phẩm khét tiếng mang chủ đề này, kịch tác gia vĩ đại người Pháp là Molière đã chỉ ra vô vàn những vất vả của đám người đã có thừa tiền bỗng một hôm rùng mình muốn trở lên sang trọng. Để “sang hóa” thành quý ông quý bà, những người trót có tiền bắt buộc phải biết tự tạo ra một “gu” thẩm mỹ. Mà để “thẩm” được cái đẹp thì không gì lợi hại bằng văn chương nghệ thuật hoặc bằng những thú chơi thể thao hay giải trí cao nhã. Làm sao có thể thành nổi tinh hoa nếu suốt ngày chúi mặt vào màn hình rồi đợi tối đi xem các danh ca showbiz hò hát. Chính vì thế nên Molière đã tạo ra cả đống cơ hội cho các nhân vật trọc phú của mình. Nào là đi học đấu kiếm, nào là học đọc sách kinh điển rồi tới ngắm bảo tàng hay xem những vở nhạc kịch đỉnh cao. Nhưng sau một thời gian đầy cố gắng nỗ lực, trưởng giả vẫn loay hoay là trưởng giả.

Và những thị dân đã biết kiêu bạc “sang”, không hiểu sao, họ mặc cái gì cũng đẹp. Ở một thời bao cấp chưa xa, hầu như trên mọi con phố, ai ai cũng mặc một kiểu gần giống nhau. Đa phần là mầu sẫm. Sáng hơn một tý là màu xanh “công nhân”. Và sáng nhất là màu áo trắng của bọn học trò, cho dù cái màu trắng ngây thơ đó có bị thường nhật vất vả nhuộm sang màu cháo lòng. Thiết kế may cắt thì nhất loạt, áo sơ mi nữ khác sơ mi nam là nhờ hai vệt “chiết ly” ngực. Quần Âu cũng vậy, nam nữ chỉ khác nhau ở cái cửa quần (thường là cài khuy, thỉnh thoảng mới có phéc-mơ-tuya), còn đâu già trẻ lớn bé mặc giống y xì nhau tuốt tuột. Anh chị em mặc lẫn được của nhau.

Con trai mặc lại quần của bố, con gái mặc lại áo của mẹ. Có những bộ quần áo được may bằng loại vải tốt, kiểu như Kaki Liên Xô hay Gabađin Trung Quốc, thì đến đời cháu vẫn có thể dùng. Có lẽ vì quen mặc đồng phục nên những lời tỏ tình cũng đậm chất chân thành hao hao giống nhau. Lời yêu mà phức tạp, chắc chắn chỉ có từ mồm thằng Sở Khanh. Vào ngày tiễn đưa các chàng trai đang yêu lên đường bảo vệ Tổ quốc, ở mọi góc phố người ta chỉ nghe thấy rưng rưng một mẫu câu, “anh đi đây, em chờ anh nhé”. Và như đương nhiên, tất cả những người vợ hoặc người tình thị dân ấy đều tuyệt đối thủy chung, tuyệt không có những loại quay quắt bạc bẽo.

Tinh thần đồng phục kết tụ mọi người cùng nhìn về một hướng, cùng chung tay làm một việc và cùng hát một bài ca. Có thể nói, đại đoàn kết là một trong những nguồn mạch tạo sinh lực cho chiến thắng vĩ đại 30-4, để dân tộc hân hoan thống nhất. Trong cái không khí đậm đà tem phiếu ấy, thời trang bao cấp Hà Nội vẫn có những kỹ lưỡng rất riêng. Cho dù là đồng phục vỏ áo bông xanh công nhân, cho dù là quân phục đồng loạt màu bộ đội thì những chàng và nàng mặc nó trông cũng rất khác. Hoặc “mơi” buông một nút khuy ngực, hoặc lơi lả phanh hết cúc khoe cái áo len ghi sẫm bó sát bên trong. Nghĩ cho cùng, thời trang có đắt tiền cầu kỳ đến đâu thì cái phong độ của người mặc vẫn là sự quyết định, để thời trang đó thăng hoa thành độc đáo.

Đương nhiên đã biết mặc như vậy, thì cái cách ăn của đám quen đi bộ trên phố cũng cầu kỳ cá tính. Thường thì những món ngon lành nhất hay tập trung ở quận Hoàn Kiếm, bởi đây là vùng “lõi” của Kinh kỳ ngay từ lúc manh nha, những thị dân “lõi đời” ở đó đa phần là kinh lịch, biết cách thẩm thực tài hoa tinh tế. Các quán mà ngon ở khu phố cổ có nhiều lắm. Có điều, chỉ khoảng đôi mươi năm trước thôi, tuyệt không có một hàng nào hợm hĩnh dám đề biển “quán ngon”. Đã là mỹ nhân thì cần gì đeo thẻ khoe “người đẹp”. Không giống bây giờ, người ăn thường thích phân ngôi lập thứ. Này là “Top 3” phở này. Này là “Top 5” bún này. Mà hầu như những người thích xếp hạng, mới chỉ tới cái quán đó ăn chừng một hai lần. Muốn biết là ngon, thì phải ăn ở chính chỗ đấy không dưới trăm lần. Mới ăn vài lần đầu, mồm bị lừa là chuyện nhỏ như bò ăn cỏ.

Chính vì thế, muốn ăn gì ở phố cho thật khoái khẩu, tốt nhất là nghe theo mấy “cao bồi già” mặn mồm. Đơn giản là theo họ đi ăn sáng chẳng hạn. Phở Bát Đàn chưa ngọt như bây giờ, nhưng nhìn cảnh rồng rắn xếp hàng bỗng thấy nản, thôi thì qua phở Hòa Hàng Đồng. Hàng này có tuyệt chiêu giấu nước mắm vào sâu trong nước dùng. Phở Hòa có việc treo biển nghỉ, vậy qua Hàng Vải phở Lâm nhé. Nếu không thì ngược lên phở Vui Hàng Giầy làm thêm tý ngẩu pín. Chẳng bù cho những khu đô thị mới xây được tiếng là “oách”, đi mỏi chân cũng chẳng kiếm đâu ra được một chỗ dễ nuốt. Kể cả phở Sướng có về đấy thì cũng khang khác. Hỏi nhỏ ông chủ quen, thì được khe khẽ trả lời “người ăn dưới này họ khác lắm”. Có phải vậy chăng mà Tổng thống Mỹ Barack Obama nghe ai đó xui đi ăn bún chả Hà Nội vào... tối muộn.

Các cụ vẫn nói “khôn dại tại miệng”, khắt khe như thế nên ẩm thực của thị dân Việt đã đạt tới tầm thế giới. Phở của phố có đông những người đi bộ đâu có kém gì pizza Ý hay há cảo Tầu. Còn tại sao nó chưa được phổ cập toàn cầu thì có thể trong đám mênh mông thực khách vẫn vô số người có mồm dại. Thẩm thực vốn là nghệ thuật tinh tế bậc nhất. Đôi khi nhìn cách người ăn, dễ dàng thấy cả nhân cách.

Và phải chăng phẩm cách của những thị dân đang tiêu xài thong thả đi bộ trên mấy con phố vừa cũ vừa kỹ kia, chính là di sản của một đô thị đã già tuổi.