Phố có những người mẹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chiều muộn mùa Vọng chờ Chúa giáng sinh, phố nhỏ rưng rưng lạnh, đẹp vô chừng. Anh bạn họa sĩ ngồi đối ẩm, thỉnh thoảng buông mắt nhìn sang khuôn viên Đức Mẹ nhà thờ chính tòa, rồi lấy từ hộc tủ cổ ra quyển sách, “bà Thảo đưa ông”. Chơi với bạn đã ba bốn chục năm, biết tính bạn khi xúc động thường kiệm lời, nên cũng không hỏi lại. Thế hệ chúng tôi thời trẻ trung hoa niên hay xưng hô với mẹ của bạn là “cô”, bố của bạn là “bác”. Khi đã có tuổi thì thay con cái gọi là bà, là ông. Đôi lúc sau lưng các cụ, cậy thân, quen mồm kêu kèm luôn cả tên cúng cơm. Vài người ở phố chưa lâu, cho rằng thế là hỗn. Chúa ơi, tất cả những thằng con giai tử tế, có bao giờ biết cách làm trò lễ phép với bố mẹ của chúng đâu.

Cuốn sách có khổ lạ, “Tản mạn những mảnh đời” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn), có chiều ngang dài hơn chiều dọc. Họa sĩ miễn cưỡng giải thích. Bà Thảo làm điện ảnh lâu, thằng cháu đích tôn đì zai, muốn giữ chữ bà nội theo đúng cái khung màn hình chiếu bóng ngày xưa. Ừ nhỉ, cái ngày ấy cũng chưa xưa quá, tivi là thứ tuyệt hiếm, những cặp đôi lúc mới đang nồng nàn “tìm hiểu” thường run run mời người mình yêu đi xem phim ngoài rạp. Oách nhất là mấy cuốn phim nhập từ Liên Xô, pa-nô hoàng tráng quảng cáo với phụ đề rực rỡ “phim mầu chiến đấu màn ảnh rộng”. Thời gian rêu phong ký ức, tôi hơn một lần hỏi bà Thảo về cái bộ phim lừng danh “Đến hẹn lại lên” mà bà từng quay. Sao hồi ấy các cụ không quay phim mầu. Bà Thảo cười hiền, trả lời bằng câu rất hóm, giống hệt mẹ tôi hay mắng yêu những lúc tôi hỏi ngu. Chao ôi, những người mẹ. Bà Thảo là Phật tử thuần thành, còn mẹ tôi là con gái nhà đạo gốc, mà sao từa tựa như nhau. Tuổi thơ của lũ chúng tôi, dù nghèo dù đói, nhưng luôn thơm phức những món ăn bần bạch đơn sơ mà các mẹ chắt chiu nấu. Hà Nội may mắn có những năm tháng, đã sở hữu không biết bao nhiêu những người mẹ tần tảo khéo tay. Cha xứ bằng tuổi, thỉnh thoảng ngồi uống với tôi và họa sĩ, chợt bâng quơ mim mỉm. Thực ra nhà chùa với nhà thờ, cũng đâu có gì khác.

Chân dung bà Thảo (Đỗ Phương Thảo) - nữ quay phim đầu tiên gần như duy nhất của một nền điện ảnh Cách mạng từng vang bóng một thời

Chân dung bà Thảo (Đỗ Phương Thảo) - nữ quay phim đầu tiên gần như duy nhất của một nền điện ảnh Cách mạng từng vang bóng một thời

Tôi thì thấy bà Thảo vất vả hơn mẹ tôi. Một thiếu nữ rồi thành vợ thành mẹ, trong bối cảnh khốc liệt của hai cuộc chiến tranh vệ quốc thần thánh kéo dài suốt hơn ba chục năm, thì vô số việc bắt buộc phải bị làm. Việc nhà đương nhiên, việc nước, có chứ. Và hơn thế, bà Thảo một đoạn dài làm nghệ thuật chuyên nghiệp. Bà là nữ quay phim đầu tiên gần như duy nhất của một nền điện ảnh Cách mạng từng vang bóng một thời. Tôi đọc lại những trang hồi ký tự truyện, “Bếp ấm của mẹ” (Nhà xuất bản Trẻ, 2017), cuốn sách thứ hai sau tiểu thuyết đầu tay “Mẹ con” (Nhà xuất bản Hà Nội, 1988) của bà, thì không khỏi nghẹn ngào. Nén sâu vào trong chuyện bếp núc thường nhật, là trùng trùng điệp điệp thăng trầm sóng gió giông bão cuộc đời. Hình như tất cả những người mẹ, lúc đớn đau nhất, chỉ hay khóc thầm. Này mấy thằng con giai, chúng mày có biết không. Có phải vậy chăng mà kiểu viết nghèn nghẹn nữ tính bình dị không điệu đà uyển ngữ đấy vẫn đầy đậm trong tác phẩm “Tản mạn những mảnh đời” mới tinh còn thơm mùi mực . Nhưng tôi thích “Duyên kiếp nhà thơ” in cùng trong tập sách hơn. Không hẳn vì “thiên địa phong trần, hồng nhan đa truân”, mà chính là cách nhìn độc đáo khám phá về xuất xứ sáng tạo ra kiệt tác “Chinh phụ ngâm”. Đương nhiên, để có một kỳ thư thì người làm ra nó phải là kỳ nhân. Có điều, mối tình hoang đường huyền thoại giữa danh nhân Đặng Trần Côn với Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, đã góp phần không nhỏ làm lên bản trường ca bi tráng đó. Ngoài kiến văn quảng bác thâm hiểu văn hóa trung đại của người Việt, thì chỉ cần riêng ở khía cạnh này, tác giả Đỗ Phương Thảo (sorry, mom), đã thành công.

Cuốn sách “Tản mạn những mảnh đời” của tác giả Đỗ Phương Thảo

Cuốn sách “Tản mạn những mảnh đời” của tác giả Đỗ Phương Thảo

Nghệ sĩ Đỗ Phương Thảo và con trai - họa sĩ Lê Thiết Cương

Nghệ sĩ Đỗ Phương Thảo và con trai - họa sĩ Lê Thiết Cương

Tôi và anh bạn họa sĩ cụng ly. Đã đôi lần bọn tôi tranh luận là tại sao Đức Bồ Tát Quan Thế Âm ở Ấn Độ là nam, nhưng sau khi Đông tiến thì lại là nữ. Phải chăng đức tin ở cái vùng đất này luôn gìn giữ một truyền thống tôn trọng các nữ thần. Họ chính là hình ảnh thăng hoa thiêng liêng từ những người bà, người mẹ, những người luôn âm thầm khiêm nhẫn đứng sau mấy thằng con giai huênh hoang mồm to. Hai đứa chúng tôi cùng cười, thật hạnh phúc khi được làm con giai của những người mẹ.

Xa xa ngoài phố, đông chật những cặp nam thanh nữ tú đang yêu nhau. Hoàng hôn rải nắng hanh muộn, dát vàng quanh tượng Đức Mẹ bế chúa Hài Đồng.

...Và hơn thế, bà Thảo một đoạn dài làm nghệ thuật chuyên nghiệp. Bà là nữ quay phim đầu tiên gần như duy nhất của một nền điện ảnh Cách mạng từng vang bóng một thời”.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà