Ký sự “Công an phố cổ” hay những chuyện “trăm dâu đổ đầu tằm”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Công an phố cổ” cuốn sách của Trung tá Phạm Quân - (tên đầy đủ Phạm Cánh Quân) - Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa chính thức được NXB Công an nhân dân ấn hành và ra mắt bạn đọc. Cuốn sách kể về những chuyện rất “bếp núc” của nghề công an và đặc biệt hơn, công an ở một quận trung tâm nhất của Hà Nội - nơi mà nói theo chữ của tác giả là mỗi người dân ở đây đều có “khí chất”.

Vừa tròn 300 trang, cuốn sách trải dài trong khoảng thời gian 6 năm, bắt đầu từ năm 2001 khi Phạm Quân vừa tốt nghiệp đại học chính quy chuyên ngành Cảnh sát điều tra về làm “lính hình sự” thuộc Công an phường Hàng Trống. Những câu chuyện mà “Công an phố cổ” kể đều là những ký ức, những từng trải của tác giả, nhưng bạn đọc có thể hiểu hơn công việc của công an cơ sở - nghề được ví “trăm dâu đổ đầu tằm”. Dù cuốn sách được Trung tá Phạm Quân kể với giọng chỉn chu, nghiêm túc và hết sức chân thật, nhưng bạn đọc cũng có thể bắt gặp vô vàn những chi tiết thú vị, những chuyện tưởng chỉ có đùa, hóa ra lại là thật, ví như chó cắn cũng gọi công an, uống rượu say nửa đêm về nhà bị vợ mắng cũng gọi công an...

Bìa sách “Công an phố cổ”

Bìa sách “Công an phố cổ”

- PV: Cách đây mấy năm, nhà văn Nguyễn Việt Hà (tên thật là Trần Quốc Cường) một công dân sống ở phường Hàng Trống ra mắt cuốn sách rất ăn khách có tựa là “Con giai phố cổ”. Không biết, sự ra đời của “Công an phố cổ” có bị ảnh hưởng bởi cuốn sách nổi tiếng kia không?

- Trung tá Phạm Quân: Toàn bộ nội dung trong cuốn sách nói về việc học tập rèn luyện, phấn đấu để trở thành chiến sĩ công an, quá trình công tác của tôi tại Công an phường Hàng Trống trong khoảng 6 năm từ 2001 đến 2007. Phường Hàng Trống là phường trung tâm của quận Hoàn Kiếm và nằm trong khu phố cổ. Tất nhiên, tôi hoàn toàn có thể đặt tựa sách đại khái như “Công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn phường Hàng Trống”, dưới ngòi bút của cán bộ công an viết thì hoàn toàn có thể đặt thế. Từ bé, tôi đã thích đọc sách, đặc biệt là sách văn học, địa lý và lịch sử. “Con giai phố cổ” của tác giả Nguyễn Việt Hà tôi cũng đã từng đọc nhưng cũng không hẳn bị ảnh hưởng, cái tựa “Công an phố cổ” ra đời rất ngẫu nhiên, nó nảy ra trong đầu tôi trong một khoảnh khắc. Chỉ đơn giản là mình làm công an lại là ở phố cổ thì cứ thế mà đặt cho tựa sách thôi.

- Khi đọc tập sách của anh thì thấy nó có vẻ mang hơi hướng của một cuốn nhật ký công việc, vì các vụ án đều được anh nhớ đến từng chi tiết, ngày giờ, tên đối tượng, vụ việc...?

- Đúng vậy. Tôi có trí nhớ tương đối tốt, có những đối tượng hơn 10 năm sau tôi vẫn nhớ mặt, nhớ đặc điểm. Tôi cũng có thói quen ghi chép từ khi còn là học sinh. Do đó khi đọc sách, hay trải nghiệm, có cái gì hay tôi đều ghi lại. Các vụ việc, sự kiện ở phường Hàng Trống về cơ bản tôi đều ghi lại từ ngày tháng, địa điểm xảy ra, con người, nhân thân… Mục đích của tôi là để phục vụ cho công tác đấu tranh khám phá các vụ án. Việc ghi chép giúp rất nhiều cho việc hiểu về người phạm tội để sau này mình thuyết phục, vận động họ hoàn lương, cũng như cung cấp thông tin giúp cho cơ quan công an đấu tranh với các đối tượng phạm tội khác. Tôi ghi chép về các vụ việc, vụ án khoảng hơn 20 năm rồi. Tôi duy trì cho đến hiện nay. Ngoài nhân thân của đối tượng tôi còn lưu trữ một vài thứ liên quan khác như: số điện thoại, mạng xã hội, sở trường, sở đoản, tính cách… Vì vậy rất giúp ích cho công tác công an.

- Nhiều thân phận, những hoàn cảnh éo le, những trượt ngã của tuổi trẻ đã được anh kể, nhưng với tư cách là bạn đọc, tôi thấy hơi tiếc một chút, vì còn thiếu chiều sâu, tức là khi hồ sơ khép lại, chuyển đối tượng đi trại giam là cũng vừa hết… chuyện. Anh có nghĩ, khi nào đó gặp lại những cảnh đời này và một “Công an phố cổ” tập 2 ra đời không?

- Thực ra rất nhiều người mà tôi đã từng đề cập trong cuốn sách, cho tới giờ tôi vẫn giữ quan hệ, vẫn thường xuyên gặp lại. Trong cuốn sách này tôi không tập trung quá vào quá trình phá án, vào từng cuộc đời của các nhân vật. Công việc ở phường không chỉ phá án mà còn đủ các mặt công tác khác và các vụ án trong cuốn sách này chỉ làm nổi bật các mặt công tác tại công an phường mà thôi. Tôi nghĩ công an cơ sở là gốc là nền tảng, gắn với dân. Vì vậy công an phường, xã chỉ cần tạo niềm tin tuyệt đối với dân là thành công rồi.

Tôi không chắc sẽ có “Công an phố cổ” phần 2. Nhưng hiện tại, tôi rất muốn viết câu chuyện về lũ trẻ mà tôi đã từng gặp ở sân Nhà Thờ. Đây là đề tài mà tôi rất tâm đắc vì tôi gắn bó tương đối nhiều với trẻ em trên phố cổ. Tôi tiếp xúc từ những em học sinh nghịch ngợm, chưa ngoan, những thiếu niên bị sa ngã do yếu tố bản thân, gia đình và xã hội. Rất nhiều em, cháu sau này đã không tái phạm, nhiều người đã thay đổi hẳn, rất chững chạc, thành đạt… Ước mơ là thế, nhưng công việc bây giờ của tôi cũng rất bận rộn.

Cuốn sách gồm nhiều minh họa rất phố cổ, rất Hà Nội

Cuốn sách gồm nhiều minh họa rất phố cổ, rất Hà Nội

- Tôi vẫn tò mò về sự khởi đầu của tập sách, vì sao anh lại có một quyết định ngã rẽ đột ngột này?

- Tôi có ý định viết cuốn sách cách đây khoảng nửa năm. Bắt tay vào tập hợp dữ liệu và viết cho đến khi cuốn sách ra đời thì trong khoảng hơn 3 tháng. Về “ngã rẽ đột ngột” thì chắc là không phải ngay bây giờ. Động lực để tôi quyết định viết sách là do tôi được biết và chơi với các bậc đàn anh trong ngành Công an nhưng lại viết sách như chú Phan Trọng Thắng, cựu Công an quận Hoàn Kiếm tác giả cuốn “Cảnh sát hình sự một thời”, nhà báo Đào Minh Khoa, Báo CAND , tác giả cuốn “Làm báo phút 89”, hay như anh Đào Trung Hiếu, cán bộ Cục Truyền thông - Bộ Công an với tác phẩm “Bão ngầm”. Tôi nghĩ mọi người làm được thì mình cũng cố gắng thì sẽ làm được.

Trung tá Phạm Quân

Trung tá Phạm Quân

Ngoài ra, tôi tìm hiểu thì hầu như là các nhà văn, nhà báo viết về công an chủ yếu viết các câu chuyện trinh thám, ly kỳ, điều tra phá án nhưng về đề tài cơ sở thì không mấy ai viết. Trong khi đó, công an cơ sở cấp thấp nhất là Công an phường thì đủ thứ việc “trăm dâu đổ đầu tằm”. Trên cấp trên có gì thì dưới phường có đấy, từ công tác an ninh nắm tình hình, cho đến quản lý hành chính nắm hộ, nắm dân, quản lý đối tượng, từ công tác giải quyết trật tự đô thị cho đến công tác bảo vệ hiện trường, phối hợp điều tra khám phá các vụ án, vụ việc. Tôi thấy mình công tác 6 năm, chất liệu vụ việc, vụ án, đối tượng thì nhiều, không viết thì cũng phí...

Thêm nữa cuốn sách này tôi viết còn là để dành tặng những người đồng nghiệp của tôi, các chiến sĩ công an đang vất vả ngày đêm bảo vệ bình yên cuộc sống. Sau đó dành cho những người yêu mến hay muốn tìm hiểu về công an, đặc biệt là công an cấp phường. Tiếp theo là dành cho công dân phố cổ và những người muốn tìm hiểu về cuộc sống, con người phố cổ qua một lăng kính khác, dưới con mắt của một chiến sĩ công an.

- “Công an phố cổ” là câu chuyện trải dài trong 6 năm anh làm cảnh sát hình sự, bây giờ với vai trò mới, có một cuốn sách nào nữa, đại khái liên quan đến các vụ án ma túy trên địa bàn Hoàn Kiếm hay không?

- Tôi cũng đã nghĩ đến điều đó vì tôi làm cảnh sát hình sự tại Công an phường Hàng Trống 6 năm, nhưng tôi đã công tác ở Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an quận Hoàn Kiếm còn dài hơn là 15 năm. Tại đây, tôi trải qua từ cán bộ điều tra, điều tra viên, chỉ huy án tố tụng, chỉ huy trinh sát nên có rất nhiều câu chuyện để kể, để viết. Tuy nhiên mục đích viết của tôi luôn theo chiều hướng tích cực làm tăng nhiệt huyết yêu nghề, vì mục đích nhân văn, do đó tôi đang nghĩ làm sao viết có giá trị cảnh tỉnh, cảnh báo về tác hại ma túy, những vất vả trong công tác đấu tranh tội phạm này và phải viết sao cho hay, hấp dẫn được bạn đọc. Bản thân tôi chỉ nhận mình là tay ngang, cũng phải học hỏi nhiều mới có thể viết hay được, nhưng chắc chắn tôi sẽ viết khi có thời gian.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!