Có ý kiến cho rằng, trước mắt việc giảm thuế tuy làm giảm thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, nhưng khi được Nhà nước chia sẻ, doanh nghiệp sẽ khỏe lên, có động lực và niềm tin để vượt qua giai đoạn cam go. Khi đó nguồn thu ngân sách sẽ dồi dào hơn. Thực tế, việc cắt giảm thuế có sức lan tỏa rất lớn, giải cứu được những doanh nghiệp đang chới với, mấp mé bờ phá sản, giải thể. Khi sản xuất kinh doanh được hồi sinh, phát triển, thị trường mở rộng, “cục máu đông” được phá tan, hiệu ứng này sẽ tác động khiến số thu thuế sau này tăng lên.
Có ý kiến lại cho rằng, cần phải cân đo rất kỹ, nếu không doanh nghiệp “ốm yếu” vẫn không khỏe lên nổi mà ngân sách lại hụt thu và một số doanh nghiệp được hưởng lại béo bở. Chẳng hạn, đề xuất của Chính phủ xóa bỏ nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách nhận xét, tiền phạt chậm nộp thuế là do vi phạm hành chính về thuế, do đó việc xóa nợ sẽ tạo tiền đề không tốt, không đảm bảo sự nghiêm minh và công bằng với những doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, chính sách miễn, giảm ưu đãi thuế có thể làm giảm thu ngân sách 10.000 tỷ đồng/năm. Nếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp phục vụ nông nghiệp... thì Chính phủ không tiếc gì. Nhưng trong đề xuất không nói rõ đối tượng nào được hưởng, gỡ khó cho lĩnh vực nào.
Mặc dù còn băn khoăn có nên giảm thuế hay không, song nhiều đại biểu cho rằng, không nên quá lo lắng chuyện không có nguồn thu trước mắt. Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, điều chỉnh chính sách thuế sẽ tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu tăng nguồn thu ngân sách trong trung và dài hạn. Thực tế, nếu cứ cố thu thì cũng không thể thu được khi nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể. Không miễn, cắt, giảm thuế, làm sao nuôi dưỡng được nguồn thu?