Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức:

Dạy học trò “vượt qua thử thách”

ANTĐ - Là đào nương cuối cùng của giáo phường Khâm Thiên-Nghệ nhân ca trù Phó Thị Kim Đức nổi tiếng với sự khắt khe và khó tính trong việc nhận học trò. Người xin học thì đông nhưng người được nhận thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Muốn được bà truyền dạy những tinh hoa của bộ môn nghệ thuật này, người học phải biết “vượt qua thử thách”…

Chỉ cần có tình yêu

Được làm học trò của nghệ nhân Kim Đức cần phải trải qua thử thách

Trong bối cảnh không nhiều người thiết tha với ca trù thì sự khắt khe của nghệ nhân Kim Đức xem ra cũng là một sự lạ. Nhưng chính sự khắt khe ấy lại cho thấy thái độ làm việc nghiêm túc và không chấp nhận sự hời hợt với những ai muốn tìm hiểu về ca trù và đặc biệt là sống bằng nghề ca trù. Với bà, sự thử thách không phải điều gì lớn lao và quá khó khăn mà đôi khi chỉ đơn giản là bạn hãy thể hiện tình yêu và sự  chân thành với ca trù. Các buổi hẹn tập hát ca trù hay lịch làm việc đều rất chuẩn xác, không có chuyện muộn giờ hay trễ hẹn. Nhưng điều kiện cần và đủ nữa là người học còn cần có “thanh”.

Cô ca sỹ Lê Cát Trọng Lý là một trong những người may mắn được nghệ nhân Kim Đức nhận làm học trò. Nhưng sự thử thách của bà với Lý dường như cũng có sự ưu ái hơn với những người đến xin học khác. Bà đã nhìn thấy ở cô học trò này sự thích thú và niềm đam mê ca trù. Còn giọng hát và sự nổi tiếng thì Lý đã có thừa. Không quá khó khăn Lý nhanh chóng được bà thu nhận. Nghệ nhân Kim Đức cũng hiểu rằng, Lý học ca trù không phải để trở thành một ca nương mà cô sẽ sử dụng những nét đẹp của bộ môn nghệ thuật này trong âm nhạc  để luyến láy và biến đổi nó thành những nốt nhạc mới và mang giai điệu hiện đại hơn. Nhưng có một điều, nghệ nhân Kim Đức đã không quên nhắc Lý  khi nhận cô làm học trò rằng “Với ca trù, con cần có trách nhiệm chứ không thể làm linh tinh, biến hóa quá mức”. 

Khó tính là để giữ gìn 

Trách nhiệm với ca trù là điều mà nghệ nhân Kim Đức luôn đòi hỏi và yêu cầu các học trò của mình tuân thủ và bản thân bà cũng lấy nó để làm tiêu chí trong quá trình truyền dạy. Bà giữ cho nghề thật chuẩn, không bị lai căng và biến dạng, học phải ra học, chứ không phải được vài tháng rồi tung tẩy đi hát khắp nơi làm mất đi danh tiếng của di sản thế giới và làm ảnh hưởng đến người thầy truyền dạy. Truyền thống gia đình từ thời các cụ để lại đã khiến bà được sống và hít thở bầu không khí “ca trù” từ những ngày còn nhỏ và điều bà tuyệt nhiên không muốn là cuộc sống xô bồ sẽ làm cho con người trở nên dễ thỏa hiệp và bằng lòng với sự hời hợt. Nghệ nhân khó tính cũng là để giữ gìn bản sắc. 

Trong khi các CLB ca trù gần đây mọc lên như nấm thì nghệ nhân Kim Đức vẫn một mình một hướng mà đi, nhưng số người đến xin bà truyền nghề không vì thế mà thuyên giảm. Giờ thì tuổi đã cao, sức đã yếu nên nghệ nhân không nhận thêm học trò. Bà sợ rằng, ngộ nhỡ có chuyện gì xảy ra với bà thì chuyện truyền nghề lại lỡ dở, học trò của bà học chưa đến đầu đến đũa, xã hội lại có thêm một ca nương, một đàn kép “nửa mùa”. Trong lòng bà luôn đau đáu về sự thất lạc và biến dạng của ca trù khi các nghệ nhân cùng thời với bà trong bộ phim “Lỗ Khê-Tiếng xưa vọng về” giờ đều đã đi về cõi cực lạc, để lại mình bà với trách nhiệm phục dựng và phát triển nghệ thuật ca trù. Lòng tự trọng nghề nghiệp với ý nghĩ các ngành nghề khác có văn bản lưu lại để các thế hệ sau này biết đến cái hay cái đẹp thì ca trù vẫn chỉ truyền miệng đã thôi thúc bà nghiên cứu và tìm ra một phương pháp giảng dạy tốt nhất. 

Nghệ nhân Kim Đức đã mất cả thảy 10 năm trời mới tìm ra những nét cơ bản của ca trù, đúc kết, dạy lại cho các thế hệ với những bài học bắt đầu từ a,b,c và được ghi vào sách vở. Bà làm công việc này xuất phát từ cái tâm với nghề và tình thương dành cho các thế hệ sau này. Còn các buổi truyền dạy hoàn toàn miễn phí với các học trò. Khó tính và khắt khe trên lớp nhưng bà không mang 2 đức tính này vào cuộc sống thường nhật. Những ai đã theo học bà đều cảm thấy sự dễ chịu, thoải mái và sự tôn trọng dành cho nghệ nhân Kim Đức. Một người bà, người thầy không đòi hỏi và yêu cầu các học trò phải hầu hạ, phục tùng mình mà cụ đều tự tay làm mọi việc. Một là để rèn luyện thân thể có sức khỏe tốt và hai là để các trò có thời gian tập luyện, đàn hát. Sự giản dị, chân thành và chuẩn mực toát ra từ bà đã có sức hấp dẫn lớn đối với các học trò. Ngôi nhà của bà ngày chủ nhật không lúc nào ngớt tiếng đàn, tiếng hát và là nơi tụ họp của những người bạn, những người yêu mến ca trù.