Đánh thức tiềm năng văn hóa du lịch Hòa Bình (3): Sáng tạo đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ 17 (2020-2025) nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm là khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Cùng với đó, Hòa Bình chú trọng công tác quy hoạch phát triển du lịch, ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn chặt với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Đồng thời, chú trọng khai thác thị trường Vùng Thủ đô Hà Nội song song với mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, phấn đấu đến năm 2025, đón khoảng 4,9 triệu lượt khách, trong đó có 1 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 5.400 tỷ đồng.

Sẵn sàng là “bếp ăn, chốn ngủ” của Hà Nội

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết, trong quy hoạch cũng như triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội - du lịch, địa phương đều chú trọng tới việc khai thác thị trường rộng lớn là Thủ đô Hà Nội, có chương trình phối hợp cụ thể giữa hai địa phương. Vừa qua, Hòa Bình và Hà Nội đã khởi công tuyến cáp treo dài 3km nối chùa Tiên (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) với chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), kết nối du lịch tâm linh giữa hai địa phương.

Một góc Khu du lịch lòng hồ Hòa Bình - khu du lịch quốc gia, giàu tiềm năng của tỉnh Hòa Bình

Một góc Khu du lịch lòng hồ Hòa Bình - khu du lịch quốc gia, giàu tiềm năng của tỉnh Hòa Bình

Dưới góc nhìn của mình, ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hòa Bình cho rằng, là cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, Hòa Bình hội đủ các điều kiện về địa lý, khí hậu, văn hóa đa sắc tộc để phát triển các loại hình du lịch như du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp… Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch địa phương đã kết nối thực hiện các tour, tuyến dẫn khách từ Hà Nội tới Hòa Bình tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá các điểm du lịch cộng đồng. “Hòa Bình sẵn sàng trở thành “bếp ăn, chốn ngủ” của Thủ đô Hà Nội - địa phương có gần 10 triệu dân, điểm khởi hành của nhiều du khách quốc tế khi tới Việt Nam”, ông Hà Văn Thắng bày tỏ.

Cũng theo ông Hà Văn Thắng, hiện tỉnh Hòa Bình nói chung, huyện Mai Châu và các huyện ven sông Đà đã được Thủ tướng Chính phủ có quyết định quy hoạch thành trọng điểm du lịch quốc gia. Để phát triển mạnh mẽ nền “công nghiệp không khói” này, Hòa Bình cần thu hút đầu tư. Với chức năng nhiệm vụ của mình, thời gian qua Hiệp hội Du lịch tỉnh Hòa Bình đã đồng hành trong giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch của tỉnh nhà; giúp nhà đầu tư hiểu rõ quy định đầu tư tại Hòa Bình, đồng thời tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vận dụng sáng tạo các quy định pháp luật để làm sao thủ tục ngày càng thông thoáng, có sức hút với nhà đầu tư…

Phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hòa Bình Bùi Xuân Trường cho biết, hiện toàn tỉnh có 786 di sản văn hóa phi vật thể, 105 di tích lịch sử, di tích văn hóa được xếp hạng và gần 300 di tích chưa xếp hạng. Mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh đều có những bản sắc riêng biệt. Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ được khá đa dạng và phong phú. Trong đời sống văn hóa, đồng bào vẫn lưu giữ được những nét cơ bản trong phong tục tập quán, tín ngưỡng của dân tộc mình; cùng với bảo tồn và lưu giữ những giá trị di sản về văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết, tri thức dân gian, trang phục... Đây là tiềm năng lớn cho phát triển văn hóa, cũng như kinh tế, xã hội, du lịch của tỉnh.

Thống kê 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Hòa Bình đón 2,36 triệu lượt khách (bao gồm 240.000 khách quốc tế) tham quan du lịch, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 67,4% kế hoạch năm. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2.300 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 59% kế hoạch năm.

Những năm qua, Hòa Bình chủ trương gắn kết chặt chẽ các chương trình, kế hoạch giữa bảo tồn văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch bền vững, từ đó thu về những thành tựu đáng kể. Điển hình là việc tổ chức, khôi phục và phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc như lễ hội chùa Tiên, lễ hội khai hạ Mường Bi, lễ hội đền Bờ, lễ hội Xên Mường...; xây dựng một số làng văn hóa truyền thống; hàng chục làng văn hóa du lịch cộng đồng cấp tỉnh; hàng năm thực hiện được gần 50 lớp truyền dạy nghệ thuật dân gian, hàng trăm lớp dạy chữ dân tộc; phục dựng, duy trì 59 lễ hội…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn cho biết, từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11-2021, tỉnh đã xây dựng Nghị quyết về việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình; triển khai xây dựng, bảo tồn nền văn hóa Hòa Bình. “Chúng tôi tập trung quy hoạch văn hóa gắn liền với phát triển du lịch. Vừa qua, tỉnh đã có các đề án, dự án phát triển văn hóa. Tỉnh cũng xác định phát triển du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa, ví dụ khi xây dựng làng du lịch cộng đồng tại bản Ngòi (xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc), chúng tôi yêu cầu giữ nguyên bản từ kiến trúc đến nếp sinh hoạt của người dân Mường nơi đây”, ông Nguyễn Văn Toàn nói.

Hòa Bình chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa (Trong ảnh: Du khách quốc tế thích thú cùng bà con dân tộc Thái (xã Mai Hịch, huyện Mai Châu) tham gia tiết mục nhảy sạp)

Hòa Bình chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

(Trong ảnh: Du khách quốc tế thích thú cùng bà con dân tộc Thái (xã Mai Hịch, huyện Mai Châu) tham gia tiết mục nhảy sạp)

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban chỉ đạo du lịch tỉnh Hòa Bình, địa phương này đã quy hoạch các khu vực phát triển du lịch, xây dựng các khu du lịch kết nối giữa các huyện với nhau. “Chúng tôi ý thức để phát triển du lịch phải phát triển các hạ tầng như giao thông, điện, viễn thông; coi trọng chuẩn bị nguồn nhân lực. Thời gian tới, tỉnh cũng sẽ tăng cường quảng bá, giới thiệu những đặc sắc của văn hóa, danh thắng Hòa Bình với du khách trong và ngoài nước, từ đó kích cầu du lịch”, ông Nguyễn Văn Toàn cho biết thêm.

Chủ trương phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững được quán triệt xuyên suốt từ tỉnh tới huyện, xã. Ông Hoàng Đức Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu cho biết, thời gian qua, huyện luôn bám sát chủ trương của tỉnh để hỗ trợ người dân phát triển du lịch, mở rộng các mô hình du lịch, cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa từ nếp nhà sàn, các điệu múa, món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc, đặc biệt là giữ gìn cảnh quan nhằm giúp du khách có được trải nghiệm tốt nhất. Địa phương rất quan tâm, ưu tiên phân bổ nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống, đồng thời giúp bà con có điều kiện tốt nhất phát triển kinh tế hộ gia đình.

Bên cạnh gìn giữ cảnh quan, bản sắc địa phương, lãnh đạo huyện Mai Châu ý thức việc tiếp cận, tận dụng các ứng dụng khoa học trong thời đại 4.0 để phát triển kinh tế. Tới đây, huyện Mai Châu sẽ số hóa các điểm du lịch, từ bản đồ tổng thể 8 điểm du lịch trên địa bàn huyện, phân cấp tới từng bản, điểm du lịch nhỏ với hình ảnh 360 độ và MC trợ lý ảo thuyết trình, giới thiệu một cách sinh động, giúp khách hàng có thông tin đầy đủ nhất, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân, gia đình. Ngoài ra, huyện thành lập các câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa du lịch, hỗ trợ người dân để phục dựng các lễ hội, nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc nơi đây… “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là giúp bà con vừa bảo tồn văn hóa, vừa có thể phát triển kinh tế ngay trên chính mảnh đất quê hương” - ông Hoàng Đức Minh nhấn mạnh.