“Con đường tương lai” kể lại thế giới theo tuyến tính thời gian

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuốn sách “Con đường tương lai” (Tập 1, NXB Thể thao và Du lịch, 2025) của nhà nghiên cứu, nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn vừa ra mắt bạn đọc.

Trong bối cảnh thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới với vô vàn bất định, từ biến đổi khí hậu, khủng hoảng đạo đức, xung đột địa chính trị, đến những bước nhảy vọt của công nghệ trí tuệ nhân tạo, câu hỏi “chúng ta sẽ đi về đâu?” không chỉ là mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách mà còn trở thành nỗi thao thức của những người viết, người nghĩ, và người mơ.

Cuốn sách là công trình đặc biệt, xuyên suốt các lĩnh vực tri thức

Cuốn sách là công trình đặc biệt, xuyên suốt các lĩnh vực tri thức

Cuốn sách là một công trình đặc biệt, không phải ở độ dày hay số lượng chủ đề được đề cập, mà ở cách cuốn sách thể hiện nỗ lực tổ chức và dẫn dắt một dòng suy tưởng xuyên suốt các lĩnh vực tri thức vốn thường được phân mảnh: Từ tôn giáo, triết học, lịch sử, địa chính trị, đến phát triển bền vững, văn hóa, quản trị quốc gia. Trong một thời đại mà sự chuyên môn hóa sâu thường dẫn tới biệt lập giữa các lĩnh vực, thì việc tác giả tìm cách kết nối và kể lại thế giới theo một tuyến tính thời gian - từ quá khứ, hiện tại đến tương lai - mang tính tổng hợp và gợi mở.

Điều đáng lưu ý là tác giả không đi theo hướng xây dựng một hệ thống lý thuyết chuyên biệt hay một mô hình học thuật có tính khái quát hóa cao. Thay vào đó, cách tiếp cận của Nguyễn Xuân Tuấn thiên về lối trình bày theo mạch tư duy cá nhân, đan xen giữa ghi chép, tổng thuật, kiến giải và đề xuất. Chính điều này tạo nên một phong cách trình bày mang tính “du ký tư tưởng”, trong đó các mảnh ghép lịch sử, những chiêm nghiệm cá nhân, và các ví dụ từ thực địa (trong nước và quốc tế) được đưa vào như những minh họa sống động cho hành trình tìm kiếm “tương lai dân tộc”. Cách viết này không tuân thủ một mô hình diễn ngôn hàn lâm chuẩn mực, nhưng cũng không hoàn toàn là lối văn tùy bút. Nó phản ánh đặc điểm của một nỗ lực kiến tạo hệ thống tư duy nằm giữa ranh giới giữa học thuật và tư duy hành động công dân.

Một trong những điểm mạnh của cuốn sách là sự dày công sưu tầm và tổng hợp lượng lớn thông tin trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Việc dẫn dắt từ luật nhân quả, chu kỳ hưng vong của các đế chế, đến các mô hình kinh tế xanh, tổ chức hành chính vùng, hay triết lý tiết dục trong quản trị cá nhân, tất cả cho thấy một khát vọng rõ ràng là xây dựng khung khái niệm tích hợp để lý giải hiện tại và định hướng tương lai. Cuốn sách mở ra một không gian đối thoại giữa cá nhân với xã hội, giữa truyền thống với hiện đại, giữa kinh nghiệm cá nhân với tri thức phổ quát. Và trong không gian ấy, chính sự tham vọng với tất cả những giới hạn và khả năng của nó lại trở thành giá trị khơi gợi. Khơi gợi để nhìn lại cách ta đang tư duy về phát triển, khơi gợi để đặt câu hỏi về vai trò của tri thức liên ngành, và khơi gợi cả sự cần thiết của một tư duy tích hợp trong bối cảnh quốc gia đang bước vào thời kỳ chuyển hóa mạnh mẽ. Nói cách khác, “Con đường tương lai” không nhất thiết là một bản thiết kế cho tương lai, mà có thể được nhìn nhận như một bản đồ suy tưởng, một hành trình tư duy qua nhiều vùng tri thức, với mục đích tối hậu là đánh thức tinh thần hành động, can đảm hình dung, và dám đặt câu hỏi về con đường đi tới của một dân tộc nhỏ nhưng đầy khát vọng lớn. Và ở mức độ này, cuốn sách có thể được xem như một văn bản gợi mở cho nghiên cứu tiếp theo - nơi những mảnh ghép của nó cần được phản biện, bổ sung, và hoàn thiện bởi những nhà nghiên cứu chuyên sâu hơn trong từng lĩnh vực cụ thể. Ở đó, tác giả Nguyễn Xuân Tuấn cũng đã hé lộ sẵn về một “Con đường tương lai” - tập 2 trước mắt.