Đánh thức tiềm năng văn hóa - du lịch Hòa Bình (2): Phát triển du lịch cộng đồng xứng với tiềm năng, thế mạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vẫn là những nếp nhà sàn truyền thống của người Mường, người Thái… nhưng nay được cải tạo khang trang, trở thành sinh kế giúp bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu thông qua mô hình du lịch cộng đồng. Đây được xem là hướng đi cho Hòa Bình trong việc phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Cùng với các điều kiện về vị trí địa lý, thổ nhưỡng, Hòa Bình còn là địa phương đa sắc tộc, trong đó mỗi dân tộc đều có một nét văn hóa đặc trưng, được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Đây là những yếu tố rất thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng.

Những điểm du lịch cộng đồng ngày càng phổ biến tại Hòa Bình, hấp dẫn du khách bởi cảnh quan, khí hậu cùng nét văn hóa đặc sắc

Những điểm du lịch cộng đồng ngày càng phổ biến tại Hòa Bình, hấp dẫn du khách bởi cảnh quan, khí hậu cùng nét văn hóa đặc sắc

Chiếm cảm tình du khách bằng sự nguyên bản, thân thiện

Cách Thủ đô Hà Nội 150km với khoảng 3 giờ đồng hồ di chuyển, xã Mai Hịch nổi lên như một địa điểm mới trên bản đồ du lịch cộng đồng của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. 17h chiều một ngày giữa tuần, chiếc xe ô tô chở 18 du khách Italy có mặt tại homestay Minh Thơ. Vừa bước xuống xe, Rafaele - 27 tuổi, thành viên đoàn du khách - bày tỏ thích thú trước cảnh quan nơi đây. “Thú thực khi tới Việt Nam, tôi đã rất “sốc” với giao thông ở Hà Nội. Nhưng chỉ sau vài tiếng di chuyển ô tô tới đây, tôi cảm thấy như lạc vào một thế giới khác, bởi sự hoang sơ, yên tĩnh và trong lành. Nhưng có một điểm chung, đó là dù ở nơi nào tại Việt Nam, tôi cũng cảm nhận được sự thân thiện, chào đón của người dân”, Rafaele chia sẻ.

Rafaele cho biết trước khi cùng bạn bè lên kế hoạch du lịch xuyên Việt 14 ngày đã tìm hiểu các địa danh qua internet, mạng xã hội. Ấn tượng trước khung cảnh nên thơ, hùng vĩ, văn hóa, ẩm thực và đặc biệt là sự nguyên sơ của Mai Hịch nên Rafaele cùng nhóm bạn đã chọn đây là điểm đến đầu tiên của hành trình và lưu trú qua đêm. Sau khi tham quan một vòng bằng xe đạp, đắm mình trong làn nước mát được dẫn từ suối tới bể bơi của homestay, nhóm của Rafaele hào hứng thưởng thức các món ăn độc đáo và những tiết mục biểu diễn văn nghệ dân gian của đồng bào Thái - dân tộc chiếm đa số tại xã Mai Hịch. Những buổi văn nghệ không chỉ có diễn viên, du khách mà đông đảo người dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng kéo tới cùng thưởng thức, tạo bầu không khí sinh hoạt cộng đồng ấm cúng. Dù chỉ lưu trú một ngày, song những trải nghiệm tại xã Mai Hịch gây ấn tượng tốt đẹp với đoàn du khách Italy.

“Cùng tham gia, cùng thụ hưởng”

Là người tiên phong làm mô hình homestay tại xã Mai Hịch từ năm 2012, anh Hà Công Minh - chủ homestay Minh Thơ - cho biết khoảng thời gian đầu chuyển vai từ một nông dân sang người làm du lịch, dịch vụ gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Thời điểm này, trên địa bàn đang triển khai dự án COHED (dự án nâng cao năng lực cho các hộ nông dân nghèo trong hoạt động giảm nghèo bền vững). Anh nằm trong nhóm đối tượng được thụ hưởng dự án, với những hỗ trợ rất thiết thực như được trang bị chăn, ga, gối, đệm cho

homestay, xe đạp làm dịch vụ cho du khách thuê… Ngoài sự ủng hộ, hỗ trợ pháp lý từ địa phương, anh Minh chủ động lên Hà Giang rồi sang các xã bạn cùng huyện Mai Châu học hỏi mô hình homestay đang được triển khai thành công, từ đó vận dụng sáng tạo với điều kiện của địa phương, gia đình mình.

Sau 11 năm, homestay Minh Thơ của anh mở rộng từ 1 thành 2 khu, mỗi tháng đón hàng trăm khách, đa số là khách nước ngoài, trong đó nhiều đoàn quy mô từ 15-30 người, trở thành điểm hút khách lớn nhất của xã Mai Hịch. Không chỉ hai vợ chồng mà các con của anh Minh cũng phụ giúp đắc lực trong việc tiếp nhận, phản hồi các thắc mắc, yêu cầu đặt phòng của du khách bốn phương thông qua e-mail, mạng xã hội. Bên cạnh đó, gia đình anh còn kết nối với các công ty du lịch để đón nhận khách theo đoàn, đồng thời chia sẻ lại lượng khách với các homestay khác cùng xã để giúp họ dần phát triển. Đến nay, toàn xã đã có 12 hộ làm du lịch cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho khoảng 100 người dân.

Cách Mai Hịch 40 km, xóm Chiến (xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc) cũng bắt đầu phát triển du lịch cộng đồng được khoảng 4 năm nay. Xóm có 3 hộ đầu tư vào mô hình này, các homestay nằm sát nhau, nhưng không có khái niệm cạnh tranh mà hoạt động trên tinh thần hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài chia sẻ lượng khách, các thành viên của homestay sẵn sàng sang giúp việc cho homestay khác, hoặc “thầu” các hạng mục như nấu ăn, dẫn khách đi tham quan, trải nghiệm nhờ kinh nghiệm sẵn có.

Chị Hà Thị Thậm - chủ homestay Hải Thạn - cho biết trước khi thực hiện dự án du lịch cộng đồng tại địa phương, các hộ dân của xóm Chiến đã họp và 100% đồng thuận cùng tham gia trên các cương vị khác nhau, người tổ chức nơi ăn ở cho du khách (mỗi homesstay đều phải ghi chép số lượng khách, cuối tháng trích % lợi nhuận nộp vào quỹ xóm theo quy ước), người làm hướng dẫn viên, hay vào nhóm văn nghệ… Những người còn lại góp sức bằng cách duy trì cảnh quan môi trường sạch sẽ, thân thiện. Nhà nhà, người người cùng tham gia, cùng quản lý, cùng thụ hưởng. Đây cũng chính là điểm độc đáo, ưu việt của mô hình du lịch cộng đồng.

Đồng bào Thái xã Mai Hịch (Mai Châu, Hòa Bình) cùng du khách tham gia một tiết mục văn nghệ tập thể vui nhộn

Đồng bào Thái xã Mai Hịch (Mai Châu, Hòa Bình) cùng du khách tham gia một tiết mục văn nghệ tập thể vui nhộn

Đa đạng hóa sản phẩm du lịch cộng đồng

Chỉ tính riêng huyện Mai Châu đã có 153 nhà nghỉ cộng đồng, cho thấy sự phát triển song cũng đặt ra bài toán chọn hướng đi cho mô hình du lịch này trong tương lai. Bởi với những địa phương mới triển khai, tính chuyên nghiệp cùng các hạ tầng thiết yếu đi kèm khó có thể so sánh với các địa phương đi trước cả thập kỷ. Và khi đặt lên bàn cân, du khách sẽ ưu tiên những địa phương có sẵn lợi thế. Vì vậy, bên cạnh thừa hưởng kinh nghiệm thì các “tân binh” du lịch cộng đồng của Hòa Bình cũng phải tìm tòi, sáng tạo để đủ sức hấp dẫn du khách.

Ông Vì Văn Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Mai Hịch cho biết, thế mạnh của địa phương là nét hoang sơ, nguyên vẹn từ cảnh quan tới nếp sinh hoạt của người dân bản địa, chưa bị “thương mại hóa” hay “bê tông hóa” như một số điểm du lịch cộng đồng khác. Đây là yếu tố giúp Mai Hịch ghi điểm trong mắt du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Địa phương còn nhiều tiềm năng đang chờ chủ trương khai thác, phục vụ phát triển kinh tế du lịch, điển hình như cụm hang động có quy mô lớn, giá trị thẩm mỹ cao.

Để thích nghi với xu hướng phát triển mới của du lịch tại địa phương, các hộ kinh doanh cũng thường xuyên cập nhật, đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ. Anh Hà Công Minh cho biết do lượng khách quốc tế đến lưu trú ngày một đông nên tại homestay Minh Thơ, từ chủ đến nhân viên đều phải tìm hiểu văn hóa, con người của nhiều quốc gia tiêu biểu để từ đó hiểu và đón tiếp khách quốc tế được chu đáo nhất. Trong phần biểu diễn văn nghệ, ngoài chủ đạo là các tiết mục mang bản sắc địa phương, các diễn viên trong đội văn nghệ của homestay Minh Thơ còn gây bất ngờ khi biểu diễn thuần thục các điệu nhảy quốc tế phổ biến và chủ động mời du khách nước ngoài cùng tham gia, tạo không khí vui tươi, gần gũi.

Anh Hà Công Thái (xã Mai Hịch, huyện Mai Châu) cho biết từ khi mô hình du lịch cộng đồng xuất hiện tại địa phương giúp nhiều hộ khá giả hơn, anh bàn với vợ vay vốn ngân hàng để mở homestay. Từ mái nhà sàn Thái truyền thống của gia đình, anh cải tạo khang trang thành nhà sinh hoạt cộng đồng đủ sức chứa 16 khách cùng lúc. Kinh nghiệm trong thời gian phụ việc cho các homestay khác cùng việc tham gia các khóa tập huấn do địa phương tổ chức giúp anh có thể tự vận hành homestay của gia đình.

Nắm bắt xu hướng khách là hộ gia đình, cặp đôi, có nhu cầu sinh hoạt riêng tư ngày một đông, anh Thái xây mới thêm 2 phòng nghỉ riêng biệt đủ tiện nghi cơ bản để phục vụ khách khi có nhu cầu. “Mình làm sau nên phải có điểm khác biệt với những người đi trước để thu hút du khách”, anh Thái chia sẻ và cho biết 2 khu phòng mới bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 7 vừa qua, với giá 800.000 đồng/phòng/ngày đêm, bên cạnh các suất ăn có giá niêm yết dao động từ 220.000 - 300.000 đồng/người.