Đánh tan “cục máu đông”

ANTĐ - Cần mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật. Trong tình hình hiện nay, nên đưa mục tiêu nào lên hàng đầu: Tăng trưởng hay ổn định kinh tế vĩ mô, hay song song thực hiện cả hai? Vấn đề an sinh xã hội, bức xúc xã hội xử lý như thế nào? Đó là phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mở đầu Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2012, triển vọng 2013, do Ủy ban Kinh tế, Viện Khoa học xã hội, Phòng Thương mại - Công nghiệp và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đồng tổ chức.

Sau 9 tháng của năm 2012, có thể nhận thấy sự cải thiện tích cực của nền kinh tế nước ta. Nhưng nhìn tổng thể, kinh tế vĩ mô năm 2012 sút kém rõ rệt so với năm 2011 và những năm trước đó. Theo Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, xét về xu hướng và căn cứ trên các con số  định lượng, có thể thấy nền kinh tế bắt đầu có những dấu hiệu được coi là khởi sắc, sau khi tốc độ tăng trưởng quý I rơi xuống mức thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại.

Trong quý II và III lạm phát giảm mạnh, tốc độ tăng trưởng GDP cao dần, dự trữ ngoại tệ tăng, nhập siêu thấp. Tuy vậy, việc nhập siêu giảm mạnh là một thực trạng đáng lo ngại chứng tỏ năng lực hấp thụ đầu vào của nền kinh tế suy giảm quá mạnh. Một tiến sĩ kinh tế nhận định, hàng tồn kho giống như nợ xấu, được coi là một “cục máu đông” rất nguy hại cho mạch máu lưu thông kinh tế.

Ôm một khối lượng lớn hàng tồn kho, doanh nghiệp không thu hồi được vốn, không thể trả nợ ngân hàng, từ đó nợ xấu gia tăng. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm rõ rệt chứng tỏ tồn kho lớn kéo dài là yếu tố chính làm suy yếu hệ thống doanh nghiệp, đẩy họ vào tình trạng phá sản hoặc đóng cửa. Ông Viện trưởng Kinh tế đặc biệt lưu ý rằng, với một nền kinh tế đang “ốm yếu” mà dư nợ tín dụng qua 8 tháng chỉ tăng 1,4%, thì rõ ràng là “cơ thể”  kinh tế không thể hấp thụ nổi vốn mặc dù đang rất “đói” vốn.

Hơn thế, hoạt động cho vay mới bắt đầu phục hồi từ tháng 7 và 8 nhưng rất yếu ớt. Ông đưa ra hình ảnh ví như quá trình “lưu thông máu” cho một cơ thể đang bị ốm yếu đã bị tắc nghẽn hầu như hoàn toàn suốt nửa năm. Một nền kinh tế rất cần vốn đầu tư mà bị cắt đứt khỏi dòng vốn thì thật sự là một nguy cơ đe dọa. Bởi thế, theo vị tiến sỹ này,  tình thế đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt, phải chuyển hướng cách nhìn, cách tư duy. Khi “sức khỏe” của nền kinh tế, cả khu vực doanh nghiệp nhà nước lẫn khu vực doanh nghiệp tư nhân đều bị suy giảm mạnh, thì nỗ lực kích cầu nhằm giải tỏa đống hàng tồn kho, từ đó vực dậy nền kinh tế thật sự là một thách thức lớn đặt ra cho Chính phủ.

Hầu hết các đại biểu tham gia diễn đàn đều nhất trí rằng, mặc dù kinh tế có dấu hiệu khởi sắc nhưng chưa vững chắc. Vì thế phải chuẩn bị ngay các điều kiện để cấu trúc lại nền kinh tế, đánh tan “cục máu đông” tạo bước ngoặt chuyển hướng trong cách nhìn, cách tư duy.