“Dài cổ” chờ cơ may

ANTĐ - Mỹ thuật về đề tài lịch sử đang tồn tại một nghịch lý. Trong khi lớp họa sỹ trải qua 2 cuộc trường chinh của dân tộc đang dần khuất núi thì những họa sỹ trẻ lại đang bỏ ngỏ một thể loại tranh lớn. Nhưng “lực bất tòng tâm”, bởi cho dù có tích cực sáng tác về đề tài này cũng không có đầu ra cho tác phẩm. 

Tác phẩm “Hà Nội chiến lũy và hoa” đã tiêu tốn của họa sỹ Nguyễn Doãn Sơn 2 năm làm việc cật lực

nhưng không có ai mua

Tranh lịch sử “kén” người

Họa sỹ Thang Trần Phềnh khi vẽ nhân vật lịch sử Hai Bà Trưng đã kể lại sự khó khăn và phức tạp khi động chạm đến thể loại tầm vóc như tranh lịch sử. Ông đã đi tìm các nhà nghiên cứu lịch sử để hỏi về chân dung, trang phục, quần áo. Những gì mang “tính ảnh” đời trước không lưu lại thì các sử gia đương thời cũng chịu vì không có tư liệu. Cuối cùng Trần Phềnh đành vẽ chân dung theo tưởng tượng. Các tài liệu còn ghi lại các chi tiết, miêu tả về gương mặt, phục trang của người Việt qua từng triều đại lịch sử không đầy đủ gây rất nhiều khó khăn cho các họa sỹ trong quá trình sáng tác. Thế nhưng, mỹ thuật là nghệ thuật của thị giác, hình ảnh luôn chân thực và sắc nét. Vì thế, vẽ và tưởng tượng về giai đoạn lịch sử đề cập đến không phải hiếm gặp trong quá trình lao động sáng tạo của các nghệ sỹ Việt Nam.   

Sự tưởng tượng ấy được dựa trên vốn sống, sự trải nghiệm và lòng tự hào cá nhân. Với lớp họa sỹ trải qua chiến tranh, đề tài lịch sử cách mạng đối với họ như một sự hối thúc từ trong sâu thẳm tâm hồn. Vẽ là để chia sẻ những cảm xúc và vì trách nhiệm với những người đã ngã xuống. Nhưng với họa sỹ trẻ, những người không biết đến chiến tranh, không có vốn sống phong phú, điều hấp dẫn họ đến với đề tài này chỉ đơn giản là lòng tự hào dân tộc. Hơn thế, vật liệu để sáng tác về đề tài mỹ thuật lịch sử đòi hỏi sự đầu tư tốn kém của các họa sỹ, và quy mô thường hoành tráng. 

Vẽ xong thì… đắp chiếu

Nhưng thật buồn, phần lớn các tác phẩm mỹ thuật về đề tài lịch sử hiện nay đều không tìm thấy đầu ra. Niềm trông chờ lớn nhất của các họa sỹ đặt cả vào việc tìm mua tranh của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng và Bảo tàng Lịch sử quân sự nhưng mỗi năm 3 đơn vị này chỉ sưu tầm nhỏ giọt và được giới hạn bởi nguồn kinh phí eo hẹp của Nhà nước. Các nhà sưu tập nước ngoài có tìm mua dòng tranh này nhưng họ thường tìm đến các tên tuổi, lão làng của làng Mỹ thuật, còn các họa sỹ trẻ thì “dài cổ” chờ đợi cơ may. Vì thế, “đứa con” ra đời không biết gửi gắm cho ai và nhờ ai “nuôi hộ” nên đành cứ để đấy. Và hệ lụy là, không có thị trường thì tranh gì cũng không sống được, không cứ tranh lịch sử. Dần dà, tại các cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc, khu vực, các tác phẩm mỹ thuật đề tài lịch sử đang dần vắng bóng. 

Hơn nữa, sáng tác mỹ thuật về đề tài lịch sử đang có xu hướng ngày một “phát tướng”. Trong khi kinh tế khó khăn thì tượng đài lịch sử không được thu nhỏ mà trái lại, to lớn về kích thước, nặng nề về thị giác được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng hiệu ứng nghệ thuật rất thấp. Ở lĩnh vực hội họa, gần đây có thể tìm thấy tác phẩm “Hà Nội chiến lũy và hoa” của họa sỹ Nguyễn Doãn Sơn, bức tranh có kích thước lớn nhất Việt Nam tái hiện lịch sử của Hà Nội từ năm 1946, “Hạ lý”, bức tranh sơn dầu lớn nhất năm 2011 của họa sỹ Mai Duy Minh tái hiện lịch sử Hải Phòng năm 1972. Đặc biệt, họa sỹ Nguyễn Doãn Sơn là một trường hợp đáng tiếc cho thành quả lao động của anh đã không được đền đáp công sức. Anh theo đuổi 2 năm để hoàn thành bức tranh “Hà Nội chiến lũy và hoa” nhưng sau khi trưng bày ở Văn Miếu đã không có đơn vị, tổ chức nào mua tác phẩm. 

Thực tế này của mỹ thuật Việt Nam đương đại không phải đến giờ mới nhắc đến. Nhiều năm trở lại đây, đã nhận được sự quan tâm của các cấp quản lý nhưng rồi sự đầu tư lại dàn trải và cào bằng. Chính vì thế, loại tranh này vẫn chưa thực sự hấp dẫn.