Cơn "say" gà của họa sĩ Thành Chương

ANTD.VN - Họa sĩ Thành Chương sẽ tung ra loạt tranh gà muôn hình vạn trạng với những cái tên cực kỳ hài hước như: Con gà cục tác lá chanh; Ok con gà đen; Người đẹp gà…

Tròn 60 năm bức tranh “Đôi gà tồ” đưa cậu bé Thành Chương khi ấy mới 7 tuổi trở thành “thần đồng hội họa”. Còn thời điểm này, ông sẽ ra mắt 60 bức tranh gà bột màu trên giấy với bút lực phong phú, lấy ý tứ trong dân gian, ký ức ngày đi sơ tán và cuộc sống hiện đại khiến giới trong nghề phải trầm trồ. 

Dấu ấn riêng

Vẽ tranh con giáp từ lâu đã trở thành nét đẹp của hội họa Việt Nam vào mỗi độ xuân sang, và Thành Chương cũng không là một ngoại lệ. Hàng năm, ông vẫn vẽ một vài bức về con vật mang linh hồn của năm theo cảm hứng riêng. Năm 2017, Thành Chương sẽ ra mắt loại tranh gà để đánh dấu mốc trong sự nghiệp sáng tác. Chuyện là, cách đây 60 năm (1957), lúc đó, cậu bé Thành Chương mới 7 tuổi đã tạo tiếng vang với tấm Huy chương Vàng cuộc thi tranh thiếu nhi quốc tế ở Anh với bức tranh “Đôi gà tồ”.

Bức tranh với nét vẽ hồn nhiên, miêu tả đôi gà tồ trong dáng vẻ đáng yêu, trong sáng và đầy sức sống đã thuyết phục hoàn toàn ban giám khảo. Giải thưởng nổi tiếng đến mức, Thành Chương đã có biệt hiệu rất riêng là “Chương gà tồ”, đồng thời ông đã được mệnh danh là “thần đồng hội họa Việt Nam” khi chưa bước chân chính thức vào trường học về năng khiếu mỹ thuật (năm 12 tuổi). 

Cũng từ đó đến nay, dù đã kinh qua nhiều đề tài khác nhau nhưng vẽ về gà luôn có một dấu ấn rất riêng trong các tác phẩm hội họa của Thành Chương. Lý do để ông ra mắt triển lãm cá nhân lần này thì có nhiều, bên cạnh dấu mốc 60 năm tác phẩm “Đôi gà tồ” đoạt Huy chương thì lời đề nghị của những người tổ chức Domino Art Fair nhằm tôn vinh một tác giả, tạo điểm nhấn cho toàn bộ sự kiện đã khiến Thành Chương có… hứng.

Cũng cần nói thêm rằng, đã ở tầm của Thành Chương, việc tạo dựng tên tuổi không còn quá quan trọng nhưng sở dĩ ông nhận lời bày loạt tranh tại sự kiện này còn bởi, đây là chương trình được tổ chức nhằm tạo dựng thị trường mỹ thuật Việt Nam một cách chuyên nghiệp. 

Vẽ như lên đồng

Bắt đầu tên tuổi với những con gà và giờ lại là gà, 60 năm đã trôi qua, Thành Chương sẽ một lần nữa cho giới mộ điệu thấy năng lực vô biên và tài năng thiên bẩm của “thần đồng hội họa” một thời. Chỉ trong 1 tháng, khoảng thời gian ngắn ngủi và bận liên miên với công việc chuyển nhà rồi làm giám tuyển cho một số triển lãm vào dịp cuối năm nhưng Thành Chương đã vẽ như lên đồng với gà và đến nay “cơn say gà” đã dừng lại ở 120 bức. 

Cái khó trong vẽ tranh con giáp là nếu không thay đổi bút pháp sẽ dẫn tới tẻ về nội dung và chán về hình thức. Thành Chương đã vận dụng ký ức về những ngày đi sơ tán, rồi ý tứ trong dân gian như: Con gà cục tác lá chanh; ok con gà đen; quáng gà; gà trống nuôi con và mở rộng ra là đưa đời sống con người vào loài gà… để triển khai trong tranh.

Gà của Thành Chương có lúc được ông nhân cách hóa thành một cô gái đẹp trong đường nét trong sáng, quyến rũ, tôn bờ cong gợi cảm, có lúc lại gợi khung cảnh miền núi mờ sương của những sáng mùa đông.

Dù hội họa không đủ sức diễn tả âm thanh nhưng xem tranh Thành Chương, công chúng còn nghe được văng vẳng tiếng gà gáy sáng ở miền quê xa. Rồi có khi, ông lại biến hình ảnh con gà thành cột điện cao thế đưa ánh sáng về miền núi và có lúc lại nhẹ nhàng, thênh thang lòng người với một chú gà con lim dim nằm trong lòng mẹ. 

Nghệ thuật không thể chờ hứng 

Mỗi bức tranh là một kỹ thuật vẽ, một cấu tứ khác nhau, không bức nào lặp lại bức nào. Và để làm được điều này, chỉ có các họa sĩ tài năng và thiên bẩm mới thực hiện được. Nếu không, chỉ 5-6 bức là một kiểu vẽ na ná lại được chỉ ra.

Với Thành Chương, khả năng này đã được bộc lộ từ những ngày ông còn đi học. Một bài tập vẽ thường được học sinh thực hiện từ 1-2 bức, người giỏi nhất làm được 6 bức đã là ghê thì Thành Chương thường làm 30-40 bức. Đến mức, các thầy cô giáo còn phải thốt lên: “Anh này làm tranh để dọa chúng tôi đây mà!”.  

Nhưng chuyện ít người biết, thời bao cấp, tranh của Thành Chương thường bị loại ngay từ vòng… gửi xe tại các cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc do quá… phá cách. Chính vì vậy, công việc của một họa sĩ vẽ tranh minh họa tại Báo Văn nghệ lại trở thành mảnh đất cho họa sĩ thể hiện phong cách vẽ. 

Nhà văn Kim Lân đã căn dạy con trai: “Con nên coi các bức vẽ minh họa như một tác phẩm thực thụ và việc công bố tác phẩm trên báo không khác nào một triển lãm tranh lưu động đến với người xem”.

Với suy nghĩ ấy và sự chỉ bảo của cha, Thành Chương đã thực sự coi mỗi bức minh họa là một tác phẩm hội họa, ông vẽ kỹ lưỡng và đều đặn. Có điều thời ấy, vẽ minh họa chỉ có 2 màu đen trắng và họa sĩ thường bị động khi được giao truyện ở tất cả các mảng của đời sống như y tế, giáo dục, thủy lợi, thủy sản…

Để vẽ được, buộc người vẽ phải lao tâm khổ tứ, lục tìm tư liệu, trau dồi kỹ năng. Làm việc trong môi trường như vậy lại trong một thời gian dài đã rèn luyện cho Thành Chương khả năng phản ứng nhanh và ứng xử thông minh, linh hoạt trong nghề. Cũng vì thế, khi bắt tay vào vẽ đề tài về gà, Thành Chương không vấp phải khó khăn như sự lặp lại chính mình mà thênh thang trong những ý tưởng sáng tạo mới mẻ. 

Nhưng xét cho cùng, vẽ về gà hay loạt tranh tự họa cũng chỉ là cái cớ để một họa sĩ thể hiện cái nhìn và tài năng. Qua loạt tranh này, ông muốn khẳng định, nghệ thuật không thể chờ hứng mới làm việc. Đây là công việc dài lâu và cần quá trình liên tục, không ngừng nghỉ. Cảm hứng sẽ được nhân lên cùng với sự cần mẫn, niềm cảm xúc mê man sẽ như chất xúc tác kéo người họa sĩ đi từ bức tranh này đến bức tranh khác.

Thành Chương có cảm giác ông sẽ không dừng lại ở 120 bức tranh về gà nếu thời gian diễn ra triển lãm không đến cận kề. Hơn 60 năm cầm bút vẽ, Thành Chương vẫn đầy khí thế với nội lực thâm hậu. Điều đó đã chứng tỏ sự bền bỉ, kiên trì và tình yêu nghề của ông.

Triển lãm tranh gà của họa sĩ Thành Chương sẽ khai mạc ngày 20-1 và kéo dài đến hết ngày 25-1 tại Hanoi Creative City, số 1 Lương Yên, Hà Nội.