Cơ sở để phục hồi

ANTĐ - Triển vọng kinh tế thế giới và kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2012 ra sao? Sáng dần lên hay vẫn tiếp tục một “gam màu xám”? Nền kinh tế Việt Nam là một “mảnh ghép” nhỏ nhưng không thể thiếu, làm nên toàn cảnh “bức tranh” kinh tế toàn cầu. Màu sắc của bức tranh này không thể không có tác động, ảnh hưởng tới kinh tế nước ta. Tại Hội thảo: “Cập nhật tình hình kinh tế toàn cầu và kinh tế vĩ mô Việt Nam” vừa diễn ra tại TP.HCM, phần lớn các chuyên gia đều có chung nhận định rằng, triển vọng kinh tế toàn cầu khá u ám và là thách thức lớn cho Việt Nam trong năm 2012.

Các dự báo đều thống nhất khẳng định, kinh tế toàn cầu trong năm tới, thậm chí còn tồi tệ hơn nhiều so với năm nay và ví năm 2012 là “đêm trước của khủng hoảng”. Đây không phải là một hình ảnh bóng bẩy mà là một viễn cảnh thực sự được dẫn chứng bởi những con số thực. Quỹ tiền tệ Quốc tế hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 4% cho năm 2011 và 2012, thấp hơn 0,3% so với dự báo hồi tháng 6-2011.

Quỹ này còn cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu nếu châu Âu không thể kéo nền kinh tế đi vào đúng quỹ đạo. Một số định chế tài chính quốc tế còn hạ mức tăng trưởng xuống thấp hơn chỉ còn 3% trong năm 2011 và 2,9% trong năm 2012, thậm chí tới mức 2,7%. Hai điểm “tối” nhất trên bản đồ kinh tế toàn cầu là sự sụt giảm của các “điểm nóng” như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc và sự bất ổn căng thẳng đến mức xảy ra nguy cơ suy thoái kép.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng có chung góc nhìn khi cho rằng, bức tranh kinh tế Việt Nam bước vào năm 2012 là xu hướng giảm tốc độ tăng trưởng, lạm phát cao, thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách nặng nề, đồng nội tệ yếu kém vẫn chưa có dấu hiệu được chặn lại một cách chắc chắn. Đặc biệt, dư địa chính sách để chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô bị thu hẹp đáng kể.

Chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ thẳng thắn khuyến cáo, kinh tế Việt Nam năm 2012 vẫn tồn tại nhiều thách thức, tăng trưởng sẽ chậm lại và lạm phát khó thoát khỏi hai con số. Tuy nhiên, đó là những thách thức ngắn hạn, còn các yếu tố trong trung hạn vẫn khả quan. Vị chuyên gia chỉ rõ: “Vấn đề tăng trưởng cơ bản của Việt Nam vẫn là tích cực. Trong thời gian tới, thách thức của Việt Nam là cân bằng được giữa tăng trưởng cao và kiểm soát lạm phát”.

Rõ ràng, bước sang năm 2012, như Quốc hội và Chính phủ đã khẳng định, đó là năm “Hành động” mạnh mẽ và quyết liệt. Khi nền kinh tế khó khăn thì khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và phục hội tăng trưởng là trật tự ưu tiên thông thường. Một năm đặc biệt khó khăn thì nền kinh tế phải tạo được bước ngoặt để xoay chuyển tình thế, tức là không để lạm phát “khứ hồi”, khôi phục lòng tin, hạ thấp mức lạm phát đủ để giúp các doanh nghiệp không tiếp tục bị phá sản. Năm 2012 còn là năm tái cấu trúc nền kinh tế với những chiến lược hành động để thay đổi tận gốc mô hình tăng trưởng.

Các chuyên gia trong và ngoài nước tại cuộc hội thảo cũng như trên các diễn đàn kinh tế đều nhất trí cho rằng, bước vào năm 2012, nước ta phải chấp nhận nền kinh tế “chịu đau”, chịu trả giá mới có thể xoay chuyển cơ bản tình hình, tạo lòng tin. Cơ sở để tăng trưởng năm 2012 còn khó khăn hơn năm nay, song vẫn hé ra cơ hội và cơ sở để phục hồi. Có cơ sở để phục hồi thì mới có cơ sở để tạo lòng tin.