Chiếc đồng hồ khắc tên Hồ Chủ tịch và nhịp đập trái tim người Chính ủy "cận vệ"

Kỳ 2: Luôn là người cận vệ của Đảng và Bác Hồ trong những giờ phút khó khăn nhất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Trong những năm tháng khó khăn, gian khổ cùng đồng chí, đồng đội thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của Trung ương giao phó là chuẩn bị cho công tác bảo vệ, gìn giữ lâu dài thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Ngọc Mậu luôn đeo chiếc đồng hồ ấy và trái tim ông luôn đập theo nhịp đập của Người…

Kỳ 1:Người Chính ủy cận vệ và kỷ vật vô cùng quý giá của Bác Hồ

“Khi được lệnh kéo pháo ra, đúng là được lời như cởi tấm lòng”. Phải tới nhân kỷ niệm 10 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1964), đồng chí Phạm Ngọc Mậu, Chính ủy Bộ Chỉ huy kéo pháo mới thực sự rút ruột gan nói những lời ấy với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về suy nghĩ của mình khi nhận được lệnh kéo pháo ra, chuẩn bị lại theo phương châm đánh chắc, tiến chắc.

Trong quá trình chỉ huy bộ đội kéo pháo vào chiến dịch, đồng chí cùng các đồng chí Lê Trọng Tấn, Đại đoàn trưởng 312, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy kéo pháo, Phạm Kiệt, Cục phó Cục bảo vệ đều nhận thấy pháo ta được bố trí ở các vị trí cực kỳ trống trải, nếu bị phản pháo sẽ không thể bảo đảm an toàn cho pháo và bộ đội được.

Nếu ra lệnh kéo pháo ra, chuẩn bị lại chiến dịch theo phương châm đánh chắc, tiến chắc là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì cùng với Bộ chỉ huy kéo pháo chỉ huy bộ đội kéo pháo bằng sức người ra, vào chiến dịch cũng là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của đồng chí Phạm Ngọc Mậu.

Quyết định thay đổi phương án tác chiến có tác động rất lớn tới tư tưởng của bộ đội và ông lại một lần nữa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người Chính ủy trong những giờ phút khó khăn ấy. Không có một mệnh lệnh nào, một nghị quyết nào có thể khiến những người chiến sỹ không quản ngại gian khổ, hy sinh kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra, tiến lên phía trước, giành chiến thắng. Chỉ có một mệnh lệnh từ trái tim người chiến sỹ tràn đầy niềm tin với Đảng, Bác Hồ và các đồng chí chỉ huy chiến dịch mới có thể làm nên kỳ tích ấy.

Với những thành tích xuất sắc tại chiến dịch Điện Biên Phủ, tại ngày liên hoan mừng chiến thắng, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi vào ngồi cùng bàn với Người, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Anh và các cố vấn Trung Quốc. Bác nói Đại đoàn 351 có công rất lớn nên được ngồi bàn đầu. Người cũng đã tặng ông chiếc đồng hồ có khắc tên Hồ Chí Minh bằng chữ Trung Quốc. Kỷ vật ấy đã theo ông đi suốt cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau đó…

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì liên hoan mừng công sau Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chính ủy Đại đoàn 351 Phạm Ngọc Mậu thứ ba, hàng thứ 1 từ phải sang.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì liên hoan mừng công sau Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chính ủy Đại đoàn 351 Phạm Ngọc Mậu thứ ba, hàng thứ 1 từ phải sang.

VÀ TRONG NHỮNG GIỜ PHÚT ĐAU THƯƠNG NHẤT CỦA CẢ DÂN TỘC…

Từ năm 1967 tới 1969, đồng chí Phạm Ngọc Mậu, lúc này là Thiếu tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được Trung ương phân công vào Ban Chỉ đạo công tác gìn giữ thi hài Bác Hồ. Đây là nhiệm vụ tuyệt mật và đặc biệt mà Bộ Chính trị đã giao cho Quân ủy Trung ương.

Cùng với các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương, Phùng Thế Tài, Trần Kinh Chi… ông đã chỉ đạo tuyển chọn cán bộ, bác sỹ ở các bệnh viện lớn như Việt Đức, Bạch Mai vào quân đội và cử đi Liên Xô học tập về bảo quản thi hài; đề xuất xây dựng củng cố khu Đá Chông làm nơi bảo quản và gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cùng với các đồng chí Phùng Thế Tài và Trần Kinh Chi, ông thường cùng làm việc với các chuyên gia Liên Xô về công tác bảo vệ và bảo quản thi hài Bác.

…Trong những năm tháng khó khăn, gian khổ cùng đồng chí, đồng đội thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của Trung ương giao phó là chuẩn bị cho công tác bảo vệ, gìn giữ lâu dài thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên tay của đồng chí Phạm Ngọc Mậu luôn đeo chiếc đồng hồ khắc tên của Người…

Nhưng, vì công việc vất vả, giai đoạn này ông mệt nặng và phải đi chữa bệnh nên không thể ở bên Người trong những giờ phút cuối cùng. Đó là những ngày đau đớn nhất của toàn dân tộc và của riêng ông. Người Chính ủy “cận vệ” của Bác nhưng lại không thể ở bên người trong những giờ phút đau thương nhất của toàn dân tộc ấy.

MỘT ĐỜI BẢO VỆ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ SỰ LÃNH ĐẠO TUYỆT ĐỐI CỦA ĐẢNG VỚI QUÂN ĐỘI…

Năm 1976, khi thảo luận về việc bỏ chế độ chính ủy trong quân đội, ông cùng nhiều cán bộ lão thành đã không tán thành và khẳng định chế độ chính ủy là phù hợp với quân đội ta cả về thực tiễn và lâu dài, đúng với đường lối cách mạng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự lãnh đạo của Đảng với quân đội. Bản thân ông và các đồng chí đồng đội đều đã thấy rõ, thực tiễn hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của chúng ta đã khẳng định vai trò không thể thay thế của chế độ chính ủy trong quân đội.

Bên thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi người từ trần. Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Phạm Ngọc Mậu đứng thứ hai từ phải qua. Đ/c Nguyễn Văn Linh, đứng thứ ba từ phải qua. Đ/c Hoàng Văn Thái đứng ngoài cùng bên phải.

Bên thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi người từ trần. Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Phạm Ngọc Mậu đứng thứ hai từ phải qua. Đ/c Nguyễn Văn Linh, đứng thứ ba từ phải qua. Đ/c Hoàng Văn Thái đứng ngoài cùng bên phải.

Sau 26 năm thực hiện chế độ một người chỉ huy, ngày 20 tháng 7 năm 2005, chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được khôi phục lại và khẳng định sự bền vững cho tới hôm nay. Nhưng tiếc thay, khi tâm huyết của ông và biết bao đồng đội đã được đền đáp thì ông và những đồng đội đã cùng sát cánh để bảo vệ chế độ Chính ủy, chính trị viên trong Quân đội đã qua đời.

“Chúng tôi, lớp cán bộ do các thủ trưởng dìu dắt… Chúng tôi luôn nhớ mãi hình ảnh cao đẹp của chính ủy Phạm Ngọc Mậu trong chiến dịch Điện Biên Phủ và luôn là người tiêu biểu cho sự vững vàng của quân đội trong những lúc khó khăn”. Đây là những dòng mà Trung tướng Chu Duy Kính, nguyên tư lệnh Quân khu Thủ đô, nay là Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã viết trong ngày tiễn biệt ông về với Bác Hồ và đồng đội.

Chiếc đồng hồ kỷ vật quý báu của Bác Hồ vẫn còn đây và được gia đình ông trang trọng lưu giữ và luôn rung động mãi cùng nhịp đập của những trái tim người lính – những trái tim luôn đập cùng nhịp đập với Tổ quốc, đồng đội và nhân dân./.