Có luật vẫn… lo

ANTĐ - Khi nói về các bộ luật được ban hành, người dân thường được nghe những câu đại loại như “luật là tấm lá chắn”, “luật là hành lang pháp lý” hoặc “là vũ khí sắc bén”… Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật An toàn thực phẩm chính thức có hiệu lực, được xã hội đón nhận cũng không nằm ngoài những ý nghĩa đó. Song các doanh nghiệp làm ăn trung thực và người tiêu dùng “yếu thế” vẫn tỏ ra lo ngại sẽ được bảo vệ ra sao.

Nhiều doanh nghiệp thừa nhận, cả hai luật trên đã bắt đầu có những điều chỉnh nhất định để phù hợp với thực tiễn. Đây là hai luật có “quan hệ” gắn bó khăng khít một cách hiếm có. Đưa hai luật vào cuộc sống sẽ giúp “sàng lọc” thị trường, người ngay, kẻ gian, loại bỏ dần những doanh nghiệp, cá nhân làm ăn chộp giật, vì người tiêu dùng sẽ “soi” vào luật để đối chiếu, đánh giá.

Cơ quan quản lý có thêm “vũ khí” trong tay để xử lý, xử phạt. Những quy định về nguyên phụ liệu thực phẩm nhập khẩu khá chặt chẽ, từ khai báo hàng nhập khẩu, công bố và cam kết đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm cho đến kho bãi, kiểm nghiệm y tế. Không ít doanh nghiệp sản xuất, chế biến quá nhếch nhác, bẩn thỉu, mất vệ sinh ngoài sức tưởng tượng. Nếu cả hai luật được thực thi nghiêm túc, giám sát, kiểm tra có hiệu quả, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ hết đường làm ăn bôi bác.

Đó chỉ là những “giả định” cho thì tương lai. Còn hiện tại, từ giới chuyên gia, doanh nghiệp đến người tiêu dùng đều “dự cảm” đầy lo ngại về các nguy cơ vẫn còn tiềm ẩn vì từ luật “trên giấy” đến luật trong thực tiễn thi hành vốn là “con đường” vừa xa vừa gian nan. Trong khi đó, các công cụ quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng về việc chấp hành vốn còn nhiều kẽ hở, nhất là trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cũng như bảo vệ người tiêu dùng. Tổng giám đốc một công ty chế biến thực phẩm có tiếng cho rằng, với nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thực phẩm qua kiểm tra nghiêm ngặt có thể phát hiện sai phạm. Vấn đề đặt ra là, hiện nay các cơ quan chức năng không đủ sức kiểm tra, kiểm soát hoặc không muốn làm mạnh tay vì thiếu người, thiết trang thiết bị.

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp vẫn sẵn sàng “chi đẹp” để hợp thức hóa các hành vi sai phạm, thậm chí còn vô hiệu hóa luật như mua giấy phép, núp danh người có đủ điều kiện nhập khẩu, thuê kho bãi… trên giấy. Cuối cùng nỗi lo hầu như vẫn còn nguyên đó: hàng hóa đưa đến tay, đến miệng người tiêu dùng, chủ yếu trông chờ vào trách nhiệm và lương tâm của chính các doanh nghiệp, điều này lại nằm hoàn toàn ngoài vòng pháp luật. Có một thực tế không thể phủ nhận là tình trạng kiểm tra, kiểm soát theo kiểu “nắm kẻ có tóc”. Tức là những công ty có “máu mặt” thường xuyên bị cơ quan thú y, bảo vệ an toàn thực phẩm “sờ gáy”, còn hàng trăm nghìn cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ, lẻ cũng như vô vàn nhà hàng, cửa hiệu ngoài đường, ngoài chợ hầu như nằm ngoài tầm kiểm soát.

Bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thị trường nội địa đã khó, chưa nói tới hàng hóa nước ngoài nhập vào bằng mọi đường, mọi cách. Để cả hai luật thực thi hiệu quả, công tác giám sát phải rất hiệu quả và không thể thiếu vắng sự tham gia của chính người dân, các tổ chức xã hội. Rốt cuộc, người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình bằng kiến thức, thông tin đáng tin cậy.