Có hay không việc "loạn" Truyện Kiều?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại buổi tọa đàm "Kiều trong cuộc sống hôm nay" do MaiHaBooks tổ chức, các diễn giả đã đề cấp tới việc "loạn" Truyện Kiều trong bối cảnh các ấn phẩm được xuất bản rộng rãi và dễ dàng. 

GS.TS Trần Đình Sử cho biết, gần đây, chúng ta sưu tầm được nhiều bản Nôm và người ta đã phiên âm và so sánh với các bản dịch trước đây, đặc biệt là bản dịch của học giả Đào Duy Anh thì thấy có nhiều câu, nhiều từ khác và lạ. Do đó, người ta có tham vọng đưa các câu chữ mới, ghép lại thành một bản dịch Kiểu cổ nhất. Tuy nhiên, mỗi người làm lại có một cách khác nhau nên chúng ta có nhiều dị bản mới về Truyện Kiều. Và để nói, bản Truyện Kiều nào đáng tin cậy hơn bản nào thì không ai dám chắc và chứng minh. Chính vì thế, nó tạo nên việc loạn các bản dịch Truyện Kiều.

"Cũng phải nói cho đúng là, việc phiên âm các bản dịch Truyện Kiều đó là có dụng ý tốt, và cũng làm cho người ta tìm lại những cái cổ, những từ cổ mà bây giờ không còn dùng nữa.

Để làm rõ hơn việc này, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, Viện Văn học cho rằng, có nhiều người tự cho mình mới là đúng, mới là chuẩn, không kế thừa các văn bản trước đó để nghiên cứu. Ngay cả phương pháp văn bản học thế nào cũng không nắm được. Chính vì thế, họ cố gắng đi khai thác và tìm kiếm các từ ngữ mới. Có người cứ muốn khác Đào Duy Anh và họ mới là đúng.

Buổi tọa đàm "Kiều trong cuộc sống hôm nay"

Buổi tọa đàm "Kiều trong cuộc sống hôm nay"

"Một nhà nghiên cứu đã tính rằng, các phiên bản Truyện Kiều về căn bản là giống nhau, chỉ có 0,6% khác nhau. Như vậy, số lượng khác nhau cực thấp. Có văn bản thêm câu, có văn bản thêm từ. Tuy nhiên, có người cứ căn cứ vào các bản Nôm để cho rằng, văn bản họ dịch mới đúng. Về loạn Truyện Kiều, chúng ta cần thống nhất, đến văn bản của Đào Duy Anh (1951) là tốt và đây là một bản dịch vẫn đang được sử dụng rộng rãi", PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn nói.

Về nguồn gốc của Truyện Kiều, 2 diễn giả đều khẳng định, Truyện Kiều được Nguyễn Du sáng tác dựa trên tiểu thuyết "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân. Điều này không phải bàn cãi và đã được chứng minh. Nhưng tại sao đến thời điểm này, vẫn có người cho rằng, Truyện Kiều là một ấn phẩm thuần Việt. GS Trần Đình Sử chỉ cười và cho biết "Vì những người này quá đề cao tinh thần dân tộc mà không màng tới các dữ liệu lịch sử".

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết thêm, vào năm 1942, 11 họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã cùng tham gia minh họa Truyện Kiều từ bản dịch của học giả Đào Duy Anh. Với những tên tuổi như: Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Tỵ.... đã tạo nên các bản vẽ giàu tính dân tộc về Truyền Kiều.

Cũng theo họa sĩ Lê Thiết Cương, việc minh họa Truyện Kiều có một chi tiết cần đặc biệt lưu ý. Các họa sĩ hay vẽ cô Kiều cầm cây đàn tì bà của Trung Quốc. Còn trong truyện, Nguyễn Du lại miêu tả cô cầm cây đàn nguyệt của Việt Nam. Thậm chí, có họa sĩ còn vẽ cô Kiều mặc kimono và họa sĩ cho rằng, "sự sáng tạo đó đã đi quá giới hạn".

Một ấn phẩm Truyện Kiều

Một ấn phẩm Truyện Kiều

Tại buổi tọa đàm, 3 diễn giả đều thống nhất và khẳng định rằng, Truyện Kiều sẽ tiếp tục là cảm hứng và đề tài nghiên cứu cho các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu với nhiều hoạt động và cách tiếp cận sâu hơn. Nhiều luận án Tiến sĩ khoa học đã so sánh Truyện Kiều với nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng khác ở các nước như Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản... để thấy, tác phẩm văn học nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du sẽ còn trường tồn cùng thời gian.