Nhà văn Võ Thị Xuân Hà:

“Chộp bắt” những khoảnh khắc đẹp

ANTĐ - Lâu nay bạn đọc vẫn gắn cái tên Võ Thị Xuân Hà với văn xuôi, thế nhưng gần đây, trong một số buổi gặp gỡ bạn văn quy mô nhỏ bỗng thấy chị đọc thơ, mà lại là thơ “chính chủ”. Tưởng rằng nhà văn nữ thành danh đang chuyển qua một giai đoạn sáng tác mới nhưng chị bảo, chỉ làm thơ để phục vụ cho các truyện ngắn, tiểu thuyết của mình.

“Ngã” vào nàng thơ

Chưa ai nghe nói Võ Thị Xuân Hà đã từng làm thơ. Trong một buổi gặp mặt các bạn thơ tại nhà chị, khi mọi người đã lần lượt đọc thơ quay vòng xong, dù tự nhận mình là dân văn xuôi nhưng chị vẫn bị nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đề nghị “chốt hạ” với tư cách chủ nhà. Mọi người yêu cầu chị đọc lại “Đồng dao lửa” - bài thơ hiếm hoi của chị bị “rò rỉ” ra ngoài, không ngờ chị gật đầu nhưng đề nghị đọc một bài thơ khác. Bài thơ này thú vị ở chỗ được rút từ chính… cuốn tiểu thuyết của chị. “Người đàn ông tôi yêu/Có thể chưa sinh ra trên đời/Có thể là đã chết…”. Khi bị chất vấn làm thơ mà giấu, chị phân trần, chỉ làm thơ để… phục vụ cho văn.

Số lượng những tác phẩm văn xuôi có sử dụng thơ của Võ Thị Xuân Hà không phải là ít. Thế nên chẳng có gì lạ nếu đến một ngày, chỉ riêng những bài thơ rút từ văn xuôi của chị sẽ đủ làm nên… một tập thơ. Có điều gì đó Võ Thị Xuân Hà chưa “hài lòng” với thơ thì đó là chị tự nhận mình đọc thơ không “phê” bằng các nhà thơ, vì thế mà những bài thơ được chị đọc chưa đạt tới đỉnh. Chị luôn miệng khen các nhà thơ sao đọc thơ tài thế, còn mình không thể đọc cho hay được. Tuy thế thì việc đặt bút làm thơ, dù là làm thơ để phục vụ cho văn xuôi, mà những bài thơ ấy vẫn có sức sống độc lập thì cũng có nghĩa là chị đã… bước một chân vào làng thơ.

Cũng có người đùa rằng, với cương vị Trưởng ban Nhà văn Trẻ, hàng năm Võ Thị Xuân Hà đều phải lo lắng quán xuyến cho Sân thơ Trẻ trong Ngày thơ Việt Nam, luôn luôn phải theo dõi lực lượng sáng tác trẻ mà trong đó đội ngũ những người làm thơ dường như chiếm áp đảo, vì thế nếu có bị phong trào lôi kéo mà “sảy chân” ngã vào “nàng” thơ trong giây phút thì đó cũng là lẽ thường tình.

Tuy nhiên, nếu ai biết và từng “tụ tập giao lưu” với thời Khóa 4 trường Viết văn Nguyễn Du (1989-1992) thì không lạ, vì Võ Thị Xuân Hà khi thi vào trường đã nộp cả văn xuôi và thơ. Khi dự thi phần năng khiếu, đến phút cuối, chị đã quyết định chọn văn xuôi và chung thủy với nó cho đến nay.


“Tứ” đến bất ngờ

Võ Thị Xuân Hà cũng là nhà văn bắt nhịp đời sống và “xử lý” khá nhanh. Nhiều đồng nghiệp của chị đã được chứng kiến điều này. Dịp cuối năm 2011, ngày cuối của Hội nghị viết văn trẻ, theo chương trình, sau khi tham quan một số di tích trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu sẽ dự tiệc tại hồ Núi Cốc. Thế là tranh thủ khoảng thời gian chờ đợi, các đại biểu tùy nghi di tản. Kẻ đi “mát xa” chân, kẻ đi dạo, người đi xe điện… Riêng đoàn TP Hồ Chí Minh thì thiết kế “tour” tham quan hồ Núi Cốc bằng thuyền đầy lãng mạn mà Võ Thị Xuân Hà cũng tham gia. Thế nhưng tàu vừa rời bến chưa được bao lâu thì mưa giông sấm chớp nổi đùng đùng. Sóng to khiến tàu chòng chành. Ai nấy lôi áo phao ra mặc đỏ rộm cả khoang tàu. Một số người có vẻ lo xa vì hôm ấy đúng “ngày khủng bố” 11- 9. Võ Thị Xuân Hà cũng mặc một chiếc nhưng là… để tạo dáng chụp ảnh. Đến khi “tai qua nạn khỏi” Võ Thị Xuân Hà mới cười tươi như hoa bảo các cây viết trẻ: “Mệnh chị cao lắm!”.

Tưởng chuyện qua rồi thôi, ai ngờ chuyến đi vừa kết thúc mấy ngày đã thấy chị in truyện ngắn “Dưới nước”. Thực ra truyện ngắn đậm yếu tố kỳ ảo, hư hư, thực thực này được chị thai nghén từ trước đó nhưng chưa triển khai, gặp được tứ truyện vậy là ngay khi về nhà, chị thức đến 3 giờ sáng viết một mạch ngon lành.

Nhiều truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà ra đời rất tình cờ. Chẳng hạn truyện ngắn “Chiều tà” chị viết từ những chuyến đi thực tế chụp ảnh hoa đào ven sông Hồng vào một vài dịp trước tết, và trong một khoảnh khắc đứng trên cầu Long Biên chị bỗng nảy ra tứ câu chuyện. Truyện ngắn “Gió thổi” lại như thể trời cho. Cuối năm ấy, đã trót nhận lời viết truyện cho một tờ báo số tết, đến hạn phải nộp chị mới bảo ông xã, “tối nay thế nào cũng phải viết xong truyện ngắn để trả nợ”, nói thế nhưng ăn cơm xong lại buồn ngủ, thế là lăn ra ngủ, bỏ cả viết. Đến tầm nửa đêm mới mò dậy ngồi vào bàn, và cứ thế mạch văn tuôn ào ạt. Viết thì nhanh thế, ưng ý thế nhưng mấy báo đều… ngại in. Cuối cùng nó được in ở Tiền phong, bị cắt và đổi tên thành “Gió về”. (Sau được báo Nhân dân in lại nguyên vẹn). Hiện truyện ngắn này đã được dịch giả Chúc Ngưỡng Tu dịch ra tiếng Trung. Cùng với đó, truyện ngắn “Thế giới tối đen”, “Không khóc ở Seoul” và một vài truyện ngắn khác của chị cũng đã và đang được dịch để giới thiệu tại Trung Quốc.

Mỗi nhà văn một tạng viết, một cách làm việc, có người viết khó khăn, có người viết dễ dàng, có người từ lúc thai nghén đến khi tác phẩm ra đời rất nhanh, có người lại vật vã mãi, còn với Võ Thị Xuân Hà, chỉ cần một khoảnh khắc đẹp lướt qua mà chị nắm bắt được, rất có thể sẽ lại có một truyện ngắn ra đời.