Chống rửa tiền: Càng khó nếu chưa hiểu rõ!

ANTĐ - Trong cuộc thảo luận chiều 22-5 xung quanh dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền, nhiều đại biểu cho rằng, phải liệt kê để có thể nhận dạng được hành vi rửa tiền vì theo luật, rửa tiền chủ yếu thông qua hoạt động Ngân hàng, nhưng thực tế có thể được thực hiện qua nhiều "kênh".
Chiều 22-5, dưới sự điều khiển của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã tiếp tục phiên làm việc với dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền. Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội đã trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền.
Theo ông Giàu, đến ngày 19/3/2012, Ủy ban Kinh tế đã nhận được 49 văn bản của các Đoàn đại biểu Quốc hội và 5 văn bản của đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến về dự án Luật.

Nhìn chung, các ý kiến tán thành với nhiều nội dung cơ bản của dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến thảo luận đề nghị sửa đổi, bổ sung thêm một số quy định của Luật.  Theo đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. HCM) trong Luật phải liệt kê để có thể nhận dạng được hành vi rửa tiền vì theo luật, rửa tiền chủ yếu thông qua hoạt động Ngân hàng, nhưng thực tế qua nhiều kênh chứng khoán, nhà hàng, đầu tư… Chính vì vậy, phải thiết kế lại nhiều nội dung thì mới phù hợp. Cùng luồng ý kiến này, đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) cũng cho rằng, trong thực tiễn, hành vi rửa tiền có thể được thực hiện qua nhiều hình thức, từ bất động sản như nhà cửa đến động sản như xe cộ, máy móc…, cũng như các hoạt động kinh doanh hợp pháp như nhà hàng, khách sạn, quán bar… nên chống rửa tiền sẽ khó nếu chưa hiểu rõ các "kênh" rửa tiền.
Chống rửa tiền: Càng khó nếu chưa hiểu rõ! ảnh 1
Ảnh minh họa
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) kiến nghị: cần quy định và bổ sung thêm vào dự án Luật điều khoản về minh bạch tài sản, tránh việc lợi dụng chia tài sản cho con cái, người thân bằng tiền tham nhũng, bất chính. Hiện nay, người tham nhũng có thể đem chia tài sản cho con cái sau đó những người này lại lập doanh nghiệp và giàu lên bất hợp pháp, nhưng luật không có cơ chế kiểm soát vấn đề này, vì vậy, ông Thuyền đề nghị bổ sung cấm lợi dụng chức vụ quyền hạn để thành lập các doanh nghiệp để rửa tiền.
Bên cạnh ý kiến của đại biểu đến từ tỉnh Lâm Đồng, nhiều đại biểu đề nghị đổi tên gọi của Luật này thành “Luật phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố” và bổ sung nội dung “tài trợ khủng bố” vào phạm vi điều chỉnh. Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến đề nghị không đưa nội dung “tài trợ khủng bố” vào Luật này mà nên quy định trong một luật riêng vì hoạt động khủng bố là hoạt động phức tạp, khó xác định rõ ràng và liên quan đến an ninh quốc gia. 

Trước luồng ý kiến trái chiều này, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định cần đưa thêm "tài trợ khủng bố" vào dự thảo luật. Cũng theo ông Cao Sỹ Kiêm, rất cần sự phối hợp của hai ngành ngân hàng và công an, ngân hàng chịu trách nhiệm về tội phạm rửa tiền và ngành công an chịu trách nhiệm về khủng bố, tội phạm.

Bên cạnh những ý kiến trên, có một số ý kiến đề nghị quy định bổ sung đối tượng: tổ chức, cá nhân nước ngoài tuy không thường trú tại Việt Nam nhưng có tham gia hoạt động giao dịch tài chính, tài sản để thực hiện hành vi rửa tiền trong lãnh thổ Việt Nam; tổ chức, cá nhân không thuộc nhóm tổ chức, cá nhân hoạt động tài chính hoặc kinh doanh ngành nghề phi tài chính nhưng có liên qua đến tài chính trực tiếp tham gia giao dịch tài chính, giao dịch tài sản để thực hiện hành vi rửa tiền.

Sau phiên thảo luận này, Quốc hội sẽ xem xét biểu quyết thông qua Luật phòng, chống rửa tiền vào ngày 18-6-2012.