“Anh dẫn em đi chơi chợ hoa xuân
Người hàng phố tấm tắc khen em đẹp
Họ ghen với anh, một cái ghen có thật
Ai bảo xuân về tô thắm làn môi”.
Âm thanh phố cổ
Chợ hoa xuân phố cổ chẳng biết có từ bao giờ, nhưng người Hà Nội thì xuân năm nào cũng ngỡ như chợ vừa mới có. Mới là bởi cảnh sắc của hoa, mới là bởi những âm thanh ríu rít nghe như vừa thoáng đâu đây, mới là bởi mùa xuân đã tưng bừng. Chợ họp quãng từ ông Công, ông Táo, nhưng từ nửa cuối tháng Chạp đã thấy phố Hàng Lược nhộn nhịp lắm rồi. Tiếng còi xe, tiếng nói cười như làm chật cả con phố. Tất bật mà thấy vui, chật hẹp mà thấy lòng rộng mở.
Chợ hoa Tết Hàng Lược những năm 1990 |
Hàng Lược xưa vốn nằm trên địa phận thôn Phủ Từ và thôn Vĩnh Trù, tổng Hậu Phúc, huyện Thọ Xương, phía Đông thành Hà Nội. Từ thời Lê cho đến thời Nguyễn, nơi đây tập trung nhiều nhà sản xuất và buôn bán các loại lược gỗ, lược sừng, lược ngà, do đó mà hình thành tên phố.
Phố Hàng Lược dài 264m, bắt đầu từ gầm cầu đường dẫn xe lửa Long Biên - ga Hàng Cỏ. Phố chạy xuôi từ Hàng Cót đến Hàng Mã, qua các ngã ba Hàng Khoai, Hàng Rươi, rồi đến Chả Cá. Từ nhà tôi đến phố Hàng Lược chỉ mấy bước chân, nói thế là vì nếu có việc ở đó thì tôi hay đi bộ. Có hôm mới đến đầu phố đã thấy rầm rập, xình xịch trên đầu. Ngẩng mặt nhìn lên, xe lửa Hải Phòng - Hà Nội đang đổ dốc về ga, tiếng bánh xe nghiến trên ray ken két. Những người dân phố Hàng Lược đã quá quen với những âm thanh này, người ta nói đó là “âm thanh phố cổ”.
Trên phố Hàng Lược hiện nay vẫn còn di tích đình - đền Phủ Từ ở số nhà 19 và đình - đền - chùa Vĩnh Trù ở số nhà 59, bên trong đều có thờ “Tứ vị Hồng Nương”. Tôi đã nhiều lần tới thăm những đình - đền - chùa ấy và đó là dấu tích chứng minh về một dãy phố từng đầy ắp dấu ấn của một Thăng Long vừa nhân văn, vừa kẻ chợ. Cũng phải nói thêm rằng, trên phố Hàng Lược còn có một nhà thờ Hồi giáo ở số nhà 12. Kể cũng lạ, nhưng tìm hiểu kỹ thì thuở xưa sông Tô Lịch thông với sông Hồng ở đoạn phố Chợ Gạo bây giờ.
Sau đó dòng nước ngược về hướng Tây, qua Ngõ Gạch tới phố Hàng Cá thì quặt lên phía Tây Bắc đến sát chân thành Hà Nội làm thành một con hào bảo vệ. Hồi đó người dân bên phố Hàng Đồng muốn sang chợ Cầu Đông phải đi qua một chiếc cầu tre. Về sau khúc sông này bị lấp, cầu được thay thế bằng một chiếc cống lớn được gọi là Cống Chéo - Hàng Lược.
Phố Hàng Lược chạy dọc theo khúc sông Tô Lịch cũ ở phía Đông thành Hà Nội, vì thế mà chính quyền thời Pháp thuộc đổi tên là Rue de Rivière To Lich (phố Sông Tô Lịch). Quá trình phát triển của đô thị nên nhiều cửa hiệu bán lược chuyển sang kinh doanh dịch vụ hiếu hỷ. Từ năm 1945, cái tên Hàng Lược lại được Thị trưởng Trần Văn Lai trả về cho phố.
Chợ hoa Hàng Lược thời xưa |
Từ Hàng Lược muốn tới chợ Đồng Xuân chỉ cần rảo mấy bước chân qua phố Hàng Khoai. Những năm 90 của thế kỷ 20, khi phố Hàng Lược mở chợ hoa xuân thì người dân sau khi thả bộ ngằm cảnh hồ Gươm xong chỉ việc nhảy xe điện Bờ Hồ đến chợ Đồng Xuân thì xuống là tới chợ hoa. Lại có người từ trên Bưởi gồng gồng, gánh gánh, tay cầm, tay bưng khi thì cành đào, khi thì thúng hoa tươi xuôi về đây. Cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp sau khi chiếm Hà Nội đã cho lấp đoạn đầu sông Tô Lịch và phá thành cổ để xây khu phố Tây, đồng thời mở rộng các con phố ta ở quanh thành cổ, trong đó có phố Hàng Lược.
Màu sắc Thăng Long
Tôi nhẩn nha bước, tầm này chợ hoa xuân Hàng Lược vẫn chưa nhộn nhịp nghĩa là đường phố chưa bị cấm lưu thông xe cộ. Đến ngày chợ hoa chính thức khai cuộc thì mọi phương tiện đều phải đi vòng qua phố khác, muốn vào chơi thì phải gửi xe, đi bộ. Từ năm 1912 đến nay (trừ những năm 1947 - 1948 khu phố bị tàn phá do quân Pháp tái xâm lược Hà Nội) phố Hàng Lược trở thành địa điểm họp chợ hoa Tết hàng năm của Hà thành. Như vậy tính tới nay thì chợ hoa Hàng Lược đã có tuổi đời trên 100 năm. Người Hà Nội rất hay và tinh tế, chợ họp ở phố nào (dù không thường xuyên) thì cứ theo tên phố mà gọi, vừa dễ nhớ, vừa dễ nhận, lại vừa đỡ phải giải thích.
Do tiếng tăm lan rộng nên chợ hoa xuân Hàng Lược đã từ lâu được mở rộng sang các phố lân cận như Hàng Chai, Hàng Rươi, Hàng Mã, Hàng Đồng. Thành ra bây giờ muốn đi chơi, muốn xem hoa thì du khách phải đi thêm mấy phố nữa. Cái hay là chợ hoa được rộng dài thêm, hoa cũng nhiều lên tha hồ lựa chọn, tha hồ mua bán. Không như các chợ hoa truyền thống khác ở đất Hà thành, chợ hoa xuân phố cổ Hàng Lược phải đến ngày giáp Tết (chừng 23 tháng Chạp) mới nhộn nhịp. Dân phố mua hoa về bán, dân các làng hoa đem hoa tới bán, do vậy ngoài việc kinh doanh thường nhật ra thì vào những ngày cuối năm, trên phố Hàng Lược hoa tươi các loại, đào cây, đào cành mới ồ ạt xuống phố. Tôi đi chợ hoa Hàng Lược chủ yếu chỉ để ngắm hoa, ngắm người. Sở dĩ tôi ít khi mua vì lẽ, việc chọn hoa, chọn đào làm sao bằng các bà được. Lớ ngớ vác cành đào, chậu hoa về đã không được khen mà đôi khi lại phải bù lỗ hoặc… bị mắng. Thêm nữa và… thêm nữa...
Chợ hoa Hàng Lược thu hút rất đông người đến chơi, đến xem và mua hoa |
Chợ hoa Hàng Lược thu hút rất đông người đến chơi, đến xem và mua hoa. Thấp thoáng trong dòng người là những ông Tây, bà Tây cũng hớn hở nói cười, hớn hở giơ máy ảnh lên bấm toanh toách. Nhưng đông nhất vẫn là những nam thanh nữ tú, những cặp đôi, những nhóm chị em làm ríu rít cả đoạn phố. Chốc chốc mấy cô cậu lại kéo tay nhau dừng lại hồn nhiên tạo dáng làm dăm kiểu ảnh về khoe chúng bạn.
Hiện nay muốn xem hoa, mua hoa, mua cành đào về chơi Tết đã có rất nhiều nơi, nếu kén chọn thì có thể vào tận vườn. Nhưng với người Hà Nội, khi gió xuân hây hẩy thổi lại thấy trong tâm tưởng rộn ràng, thấy không thể quên được chợ hoa Hàng Lược. Bởi lẽ, đến với chợ hoa xuân phố cổ không những xem hoa mà còn để ngắm lẫn nhau. Qua đó mới thấy hết được Tết năm nay so với Tết mọi năm có gì khác biệt, có gì tươi mới và mới thấy cuộc sống đang hàng ngày đi lên.
“Mình dắt tay nhau đi, là lạ, quen quen
Quen với phố, lạ với màu xuân sắc
Mùa cứ thế, biết rằng đúng hẹn
Sao mình vẫn chờ vẫn háo hức chơi xuân”