Chạm vào tầng sâu cảm xúc

ANTĐ - Trước khi theo đuổi sự nghiệp cầm máy, thời sinh viên, NSNA Lại Diễn Đàm có thời gian dài  miệt mài với cây đàn violon. Cũng mất ba năm, ông theo học tại trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Có lẽ, tố chất và khuynh hướng tìm tòi đã  giúp ông sáng tạo nên những tác phẩm đầy sức sống.

“Thiếu nữ bên hồ”

Với tình yêu Hà Nội 

Sinh ra ở Hải Hậu, Nam Định nhưng có hàng chục năm sinh sống ở đất Hà thành, cảnh đẹp, con người Thủ đô là một trong những nguồn cảm hứng lớn trong sự nghiệp của nhiếp ảnh gia Lại Diễn Đàm. Hà Nội mang nét đẹp trầm mặc cổ kính mà hiếm thành phố nào có được. Nhưng chính lẽ đó, những Hồ Gươm, Chùa Một Cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… lại trở thành đề tài quá đỗi quen thuộc trong các tác phẩm nghệ thuật, mà nếu không khai thác những ý tưởng mới người nghệ sỹ sẽ lặp lại người khác. Bởi vậy, ông ấp ủ chụp một bức “Tứ bình Hồ Gươm” - vẫn là tháp Rùa, vẫn là mặt nước yên ả ấy, nhưng người xem có thể thấy được sự vận động qua bốn mùa. Tác phẩm đã được hoàn thành sau hai năm, kết quả của việc ngày nào cũng đứng bên hồ, “rình” cho được khoảnh khắc đẹp để bấm máy. Đó là hình ảnh nhánh hoa đâm chồi ở mùa xuân, là hoa phượng đỏ rực mùa hè, là lộc vừng nở hoa khi thu đến và chỉ còn những nhánh cây khô khi đông về. Ông chia sẻ, có khi phải chầu chực để bắt được khoảnh khắc lá còn non, hoa có màu đỏ phơn phớt vì chỉ ít ngày sau nó đã chuyển màu. 

Yêu Hà Nội đến thế, bất cứ đi đâu, ông cũng mang theo chiếc máy ảnh bên mình. Cái cảm giác đi lang thang phố cổ trời mưa, ngắm nhìn dòng người xuôi ngược thật thú vị. Ông hồ hởi khoe, mới đây khi bắt gặp cảnh cụ già ngồi ung dung đọc báo trên bậc thềm, cùng lúc một người trẻ tuổi hớt hải dắt chiếc xe đạp chạy đi giữa trời mưa giăng… con mắt sành sỏi của một nhiếp ảnh gia lão thành không bỏ sót một cảnh nào, và chính nhờ sự quan sát tài tình ấy, ông cho ra đời được những tác phẩm xuất sắc. 

Chạm vào tầng sâu cảm xúc ảnh 2
“Tình mẫu tử”. Ảnh: LẠI DIỄN ĐÀM

Sự đam mê và lòng kiên nhẫn

Một trong những kỷ niệm ông nhớ nhất là khi chụp bức ảnh “Xe đạp thồ”. Hôm ấy, ông gặp một người đàn ông chở rất nhiều đơm cá đi bán. Suốt chặng đường từ Hưng Yên lên Sao Đỏ, Hải Dương, ông liên tục đuổi theo đón đường, cho đến khi tìm ra được góc đẹp để chụp mới thôi. Ông thường khai thác những nét sinh hoạt giản dị, đời thường nhưng khiến người xem đồng cảm và thích thú bởi nó chạm được vào tầng sâu xúc cảm, đưa con người ta trở về với quê hương, với nguồn cội. Bức ảnh nổi tiếng của ông “Tình mẫu tử” là một trường hợp như vậy. Hình ảnh một người phụ nữ đội con trên chiếc thúng được ông sáng tác chính là khi có dịp trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đã có người hỏi ông, chỉ thấy người mẹ địu con, cõng con trên lưng, chứ chưa thấy đội con. Ông trả lời, “Chỉ ở quê hương Hải Hậu tôi mới có”. Cuộc sống ở vùng thôn quê với những con người lao động miệt mài, hăng say cho ông nhiều cảm xúc. Đây đó là cảnh người phụ nữ quay sợi bên những nong tằm vàng óng, những người nông dân tất tả ôm bó lúa trên con đường làng… Ông cho rằng, người chụp ảnh cũng phải có một sự thấu hiểu, một sự trải nghiệm nhất định để cảm nhận được cái hồn của cuộc sống. Đó có thể là hiện tượng đẹp, hoặc không đẹp, nhưng quan trọng là người chụp nhìn thấy ở đó những giá trị, ý nghĩa lớn lao nào đó đối với người xem. 

 Sở hữu một triển lãm riêng ở khu vực phố cổ, ít nhiều có tiếng tăm trong làng nhiếp ảnh, nhưng NSNA Lại Diễn Đàm nói đùa: “Thế mà tôi vẫn đói lắm”. Ông nói, ít có ai mà sống được bằng ảnh do mình sáng tác. Mỗi buổi đi chụp ảnh mất đến dăm ba triệu đồng, có khi rong ruổi cả trăm cây số nhưng không phải lần nào cũng thành công. Nhưng ông khẳng định, vẫn sẽ tiếp tục đi để làm giàu tư duy nghệ thuật, để kiếm tìm những cái đẹp. Bởi đối với ông là niềm đam mê đã ăn vào máu, không tính đến lời lãi, được mất. Nếu mải so đo, tính toán, “sẽ không bao giờ có thể thổi hồn vào những bức ảnh của mình”.