- Khánh thành nhà trưng bày trang phục truyền thống
- Đi tìm trang phục truyền thống: Vẫn phải đi đường vòng
- Hiện thực hóa ước mơ phục dựng trang phục truyền thống
Trang phục phụ nữ Thái
Trang phục dân tộc đang dần biến mất
Theo Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VH-TT&DL), cùng với sự biến đổi của đời sống xã hội, việc sử dụng trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc đã có sự biến đổi rất nhanh. Sự biến đổi đó trước hết là do xu hướng Việt (Kinh) hóa hoặc Âu hóa đang diễn ra với cấp độ nhanh chóng, đó là thực trạng khách quan phản ánh tính tất yếu của đời sống văn hóa, xã hội.
Bên cạnh đó, cách mặc của đồng bào các dân tộc cũng đã thay đổi, không chỉ ở giới trẻ mà ở cả những người cao tuổi. Theo xu hướng chung của xã hội, nhất là ở lớp trẻ, họ trở nên tự ti mặc cảm, sợ ăn mặc theo kiểu truyền thống sẽ bị coi là lạc hậu, không hiện đại…
Bên cạnh đó, ở nhiều dân tộc, việc sử dụng trang phục truyền thống hàng ngày cũng gặp bất tiện trong sinh hoạt. Chưa kể, để may và trang trí một bộ trang phục truyền thống tốn nhiều công sức và thời gian, trong khi đó vải và quần áo may sẵn ngoài thị trường vô cùng phong phú, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, mẫu mã, giá rẻ. Đó cũng là nguyên nhân quan trọng khiến cho đồng bào các dân tộc không còn quan tâm đến việc tự sản xuất, tự may trang phục truyền thống.
Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung cho rằng, với những nguyên nhân kể trên đã dẫn tới trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc đã và đang bị biến dạng, mất gốc và thay thế bằng các trang phục mới. Nếu không kịp thời bảo tồn và phát huy, trong thời gian không xa, các trang phục truyền thống dân tộc thiểu số sẽ mất đi, bản sắc văn hóa dân tộc khó tìm lại được. Đồng thời việc phát huy trên cơ sở bảo tồn và phát triển nền tảng gốc của trang phục cũng không thể thực hiện được.
Trang phục của người Dao đỏ trong lễ cưới
Đề án kéo dài trong 12 năm
Trước thực trạng này, Bộ VH-TT&DL đã ban hành đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” được thực hiện trên phạm vi cả nước. Đề án sẽ thực hiện trong thời gian từ năm 2019-2030 (chia thành 2 giai đoạn) với những mục tiêu cụ thể: Hoàn thành 100% việc kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, Khôi phục trang phục truyền thống của 3 dân tộc đã mai một; Đến năm 2022, 100% học sinh trường dân tộc nội trú các tỉnh, thành phố triển khai mặc trang phục truyền thống 2 buổi/tuần và các dịp lễ, tết, hội; Lập 10 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn, trang trí hoa văn liên quan đến trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
Nhiệm vụ của đề án là nghiên cứu cấp bách, khôi phục trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đã bị mai một; Xây dựng ngân hàng dữ liệu về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam (quay phim, chụp ảnh, bài viết) phục vụ cho công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và quảng bá... Tổng kinh phí thực hiện “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” là 230 tỷ đồng, thực hiện trong 12 năm được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn lực do nhân dân đóng góp, ngân sách địa phương, nguồn vốn lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội...
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung kỳ vọng, đề án khi đi vào đời sống sẽ giúp những chủ thể văn hóa, đồng bào các dân tộc thiểu số nhận thức được vẻ đẹp của các bộ trang phục truyền thống. Đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm của người dân trong công cuộc gìn giữ, bảo tồn di sản và truyền lại cho con cháu mai sau.
Nếu không kịp thời bảo tồn và phát huy, trong thời gian không xa, các trang phục truyền thống dân tộc thiểu số sẽ mất đi, bản sắc văn hóa dân tộc khó tìm lại được. Đồng thời việc phát huy trên cơ sở bảo tồn và phát triển nền tảng gốc của trang phục cũng không thể thực hiện được.
Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc