Có thời lượng 115 phút, bộ phim “Đợi gì mơ đi” hy vọng chạm đến trái tim khán giả trong mùa hè 2025 khi kể câu chuyện về ông Hải (NSND Thanh Nam đóng) - vị Chủ tịch phường vừa về hưu và chàng trai Gen Z tên Thế Âu (A Tới đóng) là một rapper và tattooist (nghệ sĩ xăm mình) đang tuổi bốc đồng, xốc nổi.
![]() |
NSND Thanh Nam (SN 1958) và A Tới (SN 1982) trong phim “Đợi gì mơ đi” |
Những người “mạo hiểm”
Ông Hải là một người đàn ông chuẩn mực và sống có nguyên tắc. Gia đình ông cũng thuộc loại mẫu mực trong xã hội (con trai làm công an, con gái làm bác sĩ).Khi về hưu, ông muốn tìm việc gì đó làm cho có ý nghĩa và chợt nhớ lại thời trẻ từng có ước mơ làm nghề xăm mình nghệ thuật. Ý định “lạ kỳ” này của ông ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ gia đình.
Thế rồi trong một tình huống éo le, ông Hải tình cờ gặp Âu - một chàng trai Gen Z là nghệ sĩ xăm mình, đang bấp bênh trong cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền đời thường, đồng thời loay hoay với tương lai bất định. Liệu hai người khác biệt về tuổi tác, thế hệ, lẫn tính cách này có “hợp tác” được với nhau?
Phim cho thấy hai người một già một trẻ vẫn có thể trò chuyện với sự tôn trọng lẫn nhau, với nhịp cầu là có chung sở thích. Hai bác cháu đã ủng hộ nhau trong việc theo đuổi niềm đam mê riêng cho dù trong mắt người khác và một bộ phận dư luận sẽ đánh giá là “mạo hiểm” hay khó hiểu. Những tình huống trong phim vừa nhẹ nhàng, vừa hài hước, nhưng thông điệp dành cho khán giả dễ nhận thấy.
Bộ phim ủng hộ mọi người hãy vượt qua những định kiến, học cách nuôi dưỡng niềm tin và theo đuổi đam mê cho dù khác biệt với số đông. Khi lằn ranh thế hệ xóa nhòa thì “tuổi tác chỉ là con số” và quan trọng nhất vẫn là sự “kính trên,nhường dưới”. Những giấc mơ dù đơn giản hay lớn lao, thậm chí “kỳ lạ” thì vẫn xứng đáng cho chúng ta theo đuổi.
![]() |
Người đẹp Huỳnh Mai Cát Tiên (SN 1990) tham gia phim “Đợi gì mơ đi” |
“Dù cuộc đời rẽ hướng đến đâu, miễn là còn tồn tại thì ta còn hy vọng, còn trải nghiệm, còn ước mơ, được phép sai và sửa sai”.
Diễn viên HuỳnH Mai Cát tiên
Đợi gì nữa, thực hiện ước mơ đi!
NSND Thanh Nam với chất giọng trầm ấm, gương mặt chất phác và dáng vẻ giản dị, gần gũi là “trụ cột”, điểm tựa diễn xuất cho dàn diễn viên trẻ trong phim. Nhân vật ông Hải hiện thân cho sự nuối tiếc của những người có tuổi muốn thực hiện ước mơ dang dở ở thời thanh xuân, gợi nhớ cho khán giả ý nghĩa của câu “Không bao giờ là quá muộn”, hoặc thông điệp từ ngạn ngữ nhấn mạnh giá trị của thời gian và hành động: “Thời điểm tốt nhất để trồng cây là 20 năm trước, thời điểm tốt thứ hai là ngay bây giờ”. Một trong những khoảnh khắc thú vị trong phim là khi ông Hải hát rap “cháy” không kém các rapper trẻ.
A Tới từng tham gia đóng phim “Địa đạo” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, lần này đóng tròn vai chàng thanh niên đậm chất “nghệ sĩ tính” Thế Âu - một người trẻ sống chật vật với ước mơ vươn lên trong xã hội. Cậu rất cần có một người đi trước động viên, khích lệ, uốn nắn để dám dấn thân và chinh phục ước mơ, và thật may mắn là đã gặp một người thành đạt, nhân từ như ông Hải. Trong hành trình này, A Tới từng bước học cách lắng nghe những lời khuyên từ người bác đáng kính. Cậu thật sự đồng hành với ông Hải và được ông truyền cảm hứng phấn đấu. Ngược lại, chính nguồn năng lượng trẻ trung và táo bạo của A Tới cũng tác động đến ông Hải dám thực thi giấc mơ thuở trước của mình.
Nghệ sĩ kỳ cựu Bích Hằng (vai bà Huyền, vợ ông Hải), NSƯT Phạm Huy Thục (vai ông Kiên), Trần Kim Hải (vai Đen), Huỳnh Mai Cát Tiên (vai Hoàn Mỹ), Sỹ Hậu (vai Hải Đăng), Trần Phong (vai bác sĩ Thanh Tùng), bé Bảo Nam và bé Quỳnh Như (vai Đăng Khoa và Đăng Thư)… là dàn diễn viên ít nhiều đều có đất diễn trong “Đợi gì mơ đi”. Tác phẩm gửi gắm thông điệp: Mọi người không phân biệt tuổi tác hãy dũng cảm sống thật với mơ ước của mình và mọi mong ước luôn có thể thực hiện miễn là bạn xắn tay hành động.
“Đợi gì mơ đi” tiêu biểu cho dòng phim “feel-good” (“cảm xúc an lành” - tức những tác phẩm có câu chuyện nhẹ nhàng, nhân văn, gắn kết các thế hệ, giải quyết những mâu thuẫn đời thường và đặc biệt là mang năng lượng chữa lành cho người xem trước những bất an, mất mát, bất định trong cuộc sống thường ngày). Dòng phim này trở thành một làn gió mới ở châu Á, đang được khán giả yêu thích cả ở phim điện ảnh chiếu rạp lẫn series phim truyền hình dài tập. Các ví dụ tiêu biểu như phim “Em gái bé nhỏ” (Nhật Bản, 2015), “Khu rừng nhỏ” (HànQuốc, 2018, ngôi sao Kim Tae Ri đóng chính), “Các tế bào của Yumi” (tức “Yumi’s Cells”, phần 3 sẽ ra mắt năm 2025), “Đi đến nơi có gió”(2023, Lý Hiện và Lưu Diệc Phi đóng chính), “A Traveler’s Needs” (2024, do Hong Sang-soo đạo diễn và Isabelle Huppert đóng chính)…
Phim thể loại “feel-good” đề cập những khó khăn thử thách trong cuộc sống nhưng không “drama hóa” (cố tăng tính bi kịch), thiên về hướng chấp nhận dòng chảy đời sống với đủ hương vị vui buồn như vốn có, trình làng các nhân vật gần gũi, khiến người xem “thấy mình ở trong hình ảnh nhân vật và câu chuyện”. Vì là “món ăn tinh thần tích cực” hướng đến sự chữa lành cho khán giả nên các phim thường có thông điệp nhân văn, dễ cảm và lạc quan yêu đời.
![]() |
Phim “Khu rừng nhỏ” (Hàn Quốc) |