Phố Học Phi được đặt theo tên của nhà văn, nhà viết kịch Học Phi - cha của nhà văn Chu Lai. Nhà văn Học Phi tên thật là Chu Văn Tập, bút danh là Tú Văn. Ông sinh năm 1913 tại Hưng Yên.
Năm 1936, ông bắt đầu viết văn sau khi ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp. Sau Cách mạng tháng 8/1945, ông làm Chủ tịch UBND Cách mạng tỉnh Hưng Yên. Năm 1946 làm Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền. Năm 1947-1948, ông làm Tổng Thư ký Hội Văn hóa kháng chiến Liên khu III, sau chuyển lên Ban biên tập Ban Tuyên huấn Trung ương, rồi phụ trách Đoàn Văn công Trung ương. Hòa bình lập lại, Học Phi trở về Hà Nội.
![]() |
Nhà viết kịch Học Phi |
Ông giữ chức Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, rồi Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho tới lúc về hưu. Với công lao đóng góp của mình, Học Phi đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật (đợt 1-1996) và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác. Các con trai của ông là nhà văn Hồng Phi (1936-2012), nhà văn Chu Lai (đều đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật)...
Hơn 60 năm cầm bút, nhà văn Học Phi đã viết trên 40 vở kịch, riêng có 3 vở được trình diễn phục vụ 3 kỳ đại hội Đảng toàn quốc. Các tác phẩm của ông chủ yếu nói về hoạt động của Đảng trong thời kỳ bí mật. Từ vở diễn đầu tiên "Cà sa giết giặc" đến vở "Chị Hòa", ông đã tạo dựng cho mình một phong cách riêng, qua đây công chúng khẳng định vị trí, tài năng sáng tác kịch của ông. Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình sân khấu đánh giá rất cao những vở diễn của ông, trong đó có "Chị Hòa" là cái mốc đánh dấu sự chuyển biến của kịch nói. Còn với vở "Ni cô Đàm Vân", chuyển thể sang chèo đã được 10 đoàn nghệ thuật và các đoàn kịch nói biểu diễn.
![]() |
Vở chèo "Ni cô Đàm Vân" |
Ở tuổi 90, ông vẫn viết kịch bản phim. Bộ phim "Minh Nguyệt" do ông viết kịch bản đã giành giải Kịch bản xuất sắc nhất tại Liên hoan truyền hình toàn quốc.
Nhà văn Học Phi qua đời năm 2014, thọ 102 tuổi.