Xã Chuyên Mỹ (Hà Nội): Đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị cho cây sen

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong những năm gần đây, xã Chuyên Mỹ, Hà Nội đang từng bước trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó nổi bật là việc phát triển mô hình trồng sen gắn với chế biến, xây dựng nhãn hiệu và khai thác tiềm năng du lịch sinh thái. Đây là hướng đi phù hợp với chủ trương của thành phố Hà Nội về phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đánh giá hiệu quả từ mô hình thu hái hoa làm chè sen của hộ bà Nguyễn Thị Toàn (thôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ). Ảnh: HNM

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đánh giá hiệu quả từ mô hình thu hái hoa làm chè sen của hộ bà Nguyễn Thị Toàn (thôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ). Ảnh: HNM

Từ trồng sen truyền thống đến sản phẩm giá trị cao

Trồng sen vốn là nghề truyền thống lâu đời của người dân xã Chuyên Mỹ, tuy nhiên trong nhiều năm trước đây, cây sen chủ yếu được trồng để lấy hạt, giá trị kinh tế chưa cao, đầu ra sản phẩm còn bấp bênh. Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp Hà Nội, người dân đã từng bước thay đổi tư duy, chuyển từ trồng sen lấy hạt sang trồng sen lấy hoa để làm chè sen – một sản phẩm đặc sản có giá trị cao cả về kinh tế lẫn văn hóa.

Điển hình là mô hình khuyến nông trồng hoa sen gắn với xây dựng nhãn hiệu và phát triển du lịch tại xã Chuyên Mỹ, được triển khai từ đầu năm 2025 với quy mô 7,5ha, có 10 hộ dân tham gia. Đây là mô hình thuộc chương trình khuyến nông Trung ương, được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai theo định hướng hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững, sinh thái và có giá trị gia tăng cao.

Qua thực tế triển khai, mô hình đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Các hộ dân tham gia mô hình cho biết, thu nhập từ sản xuất hoa sen để làm chè cao hơn nhiều so với trồng sen lấy hạt. Giá bán buôn trung bình của mỗi bông sen tươi dao động từ 25.000 – 40.000 đồng. Ngoài ra, sản phẩm chè sen thành phẩm có giá trị thương mại cao, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Nâng tầm giá trị cây sen qua đa dạng sản phẩm

Không chỉ dừng lại ở việc lấy hoa làm chè, cây sen tại xã Chuyên Mỹ đang được người dân và các doanh nghiệp địa phương khai thác triệt để để chế biến ra nhiều sản phẩm khác nhau. Hạt sen dùng để nấu chè, sấy khô làm mứt, chế biến thực phẩm chức năng. Lá sen được tận dụng để gói thực phẩm, làm trà thảo mộc và dược liệu. Củ sen là nguyên liệu trong ẩm thực cao cấp. Đặc biệt, cọng lá, cọng hoa và gương sen còn được dùng để sản xuất tơ sen – một chất liệu cao cấp, thân thiện với môi trường, có giá trị thương mại rất lớn.

Sự đa dạng trong các sản phẩm từ cây sen đã mở ra hướng đi mới cho người dân xã Chuyên Mỹ, từ đó nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Đây cũng là tiền đề quan trọng để xây dựng các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) – chương trình trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới nâng cao tại Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Toàn – một hộ dân tiêu biểu ở thôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ – chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng sen để lấy hạt, thu nhập không cao. Từ khi chuyển sang trồng sen lấy hoa và làm chè sen, kinh tế gia đình cải thiện rõ rệt. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được hỗ trợ từ ngành nông nghiệp để xây dựng nhãn hiệu chè sen, phát triển sản phẩm OCOP và đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.”

Gắn sản xuất sen với phát triển du lịch sinh thái

Một điểm đặc biệt trong mô hình phát triển cây sen tại Chuyên Mỹ là sự kết hợp hài hòa giữa sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch sinh thái. Trong mùa sen nở, các đầm sen tại đây trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách trong và ngoài Thủ đô đến tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm hái sen, uống trà sen và thưởng thức các món ăn từ sen.

Điều này không chỉ tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân mà còn góp phần quảng bá hình ảnh quê hương Chuyên Mỹ – vùng đất giàu truyền thống văn hóa, nổi tiếng với nghề khảm trai, nay lại có thêm sản phẩm nông nghiệp đặc sắc.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, việc khai thác đa giá trị từ cây sen là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của nông nghiệp hiện đại. “Sản phẩm từ sen rất đa dạng, ngày càng được chế biến tinh tế, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh giá trị kinh tế, cây sen còn mang trong mình giá trị văn hóa, tâm linh đặc trưng của người Việt. Do đó, chúng tôi xác định sen là một trong những cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh và bền vững của Hà Nội,” ông nhấn mạnh.

Hướng tới phát triển bền vững và nhân rộng mô hình

Để phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ xã Chuyên Mỹ trong việc nâng cao năng lực sản xuất, cung ứng giống sen chất lượng cao, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại và kết nối thị trường tiêu thụ. Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là thế hệ trẻ, để gìn giữ và phát huy nghề trồng sen, chế biến sen truyền thống.

Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng đang xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình sản xuất hoa sen tại các địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp trên địa bàn thành phố… Qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.

Cùng với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, sự năng động của người dân xã Chuyên Mỹ là nhân tố then chốt để cây sen trở thành cây trồng chủ lực, vừa làm đẹp quê hương, vừa nâng tầm sản phẩm nông nghiệp Hà Nội trên thị trường trong nước và quốc tế.

(Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội)