Các cựu tù Côn Đảo kể chuyện về những ngày “địa ngục trần gian”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ với 5 ngày theo chân đoàn cựu tù Côn Đảo trở lại thăm nơi họ từng giam cầm và các tư liệu lưu trữ từ những chuyến đi trước đó, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đã kịp ghi lại những khoảnh khắc tái ngộ nhiều xúc động, ngậm ngùi của những người từng sống ở nơi “địa ngục trần gian”.

Theo chân những “nhân chứng sống”

Vừa qua,nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đã ra mắt hai cuốn sách ảnh: “Tử tù, cựu tù Côn Đảo ngày trở lại” và “Biệt đội giữ bình yên “đất lửa” tại Hà Nội và trưng bày 50 tác phẩm nằm trong cuốn sách “Tử tù, cựu tù Côn Đảo - ngày trở lại”. Đặc biệt, sự góp mặt 5 cựu tù Côn Đảo, nay đã ở độ tuổi thất thập cổ lai hy nhận được sự quan tâm đặc biệt của người xem tại buổi ra mắt sách. Họ vừa là nhân vật trong các bức ảnh của Nguyễn Á, vừa là những nhân chứng lịch sử đã trải qua những tháng ngày giam cầm tại nhà tù Côn Đảo. Cả 5 cựu tù Côn Đảo đều mặc áo cờ đỏ sao vàng, quàng khăn rằn. Nhiều vị khách đến dự buổi khai mạc đã tỏ lòng kính trọng đối với các cựu tù Côn Đảo bằng những cái ôm thân mật.

Quang cảnh buổi ra mắt sách và trưng bày triển lãm tại Hà Nội của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á

Quang cảnh buổi ra mắt sách và trưng bày triển lãm tại Hà Nội của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á

Cuốn sách ảnh “Tử tù, cựu tù Côn Đảo ngày trở lại” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đưa bạn đọc theo chân các cựu tù trở lại những buồng giam năm xưa, cùng những hồi ức về năm tháng bị giam giữ, hành hạ khắc nghiệt nơi "địa ngục trần gian" còn cuốn sách ảnh “Biệt đội giữ bình yên đất lửa” ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng về đội rà phá bom mìn ở Quảng Trị.

Tại lễ ra mắt sách, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á cho biết, thông qua cuốn sách “Tử tù, cựu tù Côn Đảo ngày trở lại”, tay máy mong muốn góp tấm lòng tưởng nhớ đến những người đã mãi mãi nằm lại trong cuộc chiến tranh, đồng thời bày tỏ sự kính trọng với những tử tù, cựu tù Côn Đảo nói riêng. Họ đều là "tượng đài sống" mà nhiếp ảnh gia Nguyễn Á vẫn có cơ hội tiếp cận. Những tử tù giờ đây vẫn còn kịp nhìn ngắm và tận hưởng những tháng ngày hòa bình của đất nước.

2 cuốn sách của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á được ra mắt vào dịp này.

2 cuốn sách của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á được ra mắt vào dịp này.

Buổi khai mạc triển lãm càng thêm ý nghĩa khi công chúng được gặp gỡ và nghe các cựu tù Côn Đảo - những "nhân chứng sống" kể lại những câu chuyện về những năm tháng bị giam cầm, tra tấn dã man tại nhà tù Côn Đảo cũng như ý chí chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Hồi tưởng về 7 năm đối diện với lằn ranh sinh tử tại nhà tù Côn Đảo, cựu tù Nguyễn Thị Bé Bảy (79 tuổi) chia sẻ, thanh xuân là những năm tháng đẹp đẽ nhất của đời người. Song, thanh xuân của tử tù là ở trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, khó khăn nhất với những năm tháng bị địch bắt, tù đày. Nhưng chính những năm tháng đó giúp tuổi trẻ của những người tử tù trưởng thành. Nơi đó đã rèn luyện ý chí, hun đúc tinh thần quả cảm, hy sinh vì quê hương, đất nước của lớp lớp thế hệ chiến sĩ cách mạng.

Kỷ niệm về những năm tháng giam cầm tại nhà tù Côn Đảo

Cựu tù Nguyễn Thị Bé Bảy còn cho biết thêm, bà rất vui khi thấy lý tưởng đó đã được thế hệ trẻ thể hiện qua những hành động, việc làm của đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên trong cuộc chiến với “giặc” Covid-19. Dịp này, các cựu từ Trần Thị Trúc Chi, Võ Ái Dân... cũng mang đến nhiều câu chuyện xúc động về sự kiên cường chiến đấu nơi "địa ngục trần gian" Côn Đảo. Họ nhớ lại những ngày trong nhà lao hơn 50 năm trước, có những khoảnh khắc nghẹn ngào, trào nước mắt không thể quên. Đặc biệt là chuyện về bốn đôi vợ chồng từng là bạn tù, bạn chiến đấu và đến giờ vẫn sống hạnh phúc bên nhau... Cựu chiến binh Phan Thị Bé Tư (Quận 7, TP. HCM) chia sẻ, cô có hàng trăm kỷ niệm, mỗi kỷ niệm là một cái vết in sâu, không bao giờ quên. Tình đồng chí san sẻ với nhau từng chút, chính như vậy khi anh em chết rồi thì mình thề nguyện. Cô đã thề trước vong linh của anh, sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Các cựu tù Côn Đảo chia sẻ kỷ niệm về những năm tháng bị giam cầm.

Các cựu tù Côn Đảo chia sẻ kỷ niệm về những năm tháng bị giam cầm.

“Tôi ra Côn Đảo tới nay là bốn mấy lần, tôi có tổ chức lễ giỗ Côn Đảo cho hơn 2 vạn tiền nhân của mình đã hy sinh trên Côn Đảo, ngày 20 tháng 6 âm lịch năm nay là ngày 6/8/2023. Tổ chức 12 lần rồi, khi xưa Côn Đảo là địa ngục trần gian, là hòn đảo ngục tù, nhưng mà khi xưa Côn Đảo cũng vô cùng anh dũng, với hơn 2 vạn người đã chiến đấu”, cô Phan Thị Bé Tư nói. Cô Phan Thị Bé Tư còn cho biết: “Chiến đấu trong tù là tay không, nhưng ý chí của người tù rất cao, tinh thần quyết liệt, không tính đến sinh mạng của mình. Cho nên đây là cuộc đấu tranh thắng lợi. Ở trong tù, các cô rất đoàn kết, giác ngộ cách mạng, những khí phách, sức chịu đựng của người cộng sản càng ngày càng nâng lên, rất gan dạ”.

Cô Trần Thị Trúc Chi ở Quận 1 chia sẻ: “Các cô có niềm tin mãnh liệt là cách mạng sẽ thắng lợi, không biết mình còn sống để được hưởng hay không nhưng mà chắc chắn cách mạng sẽ thắng lợi và niềm tin làm cho người tù có thể vượt qua được hết tất cả khó khăn. Khi trở lại nơi chứng kiến sự trưởng thành của mình, đã vượt qua những khắc nghiệt, gian khó, tôi thấy rất tự hào”.

Mỗi người cựu tù Côn Đảo có những kỷ niệm riêng tại nơi lao tù nhưng ở họ có cùng chung tuổi thanh xuân dâng hiến cho đất nước, tinh thần kiên định và tin tưởng vào sự thành công của cuộc kháng chiến. Được theo những người cựu tù Côn Đảo trở về thăm nơi mình từng bị giam giữ, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á cho biết, anh làm cuốn sách ảnh ngoài mục đích tri ân và tưởng nhớ đến những anh hùng liệt sĩ đã mãi mãi nằm lại trong cuộc chiến nói chung, còn mong muốn được nhắn nhủ đến thế hệ trẻ ngày nay: “Hãy biết trân quý giá trị của hòa bình, thấu hiểu những hy sinh cao cả của nhiều cô, chú, bác ngày trước”. Theo tiết lộ của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á, vào dịp 2/9 năm nay, anh sẽ tổ chức triển lãm tại Côn Đảo và tặng toàn bộ bộ ảnh này cho bảo tàng Côn Đảo.

Triển lãm sẽ diễn ra đến hết ngày 13/8 tại nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội.