Tôn Nữ Tường Vy sinh ra ở một miền quê thuộc Khánh Hòa. Từ nhỏ, Tường Vy hay bị trêu chọc vì gốc tích nông thôn, nên luôn cảm thấy tự ti, rụt rè. Khi trở thành sinh viên, sống ở một thành phố lớn như TP.HCM, Tường Vy quyết tâm phải khắc phục điểm yếu này để “có cơ hội thay đổi đời mình”.
Theo học trường Đại học Mở TP.HCM với ước mơ trở thành giáo viên tiếng Anh, Tường Vy đã bỏ dở nhiều giờ giảng trên lớp để vừa đi làm, vừa tham gia các cuộc hội thảo cô cho là có ích. Thời gian rảnh được cô đầu tư để làm những công việc tự phát triển bản thân như đọc sách, học các khóa học trực tuyến, đi làm bán thời gian, viết sách, vẽ truyện tranh, làm các video blog, đi “du lịch bụi”… và hơn hết là trau dồi khả năng tiếng Anh - vốn rất hạn chế ở học sinh, sinh viên Việt Nam.
Học những gì mình muốn
Bước ngoặt trong cuộc đời của Tường Vy là năm 2011 khi cô trở thành sinh viên duy nhất của Việt Nam được lựa chọn để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Đổi mới giáo dục quốc tế (WISE) tại Thủ đô Doha, Qatar. Với rất nhiều cái đầu tiên bỡ ngỡ: lần đầu tiên đi máy bay, lần đầu đi dự hội nghị, lần đầu ra nước ngoài…, cô gái trẻ được tiếp cận với những người trẻ năng động và hiểu rằng giáo dục là chìa khóa phát triển ở bất cứ quốc gia nào.
Cũng từ đó, Tường Vy đã thoát khỏi chiếc “vỏ ốc” nặng nề, tự tin dấn thân vào những trải nghiệm mới. Tường Vy đã sáng lập CLB Học thuật Lan tỏa (Spread Out Academic Club) tập hợp một nhóm bạn trẻ cùng tổ chức tự học những gì mình thích theo cách mình muốn. Từng được mời làm việc ở Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, nhưng Tường Vy đã từ chối vì muốn dành thời gian và tâm huyết cho dự án giáo dục của mình.
Cuốn sách “Bên kia ranh giới” của tác giả Tôn Nữ Tường Vy
Người trẻ cũng đừng duy cảm
Sau hành trình rong ruổi qua 13 quốc gia, Tường Vy cho ra đời tác phẩm đầu tay - cuốn sách du ký “Bên kia ranh giới”. Không chỉ tâm huyết với công việc canh tân giáo dục, cuốn “Bên kia ranh giới” của Tôn Nữ Tường Vy còn bày tỏ một cách rất thắng thắn quan điểm về những vấn đề, những thực trạng mà người trẻ không thể khoanh tay đứng bên lề. Đó là trên muôn nẻo đường tình nguyện, không thiếu cảnh những sinh viên rùng rùng, hăng hái nhảy xuống dòng kênh đen đặc ô nhiễm chỉ để vớt lục bình, nhổ cỏ bằng tay trong mùa mưa, hay dàn thành hàng rào phân luồng giao thông mùa thi… Những người trẻ ấy dường như “quá duy cảm, quá say mê cái mác cống hiến” mà không mảy may đắn đo trước những thiệt - hơn hay rủi ro cho bản thân.
Bên cạnh câu chuyện tình nguyện, chuyện giàu nghèo hay làm thế nào để thoát nghèo cũng được cô gái 27 tuổi kiến giải một cách rất thực tế và trực diện: Người nghèo sẽ ngày càng nghèo, càng bị gạt xa ra khỏi những cơ hội đổi đời nếu không có cái nền cơ bản như giáo dục phổ thông, mối quan hệ hay đơn giản là khi những người cha, người mẹ vẫn phải ngày ngày bươn chải để kiếm tiền trang trải gánh học phí nặng nề…
Khác với những người coi xê dịch như một thú vui, Tường Vy coi những chuyến du hành là để học hỏi và để tham gia vào các công việc có ích cho cộng đồng
Bằng những trải nghiệm của một cô gái trẻ đi lên từ sự thiếu thốn, Tường Vy cũng khuyến khích người trẻ hãy tham gia nhiều hơn vào những công việc có ích cho cộng đồng mà chính cô đã trải nghiệm như: cưa ván, múc bùn, trồng cây làm kè giữ đất, bảo tồn động vật tự nhiên, dạy học cho trẻ em ở những vùng kém phát triển…
Giọng văn trẻ trung, sôi nổi, không quá rườm rà nhưng đậm chất văn chương và giàu tính triết lý, Tôn Nữ Tường Vy đặt ra câu hỏi về khả năng người trẻ tự phủ định mình, bước qua ranh giới của những nỗi lo sợ, định kiến, bế tắc hay lợi ích của riêng mình, để kể một câu chuyện khác tốt đẹp hơn cho tương lai: “Tôi tin rằng trong thời đại này, “vốn liếng” đa ngành thu nhặt được thời trẻ sẽ hỗ trợ cho bất cứ một quyết định quan trọng nào sau này. Chẳng có trải nghiệm nào là phí hết. Còn trẻ thì cứ đi đi… Hãy cứ là con chim tung cánh tự do và là con ngựa nhẫn nại biết đâu là đường về. Tuổi trẻ đẹp cũng vì người ta dám trải nghiệm, dám sống, dám điên, dám dại khờ. Để sau này nhìn lại, người ta sẽ mỉm cười”.