- Sức hút từ những bức tranh nude
- 100 năm ngày sinh họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ
- Họa sỹ Lê Thiết Cương ra mắt thơ trên gốm Bát Tràng
Mai Hiên sống như mơ, bồng bềnh, phiêu lãng nhưng mạnh mẽ, dữ dội. Tất cả những điều ấy đã được chị trút vào hội họa và với chị, nghệ thuật đã giúp chị đi qua những thăng trầm trong cuộc sống.
Những cơn giông trong lòng
Theo tử vi, Mai Hiên là mệnh dương nữ nên mạnh mẽ. Thời còn trẻ, cái mạnh mẽ ấy được chị thể hiện rõ ràng trong các tác phẩm sơn mài. Mai Hiên sục sạo đi tìm cái mới, tìm kiếm một ngôn ngữ thể hiện độc đáo. Chị lao vào vẽ như điên như dại. Những năm 1990, tranh Mai Hiên thuộc vào hàng đắt khách và thường được khách nước ngoài tìm mua bởi cái lạ, cái độc.
Thế nhưng, khi mọi thứ đang như mơ với hai đứa con, một gái, một trai và sự nghiệp tiến triển tốt, thì cuộc hôn nhân đầu của chị với họa sỹ Đào Anh Khánh rạn nứt. Chị đã trút vào tranh những phiền muộn, bức bối, bực dọc của một người bị phụ tình.
Hội họa đã là người bạn tâm tình và thủy chung trong những đêm khuya, một mình chị độc thoại với tấm toan. Cũng thời gian đó, Mai Hiên đã ra mắt loạt tranh về “Cơn giông Hà Nội” mà thực ra là những cơn giông trong lòng.
Ngôn ngữ tạo hình trong tranh của chị mạnh mẽ, khốc liệt với những gam màu vàng, đen xen lẫn nhau, tạo cảm giác như mọi thứ đang bốc cháy dữ dội. Loạt tranh “Cơn giông Hà Nội” đã bán rất chạy, bức tranh nào ra hết ngay bức ấy. Vốn là người mạnh mẽ, Mai Hiên đã rũ bỏ những thứ không thuộc về mình để làm lại từ đầu.
Chị cho biết, nghệ thuật đã đưa chị ra khỏi những khổ đau của đời sống. Và hạnh phúc đã mỉm cười với chị. Cho tới nay, Mai Hiên đã tìm thấy bình yên bên người chồng thứ hai, người đã động viên chị trong cuộc sống và công việc để tiếp tục được sống với niềm đam mê sáng tạo.
Tác phẩm “Mùa xuân Sa Pa” với chất liệu acrylic
Tìm thấy bình an
Mai Hiên đã gắn bó với chất liệu sơn mài trong suốt 30 năm, làm việc quần quật theo đúng nghĩa đen. Một mình trong xưởng vẽ, chị đã thử đủ cách để mang đến một hơi thở mới cho sơn mài. Chị ném xăng, đổ dầu, vảy mực… lên bề mặt của vóc khiến căn phòng bốc khói mù mịt. Và với từng ấy năm sáng tạo với sơn mài, Mai Hiên đã bị mắc nhiều bệnh nghề nghiệp. Có giai đoạn, chị nhìn mọi người trong trạng thái lơ mơ do ảnh hưởng của chất liệu sơn tới hệ thần kinh, rồi có lần chị đã ngất đi 20 phút ngay tại xưởng vẽ để khi tỉnh dậy thấy một bên mắt mờ hẳn đi…
Và sau những lần tưởng như suýt mất đi một giác quan nào đó, Mai Hiên giờ đây đã từ bỏ sơn mài để chuyển sang chất liệu acrylic, một chất liệu mới khiến chị thấy hứng thú với khả năng thể hiện của bề mặt. Tìm lại sự thăng bằng trong cuộc sống và nhìn nhận mọi việc trên đời với con mắt của một người phụ nữ đã trải qua những khổ đau, Mai Hiên nhận thấy ở trên đời này điều quý giá nhất là trạng thái tự do và bình an.
Và chị vẫn đang duy trì trạng thái ấy bằng lối vẽ thong dong, bồng bềnh trong tranh. Đặc biệt, loạt tranh về phong cảnh Sa Pa với trời mây, non nước được thể hiện với những nét vẽ vần vũ đã tiếp tục được Mai Hiên thực hiện bằng một phong cách vẽ mạnh mẽ, khoáng đạt và mơ mộng. Chị đã đến với Sa Pa nhiều lần nhưng ở giai đoạn này, hình như cái duyên bén rễ với nơi đây mới thực sự gắn kết. Và lúc này, nghệ thuật với Mai Hiên như thiên nhiên vô ưu, còn chị như lữ khách thả hồn mình để khám phá hương hoa, nắng gió.
Tác phẩm “Múa cầu mưa” nằm trong loạt tranh “Cơn giông Hà Nội”
Đã đi quá nửa đời người, Mai Hiên không còn giữ lối vẽ bừng bừng khí thế như thời trẻ. Chị vẽ cầm chừng để đảm bảo sức khỏe. Những nét vẽ tuy có bị gián đoạn nhưng nội lực vẫn rất mạnh mẽ. Dù là một bức tranh phong cảnh thì cảm giác trời đất đang chuyển động hiện lên rất rõ. Mơ nhưng thực trong tranh cũng là lối sống hiện nay của Mai Hiên. Sau acrylic, chị có chuyển sang một chất liệu khác hay không, Mai Hiên cũng không dám chắc. Chị sẽ để mọi việc thuận theo tự nhiên.