Bộ ảnh "Khám phá quần thể hang động núi lửa Krông Nô" tiếp tục được vinh danh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau Cup Vapa (giải thưởng cao quý nhất của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam dành cho một tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc nhất trong năm), bộ ảnh "Khám phá quần thể hang động núi lửa Krông Nô" của tác giả Ngô Minh Phương (chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Đắk Nông) tiếp tục được vinh danh tại Giải thưởng của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam.

Như thường lệ, giải thưởng của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2022 trao giải ở 3 hạng mục giải thưởng. Đó là giải thưởng cho tác phẩm xuất sắc của các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương; giải thưởng cho tác phẩm của các tác giả là hội viên hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố; và giải Tác giả trẻ.

Ở hạng mục thứ nhất, có 9 hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương nên giải này trao cho 9 tác phẩm do 9 hội đề cử. Bộ ảnh "Khám phá quần thể hang động núi lửa Krông Nô" của tác giả Ngô Minh Phương được trao giải trong hạng mục này, cùng với 8 tác phẩm của 8 lĩnh vực khác.

Bộ ảnh "Khám phá quần thể hang động núi lửa Krông Nô"

Bộ ảnh "Khám phá quần thể hang động núi lửa Krông Nô"

8 tác phẩm khác được trao ở hạng mục này gồm: Công trình nhà Bình Dương của hai kiến trúc sư Phan Lâm Nhật Nam và Trần Cẩm Linh; vở múa "Chừ đẹ xá p"u (Con đường tìm muối) của biên đạo Phạm Thanh Tùng, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lai Châu biểu diễn; cuốn "Bách khoa làng Việt cổ truyền" của tác giả Bùi Xuân Đính; ca khúc "Ơi con sông mặt trời" của Nguyễn Đình Nghĩ; vở diễn "Đất liền và biển cả" của tác giả Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai, Đoàn cải lương Hải Phòng; bức tranh tròn panorama về trận Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên; Phim tài liệu "Hai bàn tay" của đạo diễn Đặng Thị Linh, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất; và tập thơ lục bát "Mây trôi phía làng" của tác giả 9X Lê Đình Tiến do Hội Nhà văn Việt Nam đề cử.

Các tác giả nhận giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc của các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương

Các tác giả nhận giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc của các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương

Ở hạng mục thứ hai, giải thưởng được trao cho 58 tác phẩm, trong đó có 5 giải A, 10 giải B, 19 giải C và 22 giải khuyến khích. Trong đó, 5 giải A là bộ ảnh nghệ thuật “Cầu Thủ Thiêm 2 – Điểm nhấn mới” (Lê Quang Thiện – Đà Nẵng), tranh acrylic “Tin nhắn” (Nguyễn Thành Phương - Đà Nẵng), tập truyện ngắn “Cõi yêu” (Trần Vân Anh - Lạng Sơn), tập tiểu luận “Đọc một bài thơ” (Lê Hồ Quang - Nghệ An), tập thơ “Mây âm tính” (Võ Văn Luyến - Quảng Trị).

Ở hạng mục thứ ba, Giải tác giả trẻ thuộc về tác giả Vũ Thị Huyền Trang (Phú Thọ) với tập truyện ngắn “Hái trăng trên đỉnh núi”, tác giả Nguyễn Nhật Huy (Thái Nguyên) với tập thơ “Sân bay”.

Tổng kết tại lễ trao giải vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh, Giải thưởng văn học, nghệ thuật năm 2022 ngày càng được mở rộng về quy mô, tập hợp sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ trên cả nước, ngày càng có sự hội tụ cao nhất, chính xác về chất lượng.

Tác giả Nguyễn Nhật Huy nhận giải Tác giả trẻ

Tác giả Nguyễn Nhật Huy nhận giải Tác giả trẻ

Năm 2022, có 61 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố gửi tác phẩm tham dự xét giải với 396 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả. Trong đó, có 72 tác phẩm thơ, 61 tác phẩm văn xuôi, 14 tác phẩm lý luận phê bình văn học, 76 tác phẩm mỹ thuật, 82 tác phẩm nhiếp ảnh, 9 tác phẩm điện ảnh, 45 tác phẩm âm nhạc, 14 tác phẩm múa, 9 tác phẩm văn nghệ dân gian, 11 tác phẩm sân khấu.

Ngoài ra, 9 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương cũng gửi 9 tác phẩm tham gia xét giải.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hồng Quân, Hội đồng giải thưởng của các Hội Văn học nghệ thuật đã lựa chọn được những tác phẩm xuất sắc để xét giải. Hầu hết tác phẩm đã được xuất bản, tham gia triển lãm hoặc được công bố, trình diễn và được công chúng mến mộ, báo chí quan tâm đề cập. Tác phẩm văn học, nghệ thuật của các tác giả địa phương vẫn duy trì và đi theo khuynh hướng truyền thống. Các tác giả trẻ thể hiện sự tìm tòi, đổi mới nhưng vẫn dựa trên những nội dung, chủ đề bám sát đời sống và truyền thống đạo lý của dân tộc. Đặc biệt, nhiều tác phẩm đi vào đề tài thời sự của đất nước như vấn đề bảo vệ chủ quyền biên giới và hải đảo.