Nhà văn Trung Sỹ giành Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tập truyện dài cho thiếu nhi “Thung lũng đồng vang” (Nhà Xuất bản Trẻ) của nhà văn Trung Sỹ đã giành Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022.

Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã họp, nhất trí thông qua Giải thưởng Văn học năm 2022 trao cho 5 tác giả và Giải thưởng Tác giả trẻ trao cho 3 tác giả.

Nhà văn Trung Sỹ

Nhà văn Trung Sỹ

Trong đó, Giải thưởng Văn học năm 2022 được trao ở cả 4 mảng văn xuôi, thơ, văn học dịch, văn học thiếu nhi. 5 tác giả được trao giải gồm: Lý Lan (thành phố Hồ Chí Minh) với tiểu thuyết “Bửu Sơn Kỳ Hương” (Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh); Trần Lê Khánh (thành phố Hồ Chí Minh) với tập thơ “Ngàn bài thơ khác” (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn); Nguyễn Bảo Chân (Hà Nội) với tập thơ “Bóng của ý nghĩ” (Nhà Xuất bản Thế giới); Nguyễn Hữu Dũng (Hà Nội) với tiểu thuyết dịch “Hiệp sĩ thánh chiến” của tác giả Ba Lan Henryk Sienkiewicz (Nhà Xuất bản Văn học); Trung Sỹ (Hà Nội) với tập truyện dài cho thiếu nhi “Thung lũng đồng vang” (Nhà Xuất bản Trẻ).

Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2022 được trao cho các tác giả gồm: Lê Vũ Trường Giang (Thừa Thiên Huế) với tập truyện ngắn “Bạc màu áo ngự” (Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh); Vĩ Hạ (Bình Thuận) với tập thơ “Đi tìm những bóng người” (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn); Trần Đức Tín (Cà Mau) với tác phẩm “Chín nhánh da vàng” (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn).

Trung Sỹ là tác giả của “Chuyện Lính Tây Nam” từng gây tiếng vang, được xem là “tên tuổi ẩn dật” như những Bình Ca với “Quân khu Nam Đồng”, Vũ Công Chiến với “Hồi ức lính”, Đoàn Tuấn với “Mùa chinh chiến ấy”… đã làm nên những cơn sóng cho văn đàn về những tác phẩm hồi ức chiến tranh vừa thực tế, vừa thấm đẫm nhân văn. Quyển “Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu” của ông cũng lọt vào danh sách đề cử chính thức Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 13 – 2020.Với truyện dài "Thung lũng Đồng Vang", được xem là một cú rẽ ngoặc viết cho thiếu nhi của ông. Cuốn sách với chất văn, câu chữ trong sáng thật sự có ích cho các em học sinh, thầy cô giáo và các bậc phụ huynh. Đọc sách những quyển sách như Thung lũng Đồng Vang, là cách giúp trẻ em kết nối vào vùng đất mình đang sống, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ biết rung động trước những giá trị cao đẹp, biết mơ ước và ấp ủ những giấc mơ cho riêng mình.

Cuốn sách kể chuyện về những đứa học trò: Thụy, Thảo, Dực, Linh, Trương, Loan… vừa tinh quái, vừa lém lỉnh, với nhiều "phi vụ" lớn nhỏ, đầy hài hước. Chuyện những thầy cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết như thầy Thức, cô Vi vốn là dân Hà Nội tình nguyện lên vùng cao dạy học. Đám học trò tuổi mới lớn và thầy cô giáo trẻ đã khiến cho lớp học ở ngôi trường phố núi đầy tiếng cười và sự thú vị.

Tác phẩm "Thung lũng đồng vang" của nhà văn Trung Sỹ

Tác phẩm "Thung lũng đồng vang" của nhà văn Trung Sỹ

Ở "Thung lũng Đồng Vang" còn có tình bạn đẹp đẽ, còn có những giá trị văn hóa độc đáo, nơi đây có người Tày và người Kinh sống chung. Vùng yên bình này có ngôi trường cạnh bên dòng sông, có ruộng bậc thang, có núi đồi, thôn bản và thời tiết thay đổi theo từng mùa. Hiển nhiên, "Thung lũng Đồng Vang" còn có những câu chuyện chưa được kể, hoặc kể dở dang như bức thư mà ông Kiền, người từng tham gia chiến trường K viết cho Thụy và Thảo. Như chuyện những chuyến xe đường dài của bố mẹ Thụy – Thảo đi dọc dài đất nước. Nhưng người đọc hẳn sẽ đầy bất ngờ với nhiều chuyện kỳ thú khác, như chuyện xóm rèn gõ búa ra mưa, chuyện đốt lửa dưới gốc trám để quả trám chín tự rụng xuống, những sinh hoạt thường ngày đầy khí chất miền cao, những buổi dã ngoại của lớp học, thầy trò Đồng Vang đã biến kiến thức thành những bài học thực tế thú vị, vui nhộn... được viết với ngôn ngữ đặc tải hình ảnh vô cùng đặc trưng, chi tiết.