Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn:

"Bắt thóp" những thói xấu của người Việt

ANTĐ - Mặc dù được đúc kết từ những sự kiện xảy ra trong hơn chục năm, lại từng được đăng tải trên nhiều mặt báo, trang web nhưng những vấn đề đặt ra trong cuốn “Những chấn thương tâm lý hiện đại” của nhà nghiên cứu văn hóa, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn vẫn không hề cũ. Đọc sách của ông, người ta vừa thích thú trước lời văn tỉnh táo, sắc lẹm, vừa không khỏi băn khoăn: Chúng ta đang sống như vậy thật sao? 

"Bắt thóp" những thói xấu của người Việt ảnh 1

Người Việt đang bị bệnh “sốt ruột”

Bạn đọc chắc không quá xa lạ với nhà nghiên cứu văn hóa, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn. Không chỉ là một người nặng lòng với văn chương, nhiều độc giả biết đến ông qua những bài báo, bài nghị luận sâu cay vạch trần những thói hư tật xấu của xã hội. “Những chấn thương tâm lý hiện đại” có thể coi là một khảo cứu khá thú vị của ông về xã hội hiện đại, trong đó tập trung chủ yếu vào đời sống người dân thành thị.

Ở đây, có thể nói, Vương Trí Nhàn đã không ngừng quan sát, để rồi chỉ ra, lý giải một cách cặn kẽ căn nguyên những biểu hiện lệch lạc, sự thoái hóa, xuống cấp của xã hội. Một trong những “căn bệnh” được Vương Trí Nhàn nhắc đến nhiều đó là căn bệnh “sống vội”, bệnh “sốt ruột”: “Hình như nay là lúc ai cũng vội. Hằng ngày mở mắt ra đã thấy bao nhiêu việc chờ mình. Ý nghĩ chúng ta đi quá nhanh. Mà tốc độ đi lại quá chậm”.

Thói quen sống gấp, sống vội tưởng chừng chỉ là một sản phẩm tất yếu của xã hội công nghiệp, chẳng hại đến ai, hóa ra đã len lỏi khắp các ngõ ngách, dần dần ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của mỗi người, khiến người ta dần đồng lõa với cách làm việc qua loa, đại khái, cẩu thả, thiếu trách nhiệm. 

Lĩnh vực viết báo, viết sách cũng vậy. Theo Vương Trí Nhàn, nếu như hồi năm 1986 trở về trước, khi ở Hà Nội chỉ “lom đom” dăm bảy tờ báo, sách viết xong không chắc đã có giấy để in thì người ta không ai bảo ai viết cái gì cũng đậm đà, chậm chạp. Nay thì “…vừa nghĩ ra cái đầu đề đã ngồi ngay vào bàn, bản thảo chưa hoàn thành đã giục nhà xuất bản xin phép cho in”, để đến nỗi khi nhìn lại những gì mình viết mới thấy đã “sa vào vòng tay của sự làm liều, làm ẩu lúc nào không biết”. 

Không chỉ nhắc đến “căn bệnh thời đại”, Vương Trí Nhàn còn sắc sảo bắt bệnh những thói xấu của người Việt, chẳng hạn như “bệnh ảo tưởng”, “thích ồn ào”, “chuyện sùng ngoại”, “nạn cờ bạc”… Ông thậm chí gọi văn hóa giao thông mà chúng ta đang có là một cuộc “biến hình khốn khổ” khi mỗi người tham gia giao thông thay vì nhìn nhau với ánh mắt thiện cảm, lại luôn thường trực một tâm lý “kẻ thù”, sẵn sàng tranh giành nhau từng centimet, nạt nộ nhau khi xảy ra va quệt. Rồi vô vàn những “chấn thương” tâm lý khác mà con người ta không lý giải nổi.

"Bắt thóp" những thói xấu của người Việt ảnh 2

Bìa sách “Những chấn thương tâm lý hiện đại”

Sự trở lại của phiếm luận

Ngòi bút Vương Trí Nhàn tài tình ở chỗ ông kết hợp nhuần nhuyễn những tri thức sách vở với những câu chuyện thế sự, bằng việc sử dụng ngôn ngữ sắc sảo, trực diện nhưng cũng đầy sâu cay. Đọc “Những chấn thương tâm lý hiện đại”, độc giả thấy thích thú khi được gặp gỡ một cây bút không những thông tường văn chương mà còn nắm bắt từ chuyện Tây, chuyện Tàu… và móc nối chúng với những vấn đề nóng hổi của cuộc sống hôm nay.

Với mỗi vấn đề, nhà phê bình này lại có một cách tiếp cận rất đa dạng, khi thì “thẳng tay” vạch rõ khiếm khuyết, khi thì lồng ghép trong một câu chuyện tản mạn, vô thưởng vô phạt nhưng cũng đầy thâm thúy. Cái hay ở đây là mặc dù ngôn ngữ rất thẳng, rất quyết liệt nhưng không nặng về giáo điều hay lấy hiện tượng để quy chụp cho toàn thể.

Người đọc có thể thấy đôi khi ông “đi ngược”, tức là thay vì đồng ý với số đông thì tìm cách lý giải, mổ xẻ vấn đề theo điểm nhìn khác thường. Giống như tiêu đề một bài viết của ông - “Cái đúng hôm qua nay không đúng nữa”.  

Có người nói “Những chấn thương tâm lý hiện đại” đánh dấu sự trở lại của thể loại phiếm luận - vốn tồn tại dưới nhiều tác phẩm đơn lẻ chứ ít khi chịu đứng riêng thành một tác phẩm độc lập. Với riêng Vương Trí Nhàn, người đã hơn chục năm nay theo đuổi thể loại phiếm luận, thì cuốn sách này giống như sự đối thoại giữa những con người khác nhau trong ông.

Trong cuộc đối thoại kỳ lạ đó, người đọc ắt hẳn đã nhìn thấy những lúc đồng cảm, nhưng cũng có cả những cuộc tranh cãi nảy lửa để rồi đi tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: “Chúng ta đang sống như thế nào”, và “Tại sao lại có tình trạng nhân thế như chúng ta đang thấy”. Và kết quả, dù đấu khẩu hay “hòa bình” thì ngòi bút ấy vẫn hướng con người tới những điều tích cực, để cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, hay chí ít là giảm thiểu những ung nhọt, những căn bệnh “biết rồi khổ lắm nói mãi”.