Nhà sưu tập tranh cổ động Dominic Scriven:

Bảo tồn dòng tranh “đặc sản” Việt Nam

ANTĐ - Nửa đời người gắn bó với Việt Nam, doanh nhân Dominic Scriven (Anh) đã từng được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì những cống hiến phát triển kinh tế Việt Nam. Ông Tây nói tiếng Việt thành thạo này còn tìm thấy trong triết lý kinh doanh trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng xã hội, đó là việc sưu tầm tranh cổ động Việt Nam để bảo tồn một dòng tranh “đặc sản” của dải đất hình chữ S. 

Bảo tồn dòng tranh “đặc sản” Việt Nam ảnh 1Tác phẩm nằm trong bộ sưu tập tranh cổ động Dogma do Dominic Scriven dày công sưu tập

Đã từng mua phải tranh giả

- Ngoài ý nghĩa bảo tồn dòng tranh cổ động Việt Nam, còn lý do nào khiến anh say mê các tác phẩm mang tính tuyên truyền này? 

- Tôi là một sinh viên học tại Hà Nội trong những năm 1990. Thời đó, đèn điện rất hiếm và quảng cáo là một việc không phổ biến. Nhưng màu sắc thấp thoáng được nhìn thấy trên những con phố với những dãy nhà màu hoàng thổ là các bức tranh cổ động. Trong khi, người dân mong ước hướng về tương lai, chính quyền tập trung đẩy mạnh loại hình nghệ thuật đặc sắc và đầy ý nghĩa này thì niềm vui của tôi, một sinh viên người Anh là sưu tầm các tác phẩm đó. 

- Anh thấy gì qua các bức tranh cổ động Việt Nam?

- Các tác phẩm tranh cổ động Việt Nam đã kể cho tôi nghe về một thời gian khó ở đất nước các bạn, về đời sống của các họa sỹ. Trong quá trình sưu tầm, tôi đã có một vài bức mà mặt trước của giấy là tranh cổ động nhưng mặt sau lại là một tác phẩm tranh giá vẽ khác. Tôi khá ấn tượng về các họa sỹ vẽ tranh cổ động Việt Nam. Họ không có nhiều vật tư để vẽ mà thường tận dụng một cách triệt để để làm nên một tác phẩm tranh cổ động. Trong khi đó, tranh cổ động Việt Nam thời kỳ này thường được vẽ tay và phóng to trên các tấm pano. Điều này rất khác với các nước có cùng dòng tranh cổ động khi tác phẩm được in ra hàng nghìn bản để làm công tác tuyên truyền. Càng nghiên cứu, tôi càng thấy dòng tranh này có rất nhiều điều thú vị ẩn đằng sau nó. 

- Trong quá trình sưu tầm, Dominic đã từng mua phải tranh cổ động giả chưa?

- Tất nhiên là có chứ! Sưu tập tranh cổ động cũng giống như những rủi ro khi đi chợ vậy. Có lần, tôi mua 5 bức thì dính 3 bức giả. Đây cũng là một điểm thú vị của tranh cổ động Việt Nam bởi các họa sỹ trước kia ít khi ký tên vào tác phẩm. Họ quan niệm vẽ tranh cổ động là cống hiến cho đất nước nên không tính đến bản quyền, tên tuổi cho cá nhân. Có họa sỹ thì ký, có họa sỹ thì đi theo thầy nên ký tên của thầy… Các cửa hàng bán tranh cổ động đương nhiên họ sẽ bảo bức tranh bạn đang cầm trên tay là bức tranh gốc. Nhưng bức tranh đó là của một học trò vẽ theo phong cách của thầy cách đây 40 năm thì tác phẩm đó có được gọi là thật hay không thì còn tùy. Tôi có rất nhiều câu chuyện xoay quanh việc mua-bán tác phẩm tranh cổ động Việt Nam. 

- Sau vài lần mua phải tranh giả, anh có bí quyết nào để phân biệt tranh thật?

- Việc phân biệt tranh thật và giả đều mang yếu tố chủ quan. Quá trình sưu tập tranh cổ động, tôi vừa làm vừa học. Trước khi mua một tác phẩm, tôi thường dựa vào việc đánh giá từ chất liệu giấy vẽ của tác giả có trùng khít với thời điểm ra đời của bức tranh đến màu sơn, chất sơn…

Bảo tồn dòng tranh “đặc sản” Việt Nam ảnh 2Mặt trước của một tác phẩm tranh cổ động

Trong máu cũng có cái gì đó Việt Nam

- Anh thấy tranh cổ động trước kia được các họa sỹ vẽ bằng tay có khác nhiều với các tác phẩm tranh cổ động ngày nay được các họa sỹ vẽ bằng máy?

- Sự khác nhau lớn nhất giữa tác phẩm tranh cổ động thời kỳ trước và ngày nay chỉ được nhận thấy ở công nghệ hình thành tác phẩm nhưng tinh thần thì không. Vẫn là sự cổ vũ trong các nhiệm vụ quan trọng của đất nước. Tuy vậy, trên đường phố giờ đây màu sắc đã đa dạng hơn, nhiều tấm quảng cáo được mọc lên nên tính độc tôn của tranh cổ động đã không còn như trước. Người dân có nhiều sự lựa chọn trong việc tiếp nhận thông tin. 

- Có mối liên hệ nào giữa tài chính, công việc anh đang làm và tranh cổ động không, thưa anh?

- Triết lý về kinh doanh thì mỗi nơi, mỗi khác. Tuy nhiên, có một khái niệm ngày càng được phổ biến trên thế giới, đó là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng xã hội không chỉ trên lĩnh vực kinh doanh. Nhiều người hiểu đó là làm từ thiện nhưng không hẳn như vậy. Sự đóng góp này ở cả giá trị vật chất và phi vật chất. Với tư cách là một doanh nhân, tôi thấy mình có trách nhiệm bảo tồn dòng tranh “đặc sản” của Việt Nam. Ngoài ra, tôi còn thành lập một trung tâm bảo tồn sinh học ra đời cách đây 10 năm. 

- 25 năm sống tại dải đất hình chữ S, anh đã là người Việt Nam thực thụ?

-  Tôi không biết mình đã là người Việt Nam thực thụ hay chưa nhưng tôi thấy trong máu mình cũng có cái gì đó Việt Nam. Tôi có thể ăn được mắm tôm, hiểu về tập quán, phong tục đất nước các bạn nhưng món thịt chó giả cày thì tôi vẫn chào thua vì loài vật này lâu nay vẫn là người bạn trung thành của con người, không ai ăn thịt bạn mình cả (cười). 

- Xin cảm ơn và mong anh luôn giữ những tình cảm tốt đẹp với Việt Nam!