Áo dài xưa “chảy” cùng lịch sử

ANTĐ - Không phải di sản quá tầm cỡ với đại bào, triều phục, những chiếc áo dài xưa trong bộ sưu tập “Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh” được người con xứ Huế Thái Kim Lan xem như một “vết cắt” trong 100 năm áo dài Việt Nam. 
Áo dài xưa “chảy” cùng lịch sử ảnh 1

GS.TS Thái Kim Lan

Lênh đênh số phận bảo vật

“Những chiếc áo dài hẳn là vẫn còn nằm yên trong bóng tối, nếu không có mẹ tôi”, GS.TS Thái Kim Lan - chủ nhân của bộ sưu tập những chiếc áo dài xưa và cũng là một người con xứ Huế chia sẻ như vậy. Giữa bộn bề chiến tranh, sau giai đoạn 1975, do khó khăn về kinh tế và cả ý thức hệ phong kiến, nhiều gia đình đã tìm cách tống khứ những chiếc áo dài này đi. “Có gia đình quyền quý đã bán những chiếc áo đại bào quý giá để mua một tô bún bò cho con cháu hay mua một vỉ thuốc chữa cảm”. Số phận của những chiếc áo dài và số phận của cả gia đình GS.TS Thái Kim Lan đã khác, nếu như không có sự quyết liệt của người con gái phương xa lúc bấy giờ sang Đức du học, đã khẩn nài mẹ bằng mọi cách giữ lại những bộ áo dài xưa, “di sản” quý báu được những người trong hoàng tộc và triều đình tặng lại. Để cho đến những năm 1980, những y phục này đã theo chân mẹ bà Thái Kim Lan sang trời Âu và được giữ gìn, nâng niu như cổ vật. 

Bộ sưu tập áo dài xưa có xuất xứ từ Huế tồn tại trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ XIX và XX. Gọi là “áo dài xưa” để phân biệt với áo dài trong thời mới do họa sỹ tiên phong của trào lưu cách tân giải phóng Nguyễn Cát Tường khởi xướng. Điểm đặc biệt trong những chiếc áo dài này theo bà Thái Kim Lan đó là dù phủ kín, không để lộ đường nét thân thể nhưng vẫn tôn vinh dáng dấp của người phụ nữ. Hay nói cách khác, chúng vừa lộng lẫy, cao sang nhưng vẫn tinh tế, nhã nhặn. 

Áo dài xưa “chảy” cùng lịch sử ảnh 2Áo Long bào của vua Khải Định có niên đại 100 năm

Những chiếc áo có tuổi thọ 100 năm

Bắt nguồn từ tứ thơ của chính bà Thái Kim Lan trong tập thơ “Lạnh hơn xứ mình” - tên gọi “Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh” đã phản ánh rõ nét hồn cốt của bộ sưu tập. Sắc vàng chủ đạo tượng trưng cho hoàng tộc chảy từ lịch sử đến hiện tại, cho thấy sự trường tồn của những nét đẹp với thời gian. Gồm 12 trang phục, từ những lễ phục cho đến những y phục đời thường như Áo vua Khải Định, Áo dài Hoàng thái hậu, Áo dài gấm the, Áo mệnh phụ, Áo xiêm, Khăn vành…

Áo dài xưa “chảy” cùng lịch sử ảnh 3Áo Mệnh phụ bằng lụa the cung đình màu xanh ngọc thạch 
dưới triều vua Thành Thái, niên đại khoảng năm 1905

Đáng chú ý nhất đó là chiếc Long bào của vua Khải Định có tuổi đời lên tới 100 năm. Chiếc áo xuất hiện từ khoảng năm 1915-1916, chiếc Long bào có thêu rồng 5 móng, được may bằng gấm đoạn,  gồm 5 thân và 5 hột nút. Thân con tượng trưng cho người mang áo, 4 thân trước sau tượng trưng cho cha mẹ nội ngoại, 5 hột nút tượng trưng cho nhân cách con người.

“Trang phục chứng tỏ sự văn minh của người mặc. Mặc chiếc áo dài thể hiện thái độ với người xung quanh và chính người khác nhìn vào cũng thấy được tôn trọng. Chiếc áo dài không chỉ làm đẹp mà còn mang ý nghĩa sâu xa như vậy” - bà Thái Kim Lan cho biết. Ngoài ra còn phải kể đến là chiếc khăn vành dài 12m, màu xanh nước biển làm bằng lụa nhiễu cát, khi đi cùng với áo Mệnh phụ trở nên đặc biệt quý hiếm vì nó thể hiện đức hạnh gương mẫu của người phụ nữ trong gia đình. Theo kể lại, một người cô họ Thái của bà Kim Lan, từng được vua Thành Thái rất yêu mến và phong danh hiệu “Tiết hạnh khả phong” là một trong những người có vinh dự mặc bộ trang phục này.

Bà Thái Kim Lan tâm sự: “Ngày trước vua chúa mặc áo dài, người dân mặc áo dài, áo dài đã trở thành trang phục thường ngày. Còn ngày nay, khi trở lại, tôi bất ngờ nhận ra sự biến mất của những chiếc áo dài trên đường phố Huế - nơi nó được sinh ra. Sự vắng bóng ấy là động lực thôi thúc tôi đưa áo dài xưa trở lại Việt Nam”. Quả thật, những chiếc áo đã trải qua một chặng đường dài từ xứ sở xa xôi để trở về quê hương, nhờ công sức của một phụ nữ nặng lòng với văn hóa Việt. Đối với bà, đó như là cây cầu nối bà với quê hương, là tiếng nói nhắc nhở bà phải gìn giữ di sản quý báu của cha ông để lại, có trách nhiệm bảo tồn và phục dựng để lưu lại truyền thống văn hóa của đất nước nếu không muốn bị lãng quên.