Áo dài Việt cực kỳ quyến rũ qua góc nhìn của các hoạ sĩ

ANTD.VN - Chỉ xoay quanh chiếc áo dài và người phụ nữ Việt Nam, triển lãm”Chuyện áo dài” của nhóm họa sĩ G39 tổ chức, đã góp phần tôn vinh vẻ đẹp Việt, mang thông điệp áo dài là câu chuyện của người Việt, lịch sử của người Việt. 

Vào khoảng năm 1930, chiếc áo dài Việt được nhà thiết kế Cát Tường cách tân từ chiếc áo tứ thân, ngũ thân mớ ba mớ bảy của cha ông thành 2 thân, tức là chỉ còn vạt trước và vạt sau. Và cũng từ đây, chiếc áo dài đâu chỉ còn là cái áo mà đã mang tâm hồn Việt, với vẻ đẹp e ấp, duyên dáng.

Với lịch sử hình thành và gắn bó mật thiết người phụ nữ  Việt Nam như vậy, nên nhắc đến tà áo dài Việt Nam là gợi nhắc niềm tự hào của nhan sắc Việt và cũng là nguồn cảm hứng sáng tác mạnh mẽ của các họa sĩ.  

Tác phẩm "Thiếu nữ Hà thành" (1978) của cố họa sĩ Lưu Công Nhân.

Áo dài và phụ nữ là một trong những đề tài được các thế hệ họa sĩ Việt khai thác dày đặc với nhiều thành công trong tạo hình và sáng tạo nghệ thuật. Kể từ bộ tứ hội họa đầu tiên (Trí, Lân, Vân, Cẩn) đến bộ tứ thứ hai (Phổ, Thứ, Lựu, Đàm), bộ tứ thứ ba (Nghiêm, Liên, Sáng, Phái) cho tới các họa sĩ tài danh khóa kháng chiến (Mai Long, Lưu Công Nhân…) và các họa sĩ trẻ hiện nay đều có tranh rất đẹp vẽ phụ nữ mặc áo dài. Nhóm họa sĩ G39 không là ngoại lệ.

Tranh phấn màu của cố họa sĩ Nguyễn Bích

Ngay khi có thông tin các nhà thiết kế Trung Quốc "nhận nhầm" áo dài Việt là sáng tạo của họ, nhóm họa sĩ này đã lên kế hoạch tổ chức triển lãm về áo dài. Giám tuyển Lê Thiết Cương cho biết, chuyện tôn vinh và bảo vệ áo dài không của riêng ai nhưng nghệ sĩ thì chỉ có cách hay nhất, đẹp nhất là lên tiếng bằng chính tác phẩm của mình.

Một tác phẩm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Dzungart Nguyễn

Ở lần trưng bày này, triển lãm không chỉ giới thiệu người xem các tác phẩm hội họa đẹp mắt mà còn là các tác phẩm nhiếp ảnh và thời trang được các nghệ sĩ dày công thực hiện. Điều đó nói lên, có một dòng chảy nghệ thuật vẫn âm thầm nối tiếp về vẻ đẹp Việt và áo dài, mà không cần sự thúc ép hay kêu gọi sáng tác.

Họa sĩ Phạm Trần Quân chia sẻ về lý do vẽ áo dài rằng, anh thường vẽ những điều mình thích, rung động. Vậy vẽ áo dài cũng là một sự xúc động trước vẻ đẹp của con người và trang phục phụ nữ Việt.

Còn họa sĩ Tào Linh đã coi việc vẽ áo dài như là hành động bảo vệ chủ quyền văn hoá của anh em nghệ sĩ. Áo dài là cái cớ để hoạ sĩ vẽ, khai thác nhưng trên tranh thì còn là vấn đề thị giác.

Một tác phẩm của họa sĩ Tào Linh

Cá biệt, tại triển lãm lần này, nữ họa sĩ Hồng Phương còn mang tới bức tranh phấn màu vẽ 4 chị em gái chị mặc áo dài lên chùa và do bố chị, cố họa sĩ Nguyễn Bích thực hiện. Bức vẽ đã gợi lại ký ức của nữ họa sĩ Hồng Phương với gia đình và chiếc áo dài.

Họa sĩ Nguyễn Minh Hiếu cho biết, ý tưởng vẽ áo dài rất đơn giản, từ chính hình ảnh của bà, mẹ đi lễ chùa hay cô bạn người yêu thời cấp hai diện đồng phục. "Áo dài tựa như hơi thở của người Việt Nam nên việc sáng tác không gặp chút khó khăn nào. Những dịp quan trọng, phụ nữ trong gia đình tôi đều mặc trang phục này với niềm tự hào về nét đẹp truyền thống của dân tộc", anh chia sẻ.

Tác phẩm của nữ họa sĩ  Nguyễn Hồng Phương

Ngắm nhìn các sáng tác của nhóm họa sĩ G39, người xem sẽ nhận ra, dường như chỉ những tâm hồn rất tinh tế của nghệ sĩ Việt mới sáng tạo ra chiếc áo dài và áo dài cũng chỉ đẹp nhất khi ở trên thân hình mảnh mai, thanh tú của người phụ nữ Việt.