14 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Nhớ người về cõi thênh thang!

ANTĐ - “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không?”. Một câu hát rất Trịnh và suốt đời mình Trịnh Công Sơn đã sống đúng như thế - dâng cả tình yêu cho cuộc đời. Dù đã về cõi vĩnh hằng, linh hồn anh vẫn mãi mãi đi về trong âm nhạc, trong thơ, trong tranh. Gió không cuốn anh đi, gió thổi anh trở lại với cuộc đời.

14 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Nhớ người về cõi thênh thang! ảnh 1Nhà thơ Vĩnh Nguyên, nhạc sĩ Việt Đức, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (ảnh từ trái sang, chụp năm 1990)

Một người bạn, một người tình…

Trịnh Công Sơn khác với người thường bởi anh có đôi cánh tình yêu cuộc đời, đôi cánh mọc ra từ trái tim nghệ sĩ tài hoa bay qua vùng tuyệt vọng sâu thẳm của con người. Và vì thế, anh là thần tượng của tuổi trẻ. Tôi mãi mãi tin rằng, chiếc áo măng-tô cũ sờn của anh trong một đêm hát đã được các bạn trẻ hâm mộ xé ra thành trăm mảnh thuở xa xưa, giờ đây vẫn còn thơm thảo kỷ niệm xanh trong đáy va-li của những người bạc tóc.

Tôi vĩnh viễn không còn được nghe giọng Huế dịu dàng của anh ở đầu kia điện thoại, hay trong những cuộc hội ngộ bạn bè. Tôi bấm số điện thoại gọi anh, chỉ còn nghe tiếng vọng của gió trời. Buồn. Từ nay không còn được ngồi chờ những bài hát mới của anh. Người ta hát lại những bài hát xưa của Trịnh. Họ nhìn anh ôm đàn, cầm cọ hay nâng ly rượu trong bàn tay tháp bút mảnh khảnh trên những đoạn phim còn lưu lại.Vẫn biết phận người hữu hạn. Những ngày sống trong đời, anh đã sống đến kiệt cùng. Và, âm nhạc của anh không bao giờ ngưng nghỉ, nó như khe suối sông hồ dào dạt vỗ về thế giới bồng bềnh…

Ôi, số phận trớ trêu. Anh nói: “Sơn là một người bạn. Đôi khi Sơn là một người tình”. Hàng triệu người yêu anh, vậy mà giờ đây anh mãi mãi độc thân về với Mẹ.

Vẫn thấy bên đời có Sơn…

Nhớ một chiều Hà Nội rét ngọt, tôi đi qua con phố cà phê Triệu Việt Vương, nghe vọng ra từ đâu đó giọng hát liêu trai Khánh Ly: “Vẫn thấy bên đời còn có em/ Tấm lòng em như lá kia còn xanh...”. Lòng tôi se thắt lại, nhớ tới người đã làm ra câu hát hanh hao ấy. Và tôi chợt nghĩ câu hát ấy giờ này đã trở thành câu hát tặng chính anh! Vâng, vẫn thấy bên đời còn có Sơn... Người đã ra đi thật trong ngày nói dối, làm giật thột cả những người vốn thích đùa dai.

Tôi còn nhớ buổi trưa hôm đó trong một quán bia hơi Hà Nội, nhận được cú điện thoại điếng người của nhà thơ Trương Nam Hương gọi từ Sài Gòn báo tin "Anh Sơn không còn nữa", và nhờ tôi viết bài về anh cho báo ngày hôm sau. Phải mãi tới nửa đêm tôi mới cầm nổi bút để khẳng định "Trịnh Công Sơn, người tình lãng du của nhiều thế hệ đã qua đời". Nhiều người đã khóc khi đọc bài báo ấy, khóc vì họ đã vĩnh viễn mất đi một tài năng cô độc luôn an ủi họ bên đời. 8 ngày sau, chúng tôi đã kịp làm đêm nhạc Trịnh Công Sơn đầu tiên tại Hà Nội để người Hà thành cùng với Diễm Quỳnh, Quang Thọ, Thanh Lam, Hồng Nhung, Thuỳ Dung, Tấn Minh... tưởng nhớ anh. Thuỳ Dung đã tự mang đến 63 ngọn nến thắp tuổi anh lên trong giai điệu “Một cõi đi về”.

Chúng tôi ngồi với nhau tàn đêm và cuối cùng còn lại 3 người: Nguyễn Thụy Kha, Đoàn Tử Huyến và tôi. Ba người muốn làm một điều gì đó nữa về anh. Đấy là một quyết định táo bạo, làm một cuốn sách tập hợp những bài viết về anh in cùng 63 lời bài hát và những bài văn xuôi anh để lại cho đời. Thật kỳ lạ, hai tuần sau chúng tôi đã chuẩn bị xong bản thảo dày gần 600 trang, có cả bài của Văn Cao và Phạm Duy, bài của Hồng Nhung và Khánh Ly, có cả bài trong nước và ngoài nước... và trước ngày giỗ thất tuần của anh, cuốn sách “Trịnh Công Sơn - một người thơ ca, một cõi đi về” đã ra mắt công chúng. Đây là cuốn sách dày dặn đầu tiên về người nhạc sĩ tài hoa trọn đời xưng tụng tình yêu và thân phận con người. Bây giờ đã có năm, sáu cuốn sách viết về anh, và người bạn thân thiết của anh, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã xuất bản cuốn “Hành tinh của Hoàng tử Bé Trịnh Công Sơn”, tác phẩm được viết trên giường bệnh. Chưa có một nhạc sĩ Việt Nam nào được viết sách nhiều như thế. Vâng, chỉ có anh, bởi vì anh là Trịnh Công Sơn.

Sinh thời, anh đã vẽ lên giấy, lên toan biết bao gương mặt người thân. Anh đi rồi, bao nhiêu phòng tranh vẽ anh đã được trưng bày. Bửu Chỉ, Đinh Cường đã làm một cuộc nhớ Sơn bằng tranh ở Huế. Phạm Mùi cũng đã vẽ hơn 60 bức cả chân dung lẫn ca khúc của anh bày thường xuyên trong ngõ Thái Hà, Hà Nội làm say lòng bao người mến mộ. Có người đã gọi ngõ Thái Hà là ngõ Trịnh Công Sơn. 

Lời hẹn thề là những cơn mưa

Lại đã hết tháng 3. Tôi nhớ cũng vào những ngày này cách đây nhiều năm, trong một lần đi qua miền Trung, xe dừng lại ở Huế - quê hương Trịnh. Người lái xe hỏi tôi: “Đường Trịnh Công Sơn ở đâu anh?”. Ý người lái xe muốn ghé vào con đường ấy uống ly cà phê để được nghe nhạc Trịnh. Vâng, nếu có đường Trịnh Công Sơn, thế nào chẳng có cà phê và nhạc Trịnh. Ngày ấy Huế vẫn chưa có đường Trịnh Công Sơn. Chúng tôi ghé vào một quán cà phê tình cờ bên sông Hương. Trong mưa uống ly cà phê nóng với lời hát nghẹn lòng: “Lời hẹn thề là những cơn mưa…”.

Đến giờ sau 14 năm Trịnh xa cõi trần, Huế đã có con đường mang tên người nhạc sĩ của chính mình. Đó là con đường ven sông Hương thơ mộng khởi đầu từ cầu Gia Hội bên chợ Đông Ba. Nhiều năm trước, khi Hữu Thu (VTV Huế) đón tôi đến thăm con đường ấy, người ta đang thi công công viên ven sông, bên lề đường Trịnh Công Sơn. Công viên này là nơi thư giãn thật đẹp, nó cũng là bến đi về của những con thuyền du lịch sông Hương. Tôi hỏi Hữu Thu, công viên có tên gì? Thu bảo chưa đặt tên. Tôi nghĩ: Cũng có thể là công viên Trịnh Công Sơn.  Trong cuộc đời, tôi quen thân nhiều nhạc sĩ, nhưng sao tôi cứ nhớ Văn Cao và Trịnh Công Sơn thật day dứt. Hai người nhỏ con. Hai người Thiên định. Hai người ấm áp. Hai thiên tài của thế kỷ 20. Hai người đã mãi mãi đi xa. Cũng có thể là do một tam hợp tử vi Hợi-Mão-Mùi đã nối kết chúng tôi thành những người bạn vong niên. 

Tôi nhớ lời Văn Cao một lần đề tặng tập thơ “Lá” của ông gửi vào Huế cho tôi năm 1988: “Tạo ơi, đi đâu mà đi lâu thế?”. Hơn cả một lời đề tặng.

Tôi nhớ lời Trịnh Công Sơn nói với tôi lần cuối cùng tại quán trà trên đường Đồng Khởi trước khi tôi chia tay anh lần cuối cùng, ra sân bay về Hà Nội tháng 3-2001: “Tạo đừng bỏ rượu, nhưng nhớ uống vừa thôi nghe”. Đầu năm 2014, trong vườn của tôi đã có tượng của 2 Người Anh…