Rượu - thuốc độc của hệ thần kinh

ANTĐ - Các loại rượu, bia hoặc đồ uống chứa cồn (etanol) rất độc hại cho cơ thể vì chất này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn “đầu độc” hệ thần kinh của con người, dẫn tới tình trạng rối loạn, mất kiểm soát hành vi.

Rượu - thuốc độc của hệ thần kinh ảnh 1

Phá hoại não bộ

Cồn có trong rượu, bia được hấp thụ trên toàn bộ hệ tiêu hóa, bắt đầu ngay từ niêm mạc miệng. Cồn được hấp thụ ở đây sẽ đi thẳng vào máu và được phát tán trên toàn cơ thể. 

Sau khi uống rượu, nếu nồng độ cồn trong máu là 30mg/dl, con người sẽ cảm thấy hưng phấn nhẹ, tăng thêm 20mg/dl nữa thì xuất hiện trạng thái mất thăng bằng, lên tới mức 100mg/dl, tình trạng lảo đảo thể hiện rõ ràng.

Khi nồng độ cồn trong máu ở mức 200mg/dl, nhận thức sẽ gặp cản trở, hoạt động trí não bị trì trệ. Ở mức 300mg/dl, người uống rượu sẽ rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê, hầu như không thể di chuyển; đến mức 1.000mg/dl đã rơi vào trạng thái bất tỉnh, có thể dẫn tới tử vong. Các nghiên cứu cho thấy, etanol phá hoại hệ thần kinh con người một cách khủng khiếp. Các đồ uống chứa cồn sẽ ức chế sự hấp thụ vitamin B1 và lưu lại trong gan, khiến cơ thể của “ma men” thiếu hụt vitamin này so với người không hoặc ít uống rượu. Trong khi đó, năng lượng chủ yếu của não bộ đến từ hoạt động chuyển hóa glucose, khi thiếu hụt vitamin B1 sẽ khiến chất thiamine pyrophosphate sụt giảm gây cản trở quá trình chuyển hóa glucose, từ đó khiến kết cấu và chức năng của não bộ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, sự thiếu hụt vitamin B1 còn cản trở quá trình trao đổi pentose phosphate, ảnh hưởng tới việc tổng hợp của phospholipid, khiến mô thần kinh ngoại vi và trung ương bị thương tổn.

Gây rối loạn hành vi 

Một kết luận nghiên cứu đăng trên “Trung y học báo” chỉ ra, những nam giới uống rượu trong một thời gian dài (đa phần nghiện rượu) thường có những triệu chứng điển hình như gặp ảo giác thị giác và thính giác, nói nhiều, rối loạn giấc ngủ, dễ bị kích động và có hành vi hung hăng, bạo lực. Còn theo thông tin trên trang web của Tổ chức y tế thế giới (WHO), gánh nặng của các “ma men” tiêu thụ chất cồn phần lớn là do thương tích có chủ ý và không chủ ý. Trong đó bao gồm những hệ quả từ việc gặp tai nạn giao thông, đánh nhau hoặc tự sát. Hành vi tự gây thương tích cho bản thân sau khi “quá chén” thường gặp ở nhóm nghiện rượu trẻ tuổi.

4 loại bệnh phổ biến về thần kinh do tác động của rượu là bệnh não Wernicke (Wernicke’s encephalopathy) và loạn tâm thần Korsakoff (Korsakoff ’s psychosis) - những di chứng lâu dài của hành vi lạm dụng rượu, bệnh giảm sút thị lực do rượu (alcoholic amblyopia) và bệnh thần kinh ngoại biên do rượu (alcoholic peripheral neuropathy). Khi mắc phải những bệnh này, không chỉ gây ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, mà còn tác động tiêu cực tới đời sống tinh thần của gia đình, cộng đồng, xã hội, đặt chính bản thân trước nhiều nguy cơ xấu. Do vậy, mỗi người cần có ý thức rõ ràng về những tác hại của rượu mỗi khi bắt đầu các cuộc vui, trong khi bạn bè và gia đình cũng phải đóng vai trò là “tỉnh táo viên” để ngăn chặn khi thấy người thân có biểu hiện sa đà vào rượu.