Dễ rước họa do tắm bể bơi đông người

ANTĐ - Sự việc hàng chục nghìn người chen chúc vào Công viên nước Hồ Tây tắm miễn phí vào ngày chủ nhật (19-4) vừa qua không chỉ tạo ra sự hỗn loạn, quá tải trầm trọng mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về sức khỏe. Theo các chuyên gia y tế, việc bể bơi quá tải sẽ dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, là môi trường thuận lợi để phát tán, làm lây lan các bệnh ngoài da, mắt, hô hấp…

Dễ rước họa do tắm bể bơi đông người ảnh 1Bể bơi quá tải dẫn đến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, phát sinh dịch bệnh

Bể bơi quá tải, chất lượng nước khó đạt

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội cho biết, hiện nay việc quản lý các bể bơi được áp dụng theo Thông tư 02 của Bộ VH-TT&DL, trong đó có một phần nội dung quản lý về y tế do ngành y tế đảm trách. Ở Hà Nội, với các bể bơi lớn do thành phố quản lý thì TTYTDP Hà Nội sẽ kiểm tra, giám sát y tế theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công, còn với các bể bơi nhỏ thì phân cấp cho quận, huyện quản lý, giám sát. 

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc TTYTDP Hà Nội cho biết, qua kiểm tra công tác đảm bảo y tế ở một số bể bơi lớn do thành phố quản lý, các chỉ tiêu, điều kiện tương đối đảm bảo song ở các bể bơi nhỏ thì vẫn còn không ít nguy cơ như thiếu hệ thống cảnh báo, không đủ lực lượng nhân viên cứu hộ, không tiến hành lọc nước theo đúng thời gian, số lượng quy định… Riêng về chất lượng nước bể bơi, theo Thông tư 02 của Bộ VH-TT&DL quy định nước bể bơi phải đáp ứng được chỉ tiêu chất lượng nước sinh hoạt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt. “Với các bể bơi khác ở Hà Nội, khi kiểm tra chất lượng nước, các chỉ số hóa học hầu như không có vấn đề gì nên quá trình kiểm tra chúng tôi chủ yếu tập trung vào các chỉ số vi sinh, cá biệt vẫn có một vài trường hợp chưa đạt” - ông Tuấn nói.

Tương tự, các bể bơi lớn ở Hà Nội như khu Công viên nước Hồ Tây cũng đều đạt quy chuẩn này nhưng khi bể bơi quá tải trầm trọng thì chất lượng nước khó có thể đảm bảo được. Ông Khổng Minh Tuấn phân tích, mật độ người ở bể bơi đã có quy định rất chặt chẽ, phụ thuộc chủ yếu vào diện tích, sức chứa và khả năng đáp ứng của bể bơi. Nếu lượng người vào bể bơi quá tải gấp nhiều lần thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe chính là mất an toàn, thậm chí là đe dọa tính mạng. Lý do vì đội ngũ nhân viên cứu hộ, nhân viên giám sát, phục vụ của bể bơi có hạn, khó đáp ứng nổi nhiệm vụ khi lượng khách tăng đột biến. Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo vệ sinh trong bể bơi, chất lượng nước cũng bị ảnh hưởng, nguy cơ mất vệ sinh rất lớn do lượng người đến bể bơi thuộc đủ đối tượng khác nhau, có thể mang theo rất nhiều mầm bệnh…

Nhiều nguy cơ rình rập

Được biết, Công viên nước Hồ Tây có hệ thống các khu bể và các khu đường trượt cùng hệ thống lọc nước tuần hoàn đạt chuẩn châu Âu và Nhật Bản, công viên cũng có đầy đủ hệ thống các khu nhà tắm tráng, thay đồ, trạm y tế chăm sóc sức khỏe cho khách hàng. Tuy nhiên do lượng khách đến vào ngày 19-4 vừa qua quá đông đã dẫn đến tình trạng quá tải trầm trọng nên mới khoảng 9h30 sáng cùng ngày, phía công ty đã phải đóng cửa khu công viên nước. Dù vậy, vẫn có rất nhiều người dân tiếp tục trèo tường, vượt hàng rào để vào khu vực này.

Tiến sĩ Vũ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, tình trạng quá tải do lượng người quá đông sẽ dẫn đến ô nhiễm nguồn nước. Lúc này, nồng độ vi khuẩn trong nước sẽ cao vượt mức cho phép, dễ gây ra các phản ứng viêm da, viêm nang lông, viêm lỗ chân lông với những biểu hiện có thể gặp tức thì như như ngứa, sần sùi nốt đỏ. Nguy hiểm hơn là trong số rất nhiều người có thể có những người bị bệnh ngoài da, đây sẽ là nguồn phát tán mầm bệnh nguy hiểm ra môi trường nước thông qua làn da tiếp xúc trực tiếp với nước, qua nước bọt, thậm chí nước tiểu vào trong nước bể bơi. Đặc biệt, nếu có người bị nấm da thì sẽ rất dễ lây truyền, phát tán bệnh bởi loại nấm có thể bám vào quần áo, vào kính bơi của những người khác tắm chung bể bơi.

Bác sĩ Vũ Mạnh Hùng cảnh báo, các bệnh lây truyền qua da vốn rất dễ lây do làn da khá mỏng, nhất là trẻ em nên dễ bị vi khuẩn xâm nhập. Hơn nữa, các loại vi khuẩn phát tán, lan truyền trong môi trường nước còn có thể xâm nhập vào người khác thông qua nhiều con đường khác nhau, như uống phải nước bể bơi khi bơi, nên ngoài các bệnh da liễu thì việc tắm chung ở các bể bơi có môi trường nước không đảm bảo, bị ô nhiễm còn có thể mắc phải nhiều bệnh lý khác như bệnh về mắt, hô hấp, tiêu chảy… 

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng bệnh cho mình và cộng đồng, những người mắc bệnh ngoài da, đau mắt đỏ, quai bị… không nên tắm bể bơi công cộng. Trước khi bơi nên tắm qua và không phóng uế, khạc nhổ trong lúc bơi, trang bị kính bơi để bảo vệ mắt và tắm lại bằng nước máy sạch sẽ, vệ sinh tai mũi ngay sau khi bơi.

Theo Thông tư 02 của Bộ VH-TT&DL, các bể bơi phải đảm bảo thay nước, cọ rửa và khử trùng nước theo quy định, tối thiểu 1 lần/ngày đối với các bể̀ bơi có hệ thống lọc tuần hoàn. Hàm lượng chất vẩn đục không lớn hơn 2 mg/l đối với bể bơi ngoài trời, không lớn hơn 1 mg/l cho bể bơi trong nhà; hàm lượng Amoniac, Clorua không lớn hơn 0,5 mg/l…