Hội Lim 2015: Không tiền, quan họ mất vui?

ANTĐ -  Trên bờ, những chiếc loa thùng nhạc chát chúa phát ra, mạnh loa nào loa ấy quảng cáo hút khách. Dưới thuyền, những liền anh liền chị vừa tình tứ hát giao duyên, vừa tươi cười ngả… cơi trầu nhận tiền từ khách. Mấy năm rồi, hội Lim vẫn còn chuyện “ngả nón xin tiền”, dù trước mùa hội các nhà quản lý đều nói rất hay.

Hội Lim 2015: Không tiền, quan họ mất vui? ảnh 1“Không nón”, liền anh liền chị ngả cơi trầu nhận tiền của khách

Hàng quán bủa vây liền anh, liền chị

Hàng nghìn du khách thập phương đã đổ về hội Lim trong buổi sáng 3-3 (tức ngày 13 tháng Giêng), một trong những lễ hội lớn nhất của Bắc Ninh. Năm nay, mọi ngả đường dẫn đến 3 địa điểm chính là thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão đều được tổ chức phân luồng khá thông thoáng, có lực lượng công an ứng trực nên dù là chính hội, không có hiện tượng ùn tắc, quá tải xảy ra ở đây. 

Từ 7h30 sáng, phần lễ đã diễn ra với nghi thức rước, dâng hương tại chùa Hồng Ân, lăng Quận công Nguyễn Đình Diễn trên đồi Lim và các đình, đền, chùa khác tại các làng thuộc xã Nội Duệ, thị trấn Lim. 8h sáng, đoàn rước từ làng Lim dài gần 1km, tiến về Trung tâm văn hóa đình Lim - ngôi đền nổi tiếng linh thiêng để làm lễ tế. Theo cụ Nguyễn Đình Liên, Ban Kiến thiết đình Lim, tập tục này có từ lâu đời, để tưởng nhớ vị trấn thủ Nguyễn Đình Diễn, người làng đình Cả, Nội Duệ có nhiều công lao với triều đình, hiến đất, hiến của xây dựng, trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, sau được 6 xã suy tôn là vị Thành hoàng làng. Điểm đáng ghi nhận tại hội Lim năm nay, đó là hoạt động đổi tiền lẻ đã gần như không xuất hiện, có lẽ là do Ban tổ chức đã trưng bảng “Cấm đổi tiền lẻ” ở nhiều nơi, đặc biệt là tại khu vực lễ chùa. 

Song song với phần lễ, khu vực đồi Lim là nơi trung tâm diễn ra các trò chơi dân gian như đánh đu, đấu vật truyền thống, bịt mắt bắt dê, đập niêu, tổ tôm điếm, cờ người… được coi là nơi tái hiện những nét văn hóa độc đáo truyền thống của người dân xưa. Tuy vậy, để đến được đây, du khách đi bộ qua một quãng đường tương đối dài với đủ các hàng quán, kinh doanh từ ăn uống đến vui chơi, trúng thưởng như bắn súng hơi, phi tiêu đổi quà… Chưa vào đến hội, chúng tôi đã bị một thanh niên mời chơi phi tiêu với giá 20.000 đồng/6 tiêu. Vừa từ chối được thì những người bán thịt xiên nướng, xúc xích… dàn hàng bao vây, mời mọc. Chưa thấy không khí hội, dường như nhiều người đi hội đã bị xao nhãng bởi những mùi thơm từ hàng ăn ven đường và cả bởi những thứ nhạc đinh tai nhức óc phát ra từ những chiếc loa công suất lớn, át cả tiếng hát quan họ đằm thắm.  

Hội Lim 2015: Không tiền, quan họ mất vui? ảnh 2Các điểm trò chơi phi tiêu đổi quà như thế này không thiếu trong hội Lim

Háo hức đi xem, nhanh chóng bỏ về

Nhắc đến hội Lim là nhắc đến những làn điệu quan họ trứ danh - đặc sản của quê hương kinh Bắc. Ban tổ chức hội Lim 2015 đã bố trí một sân khấu chính và nhiều lán hát quan họ tại khu vực đồi Lim, cũng như những điểm hát canh tại nhà nghệ nhân. Tuy nhiên, khi vào đến khu vực đồi Lim, đập vào mắt các du khách lại là dịch vụ cho thuê áo tứ thân, nón quai thao, áo the khăn xếp đủ màu sắc. Với mức giá khoảng 20.000 - 30.000 đồng/bộ, nhiều bạn trẻ chen chúc để “hóa thân” thành các liền anh liền chị, nhằm mang về kiểu ảnh kỷ niệm. Thành ra đi đâu cũng thấy liền anh liền chị, chẳng biết đâu là thật, đâu là giả. 

Giống mọi năm, rất đông người đi hội nhanh chân kiếm một chỗ đẹp trong khu vực thủy đình để xem màn hát quan họ trên thuyền rồng. Bất chấp quy định từ Ban tổ chức hội Lim là cấm mọi hình thức “ngả nón xin tiền”, thế nhưng năm nay tình trạng này vẫn tiếp diễn. Mỗi lần thuyền cập bờ, các liền chị lại khéo léo ngả cơi đựng trầu để hứng tiền từ du khách. Nhận tiền xong, liền chị liền trút tiền xuống chiếc hòm đặt kín đáo trên khoang thuyền. Cũng không thể trách người quan họ, khi du khách vẫn còn thói quen xem hát là phải đưa tiền, như một hình thức… trả công. Ít thì chỉ vài đồng lẻ để “mua” lấy một miếng trầu têm cánh phượng, nhưng thường thì ai cũng bỏ vào 10.000 - 20.000 đồng. Thịnh tình khách như thế, liền anh liền chị cũng ái ngại, “không nhận không xong”. Có trường hợp cũng chẳng cần cơi trầu, du khách đưa tiền trực tiếp cho liền anh, hay thi thoảng í ới gọi không được, bèn… vứt luôn tiền lên thuyền. 

Từ sáng đến tận trưa, chiếc thuyền trở đi trở lại nhận giấy yêu cầu bài hát của du khách, xem ra liền anh liền chị cũng… mệt, mà người đi hội cũng sốt ruột. Cụ Nguyễn Thị Phấn, trú tại thị trấn Lim cho biết: “Ngày xưa chúng tôi cũng đi hát, nhưng ngồi ngay tại cửa đình, nam nữ hát đối đáp nhịp nhàng phục vụ người nghe. Nay lại vừa hát theo yêu cầu, lại vừa nhận tiền của khách, vậy còn gì là nét đẹp quan họ”. Háo hức đi xem, xong nhanh chóng bỏ về, đó là tâm lý của nhiều du khách, một phần có lẽ vì cái ngột ngạt trong biển người đổ về hội ngày một đông, cũng một phần vì tiếng hát quan họ đã kém duyên trong con mắt những người đi hội.