Để cứu doanh nghiệp cần chính sách mở

ANTĐ - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ĐBQH Cao Sĩ Kiêm (ảnh) cho rằng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã nêu được các định hướng lớn đảm bảo tính bền vững và hội nhập quốc tế, tuy nhiên cách làm cụ thể thì chưa rõ.

- PV: Với tư cách nguyên Thống đốc NHNN, ông có hài lòng với phần trả lời chất vấn vừa qua của Thống đốc Nguyễn Văn Bình? 

- Ông Cao Sĩ Kiêm: Thống đốc đã nêu lên được các định hướng lớn đảm bảo tính bền vững và hội nhập quốc tế. Nhưng phân tích điều kiện, lộ trình và cách làm cụ thể lại chưa rõ. Vì thế nhiều đại biểu chưa thông, thấy giữa lời giải thích và thực tế còn khác nhau.

- Từng có kinh nghiệm quản lý NHNN, hiện nay lại quản lý Hiệp hội doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, ông thấy cách xử lý tín dụng đối với hệ thống DN trong thời gian tới liệu có khả thi?

- Về tín dụng, có mấy hướng giải quyết: Một là DN tự đánh giá, điều chỉnh chiến lược của mình cho sát với tình hình thực tế, nghĩa là nắm được vấn đề và chớp thời cơ bật lên; Hai là không thể thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm tạo ra môi trường thuận lợi trong kinh doanh. Khi DN có những yếu tố này (đủ tiêu chuẩn) thì ngân hàng mới dám cho vay; ngược lại ngân hàng không cho vay hoặc không thu nợ được thì thậm chí có thể lâm nguy trước DN. Tóm lại, lúc này phải cần cả 3 phía: cơ quan quản lý, DN và ngân hàng bắt tay, chung sức.

- Trong phần trả lời của mình, Thống đốc có nói 1 chi tiết: Ngay trên thế giới, việc xử lý nợ xấu dứt khoát không thể thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước, tức phải bỏ vốn ra để xử lý nợ xấu. Trong bối cảnh hiện nay, dòng vốn đó nên đưa vào như thế nào để đạt hiệu quả nhất?

- Hiện nay Nhà nước lấy tiền đâu mà bỏ ra? Chỉ có thể thông qua việc bảo lãnh phát hành trái phiếu hay thông qua việc xây dựng cơ chế nhằm đảm bảo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ, nếu ngân hàng nước ngoài cần góp vốn liên doanh, hay mua đứt… thì chính sách phải mở.

- Cảm ơn ông!