Hơn 4.000 trụ sở công dôi dư sau sáp nhập tỉnh sẽ xử lý như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo tổng hợp của Bộ Nội vụ, sau khi thực hiện sáp nhập tỉnh thành, dự kiến có 33.956 trụ sở công tiếp tục sử dụng, 4.226 trụ sở dôi dư.

Bộ Nội vụ đã hoàn tất và gửi Chính phủ tờ trình đề án liên quan sáp nhập đơn vị cấp tỉnh năm 2025. Một trong những nội dung đáng chú ý tại tờ trình là việc xử lý trụ sở công dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập tỉnh.

Từ số liệu ở các đề án sắp xếp đơn vị hành chính tổng hợp được hiện nay, Bộ Nội vụ cho biết, cả nước có 38.182 trụ sở công cấp tỉnh của 52 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp.

Trong đó, số lượng trụ sở công dự kiến tiếp tục sử dụng là 33.956. Số lượng trụ sở sẽ dôi dư là 4.226.

Theo Bộ Nội vụ, việc bố trí, sử dụng trụ sở, xử lý tài chính, tài sản công sau sắp xếp cấp tỉnh cần thực hiện theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài chính, tài sản công và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Tại các đề án, UBND tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp đã có phương án, kế hoạch sắp xếp, bố trí, sử dụng, đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc đảm bảo điều kiện làm việc của các cơ quan, tổ chức ở cấp tỉnh mới.

Liên quan đến việc sắp xếp, xử lý trụ sở, Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, việc bố trí, sử dụng trụ sở, xử lý tài chính, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính thực hiện theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài chính, tài sản công và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Chính quyền địa phương cấp tỉnh nơi dự kiến bố trí trung tâm chính trị - hành chính của cấp tỉnh sau sắp xếp có trách nhiệm chủ động cân đối, bố trí ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Cấp này cũng phải quan tâm bố trí nhà ở công vụ, phương tiện phục vụ công tác và nhu cầu đi lại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp để ổn định điều kiện làm việc tại đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Đồng thời, cấp tỉnh mới sẽ hướng dẫn, tạo điều kiện để chính quyền địa phương cấp xã sau sắp xếp cân đối ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc, bảo đảm điều kiện làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp xã.

Theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi được trình Quốc hội, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày dự luật này có hiệu lực thi hành, Thường trực HĐND, các cơ quan thuộc HĐND, UBND, Chủ tịch UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã phải hoàn thành việc bàn giao công việc, hồ sơ, tài liệu, tài chính, ngân sách, trụ sở, tài sản, cơ sở vật chất khác có liên quan cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền.

Việc bàn giao này bảo đảm cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan, không để gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.